2 năm tới, kinh tế châu Âu vẫn rất khó khăn

Nhóm phóng viên tại Bruxelles đã phỏng vấn ông Bruno Colmant, kinh tế gia làm việc cho Công ty tư vấn chiến lược Roland Berger về bức tranh kinh tế châu Âu năm 2012 và triển vọng năm 2013.

Nhóm phóng viên tại Bruxelles đã phỏng vấn ông Bruno Colmant, kinh tế gia làm việc cho Công ty tư vấn chiến lược Roland Berger. Ông Bruno Colmant đã từng là Chủ tịch Thị trường chứng khoán Bruxelles trước khi sàn giao dịch chứng khoán Bruxelles sáp nhập với thị trường chứng khoán New York và trở thành NYSE Euronext.

Ông có nhận xét thế nào về kinh tế châu Âu năm 2012?

Ông Bruno Colmant: Tôi cho là có nhiều ý cần nói. Trước tiên là châu Âu vẫn đang trong giai đoạn suy trầm khá nghiêm trọng, năm 2012 đã không mấy thuận lợi, các năm tới cũng vẫn sẽ tiếp tục khó khăn. Tuy nhiên, trong bối cảnh chung tương đối tiêu cực vẫn có tin tốt, đó là các nước châu Âu đã giải quyết được vấn đề Hy Lạp và Ngân hàng trung ương châu Âu đã sử dụng sức mạnh của mình để cứu đồng euro và kiểm soát các ngân hàng. Có thể nói là châu Âu đã có tiến bộ rất rõ nét trong lĩnh vực chính sách tiền tệ.

Theo ông, thời điểm khó khăn nhất trong năm vừa qua là khi nào?

Ông Bruno Colmant: Theo tôi, suốt cả năm lúc nào cũng là thời điểm khó khăn. Bởi vì thất nghiệp không ngừng tăng trên khắp châu Âu, với tỷ lệ thất nghiệp hiện nay lên tới 12%. Tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên gần tới 23% là chuyện chưa bao giờ thấy từ Chiến tranh thế giới lần thứ hai đến nay.

2 năm tới, kinh tế châu Âu vẫn rất khó khăn - 1

Châu Âu vẫn đang trong giai đoạn suy trầm khá nghiêm trọng (Ảnh minh họa)

Trong một số nước như Tây Ban Nha, tỷ lệ thanh niên thất nghiệp còn hơn cả 50%, đó thực sự là câu chuyện đau lòng của năm 2012. Vậy châu Âu đã đi qua thời điểm khó khăn nhất hay chưa?

Ông Bruno Colmant: Tôi cho là thời điểm khó khăn nhất còn chưa tới vì thất nghiệp vẫn ở mức cao, mà xét cho cùng thì quan trọng nhất vẫn là người dân có việc làm, tham gia vào cộng đồng thông qua công việc. Hiện nay 1/4 tổng số thanh niên châu Âu không có việc làm, tức là hàng triệu giờ kinh nghiệm, hàng triệu giờ sáng tạo bị mất đi. Tôi sẽ chỉ có thể lạc quan khi thị trường lao động sôi động trở lại và các doanh nghiệp tuyển dụng thêm thanh niên, rồi cũng sẽ đến lúc ngày càng nhiều thanh niên kiếm được việc làm. Nhưng hai năm tới đây sẽ còn khó khăn hơn.

Ông có thể nói kỹ hơn không?

Ông Bruno Colmant: Tôi cho là phải đợi thêm hai nữa. 2013 sẽ là một năm không có tăng trưởng và 2014 sẽ có tăng trưởng ở mức rất thấp. Hai năm sắp tới đây vẫn sẽ rất khó khăn, đó sẽ là hai năm gần như vô nghĩa với nền kinh tế. Tôi xin lưu ý một chi tiết, đó là ở Mỹ, thất nghiệp đã bắt đầu giảm bớt, bởi vì người Mỹ đã bơm thêm tiền vào nền kinh tế, chứ không áp dụng chính sách khắc khổ. Vậy mà châu Âu thì chậm trễ, vẫn là thất nghiệp và chính sách khắc khổ.

Ông có thể giải thích thêm không?

Ông Bruno Colmant: Thật ra châu Âu vẫn có tâm lý cục bộ. Chính do tâm lý này, nên có sự khác biệt rất lớn giữa các nước châu Âu. Một chuyện khác là có thể đã có quá nhiều nước sử dụng đồng tiền chung. Lúc đầu thì Eurozone chỉ bao gồm một số quốc gia khá đồng nhất, sau đó có thêm một số nước quanh Địa Trung Hải. Và các nước này, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hy Lạp và Italy lại rất khác các nước ở phía Bắc châu Âu. Vì thế châu Âu thường mất rất nhiều thời gian để tìm đồng thuận. Từ bốn năm nay, nhiều biện pháp đã được đưa ra áp dụng, nhưng lẽ ra chúng ta có thể làm được nhiều việc hơn thế.

Cách đây một năm, người ta nói đồng tiền chung sắp đến hồi tan vỡ. Vậy nhưng hôm nay đồng euro vẫn còn đây và tỷ giá thậm chí còn cao hơn năm ngoái. Ông giải thích ra sao?

Ông Bruno Colmant: Đúng là euro tăng giá, nhưng là do một lý do khá đơn giản, đó là Ngân hàng Trung ương của các nước khác đã in thêm ra nhiều tiền hơn hẳn so với Ngân hàng Trung ương châu Âu. Mỹ đã tung ra một lượng USD lớn, Anh cũng làm như vậy với đồng bảng, mới đây Nhật Bản cũng theo hướng đó và hậu quả thì châu Âu phải gánh chịu vì khi đồng euro mạnh lên thì châu Âu sẽ khó xuất khẩu hơn. Tình hình hiện nay đang không thuận cho đồng euro, châu Âu đã cứu được đồng tiền chung, ít ra là về ngắn hạn, nhưng vấn đề vẫn là đồng euro đang quá mạnh. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hồng Quang (VTV)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN