Hàng tỷ đồng ngân sách thất thu từ sai phạm tại các dự án bất động sản
Phần lớn việc điều chỉnh quy hoạch dự án tại các địa phương theo xu hướng tăng số tầng, vượt chiều cao quy định hay thêm diện tích sàn, cắt bớt cây xanh.
Việc giao đất ở các địa phương thậm chí còn đáng nói hơn. Bởi, có tình trạng, lấy đất rừng phòng hộ cho doanh nghiệp làm dự án sân golf và du lịch sinh thái mà không báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Giá đất tùy tiện, ngân sách mất nghìn tỷ
Đó chỉ là một phần của bức tranh về quản lý và thu tiền sử dụng đất vừa được Kiểm toán Nhà nước nêu lên tại báo cáo kết quả kiểm toán năm 2017 gửi đại biểu Quốc hội trước phiên họp ngày 21/5.
Đây là kết quả được thực hiện tại 13 bộ, ngành, cơ quan trung ương; 47 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và nhiều dự án, doanh nghiệp khác.
Cụ thể, theo báo cáo, đa số địa phương được kiểm toán không thực hiện đấu thầu dự án hoặc đấu giá quyền sử dụng đất mà áp dụng ngay hình thức chỉ định nhà đầu tư. Điều này theo đánh giá vi phạm Luật Đấu thầu và các Nghị định của Chính phủ.
Một loạt cái được nhắc tới như: Thành phố Hồ Chí Minh; Hà Nội; Đà Nẵng; tỉnh Lạng Sơn; Đồng Nai; Bà Rịa - Vũng Tàu; Vĩnh Long; Quảng Nam; Phú Yên.
Việc này đã khiến việc xác định giá đất do địa phương lựa chọn tùy tiện và làm thất thoát ngân sách.
Qua kiểm toán, đối chiếu 329 dự án, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị tăng thu, giảm chi 3.856 tỷ đồng và kiến nghị các địa phương xem xét xử lý 3.911 tỷ đồng.
Việc giao đất không qua đấu giá đã khiến ngân sách hụt thu hàng nghìn tỷ đồng.
Việc xác định giá đất của nhiều dự án theo đánh giá là còn kéo dài, làm chậm thu vào ngân sách. Chỉ riêng ở 2 địa phương là Hà Nội, Bình Dương, số tiền phạt chậm nộp do chậm xác định giá đất, chậm phát hành thông báo thu tiền sử dụng đất đã lên tới 1.074 tỷ đồng.
Đáng chú ý, Kiểm toán chỉ ra có tình trạng điều chỉnh mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ không đúng thẩm quyền, giao đất không đúng đối tượng, giao đất không có trong kế hoạch sử dụng đất,...
Đây là tình trạng diễn ra tại tỉnh Thanh Hóa. Địa phương này đã chuyển mục đích sử dụng đất 22,63 ha rừng phòng hộ cho một doanh nghiệp ở Thanh Hóa để thực hiện dự án xây dựng sân golf và khu đô thị du lịch sinh thái nhưng không báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Ngoài ra, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Kiểm toán Nhà nước cũng thống kê, có 10/62 dự án được kiểm toán giao đất khi văn bản chấp thuận đầu tư đã hết hiệu lực.
Dự án xén bớt cây xanh, diện tích công cộng
Ở hướng khác, về phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch tại các địa phương, Kiểm toán Nhà nước thẳng thắn chỉ ra, nhiều nơi đã phê duyệt quy hoạch 1/500 không tuân thủ quy hoạch 1/2000 được duyệt dẫn đến phá vỡ quy hoạch chung.
Những cái tên được chỉ ra là: Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Hậu Giang, Lạng Sơn, thị xã Cam Ranh - Khánh Hòa.
Đặc biệt, việc phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch của các dự án đa số theo xu hướng tăng số tầng, vượt quá số tầng và chiều cao theo quy định. Hoặc xu hướng khác là tăng diện tích sàn, chia nhỏ diện tích căn hộ hoặc bổ sung chức năng nhà ở vào các lô đất thương mại, văn phòng, giảm diện tích công cộng, cây xanh.
Chính việc này theo Kiểm toán Nhà nước đã làm cho số lượng dân số tăng và là yếu tố cơ bản gây áp lực lớn tới hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đặc biệt là giao thông đô thị.
Ngoài ra, một loạt vấn đề khác được chỉ ra như: Diện tích đất bố trí xây dựng trường học, trường mầm non, y tế không đủ nhu cầu tại chỗ; bố trí đất làm bãi đỗ xe, cây xanh thiếu so với quy định; khoảng cách giữa các dãy nhà cao tầng chưa đảm bảo mức tối thiểu theo quy chuẩn,...
Đây là tình trạng tại một loạt địa phương là: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ, Chu Lai, tỉnh Quảng Nam,…