20 triệu cô dâu ở Ấn Độ làm chao đảo thị trường vàng
Người Ấn Độ có một câu nói bất hủ: “Không vàng, không đám cưới”. Một nửa số vàng được mua mỗi năm là vàng trang sức dành cho các lễ cưới.
Mỗi năm có đến 20 triệu đám cưới được tổ chức ở Ấn Độ, và vàng luôn được coi là người bạn đồng hành thân thiết với mỗi cô dâu trong ngày vui của mình. “Không có đám cưới nào ở Ấn Độ được coi là hoàn chỉnh nếu không có vàng. Bất kể giàu hay nghèo, địa vị xã hội như thế nào, đám cưới của bạn nhất định phải có vàng.
Ngày tổ chức hôn lễ là dịp gia đình cô dâu chú rể đem hết tài sản, đồ trang sức của mình ra khoe trước mặt các vị quan khách”, Vithika Agarwal – người đồng sáng lập công ty Tổ chức lễ cưới Divya Vithika tại Bangalore cho biết, "Cô dâu tận dụng vàng làm đồ trang sức tóc, khuyên mũi, khuyên tai, vòng cổ, vòng tay chân. Thậm chí có lúc khách đến dự còn nhìn thấy nhiều vàng hơn mặt mũi cô dâu”.
Trải qua nhiều thế kỷ chiến tranh và thay đổi biên giới các vương quốc trong khu vực, vàng trở thành đồng tiền an toàn nhất. Trong một số truyền thuyết Hindu, vị thần Brahma - người tạo ra vũ trụ - được sinh ra từ một quả trứng bằng vàng. Chính vì vậy ở Ấn Độ, vàng vừa mang ý nghĩa tâm linh, vừa mang tính thực tế. Bố mẹ cô dâu cho con gái vàng như biểu tượng của sự giàu có, đồng thời cũng là vật bảo đảm cho tương lai của cô dâu.
Nếu như người Mỹ mơ ước được sở hữu một căn nhà thì người Ấn Độ lại mong muốn có thật nhiều vàng. Người Ấn Độ có một câu nói bất hủ: “Không vàng, không đám cưới”. Một nửa số vàng được mua mỗi năm là vàng trang sức dành cho các lễ cưới. Hằng năm, tại Ấn Độ ước tính có đến 10 triệu đám cưới. Nhiều gia đình có con gái đi lấy chồng chi tới 200.000USD chỉ để mua vàng.
Hiện Ấn Độ là nước tiêu thụ vàng đứng thứ hai trên thế giới (chỉ sau Trung Quốc), chiếm ¼ nhu cầu thị trường toàn cầu. Hàng năm quốc gia này mua đến 1.000 tấn kim loại quý hiếm, theo Hội đồng Vàng thế giới thống kê.“Ấn Độ thực sự có sức ảnh hưởng lớn tới giá vàng thế giới”, giám đốc Somasundaram PR của chi nhánh Hội đồng Vàng Thế giới tại Ấn Độ cho biết. Tuy nhiên năm nay thị trường vàng tại quốc gia này có phần ảm đạm.
Vàng ăn sâu vào văn hóa Ấn Độ hàng nghìn năm nay. Hiện Ấn Độ là nhà nhập khẩu vàng lớn nhất thế giới. Năm 2012, Ấn Độ nhập 864 tấn vàng, tương đương với 1/5 lượng bán ra trên toàn thế giới, với số tiền khổng lồ 45 tỉ USD- chỉ đứng sau tiền nhập khẩu dầu. Theo ông Mehta, trong số 18.000 tấn vàng được cất giữ ở Ấn Độ, có đến 2/3 đang ở vùng nông thôn. Trong khi hàng triệu người không có tài khoản ngân hàng thì vàng được coi là một vật tiết kiệm thay thế. Cơn khát tiền vàng, vàng thỏi và vàng trang sức đã làm Ấn Độ thâm hụt thương mại và suy yếu đồng tiền, làm cho những mặt hàng nhập khẩu quan trọng như nhiên liệu đắt đỏ hơn.
Chính phủ trong những năm qua đã cố gắng kiềm chế nhu cầu vàng, nâng thuế nhập khẩu lên gấp 3 lần chỉ trong một năm- lên mức 6% như hiện tại. “Văn hóa vàng ăn sâu bám rễ ở Ấn Độ nên khó có thể kiềm chế nhu cầu bằng cách điều chỉnh thuế” - nhà kinh tế học Samiran Chakraborty thuộc Ngân hàng Standard Chartered ở Mumbai nói.
Theo lịch Hindu, năm nay không có nhiều ngày đẹp để cho các cặp đôi tổ chức lễ cưới. Điều đó kéo theo "sức ì" trên thị trường vàng. “Trong năm 2015, theo phán đoán chiêm tinh, số ngày thuận lợi để tổ chức lễ thành hôn đã giảm 20% so với năm ngoái”. Chính điều này đã làm ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ vàng của Ấn Độ. Bên cạnh đó, chứng kiến giá vàng lên xuống bất thường, có những lúc giảm liên tục, khiến nhiều khách hàng mong muốn mình sẽ mua được với giá rẻ hơn, nên thường chờ đợi. Tình trạng hạn hán kéo dài cũng làm thu nhập của nông dân tại vùng quê Ấn Độ giảm sút mạnh, họ không có đủ tiền mặt để mua thêm trang sức.
Theo các chuyên gia phân tích, nông dân Ấn Độ là đối tượng chiếm 2/3 lượng tiêu thụ vàng nội địa. Họ coi vàng là một cách để dự trữ, đầu tư quỹ tài sản của mình thay vì được tiếp cận và gửi tiền trong hệ thống ngân hàng hiện đại.
Hiệp hội vàng bạc đá quý Ấn Độ (IBJA) dự đoán cầu tại thị trường vàng ở Ấn Độ trong năm nay sẽ giảm từ 811 tấn năm 2014 xuống chỉ còn 700 tấn. “Ở nhiều làng quê, đến ngày tổ chức đám cưới, họ sẽ đổi trang sức, vàng cũ lấy đồ mới, chứ không còn dùng tiền mặt để mua thêm”, Kothari – Phó chủ tịch IBJA giải thích.