16.000 tỷ ưu đãi ngư dân: Chưa ai vay được

Lúng túng trong việc lựa chọn những tiêu chí đủ điều kiện vay vốn hay không khiến sau hai tháng triển khai Nghị định 67, vẫn chưa có tỉnh nào phê duyệt danh sách để làm thủ tục vay vốn gói 16.000 tỷ.

Sau hơn 2 tháng có hiệu lực, Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách khuyến khích ngư dân vươn khơi, bám biển thay đổi phương thức đánh bắt cũ nhằm tạo giá trị kinh tế cao, phát triển thủy sản đã có khoảng 10 Quyết định và 8 thông tư hướng dẫn từ Bộ NN&PTNT, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước ban hành nhằm đảm bảo chính sách đi vào cuộc sống nhưng đến thời điểm này vẫn chưa có tỉnh nào phê duyệt danh sách vay vốn cho bà con ngư dân.

16.000 tỷ ưu đãi ngư dân: Chưa ai vay được - 1

Gói 16.000 tỷ đồng hỗ trợ ngư dân đóng mới tàu đánh bắt xa bờ vẫn chưa được giải ngân

Tỉnh lúng túng lựa chọn danh sách

Tại tọa đàm giao lưu trực tuyến với chủ đề “Để ngư dân vững vàng vươn khơi” đã nhận được rất nhiều ý kiến thắc mắc, băn khoăn của ngư dân khắp nơi gửi về xung quanh những vấn đề liên quan đến Nghị định 67, trong đó đáng chú ý đặc biệt là những ý kiến về việc khó tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ chương trình.

Trả lời vấn đề này, Ông Phạm Ngọc Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho rằng: Nghị định 67 ra đời với nhiều chính sách được người dân rất ủng hộ. Nghị định này quy định 5 nhóm chính sách lớn tương đối đầy đủ để phát triển ngành thủy sản. Để triển khai Nghị định đã có 8 Thông tư ban hành, đạt được nhiều kỷ lục về: thời gian ban hành các văn bản pháp luật; số lượng văn bản hướng dẫn; nội hàm chính sách của Nghị định và đáng chú trọng nhất là chính sách đầu tư nâng cấp, phát triển đội tàu đánh bắt thủy sản xa bờ. Trong chính sách này thể hiện sự thông thoáng, dễ tiếp cận về thời gian vay vốn, lãi suất ưu đãi, thông thoáng trong cơ chế xử lý rủi ro, đáp ứng sự mong mỏi của bà con ngư dân. Tuy nhiên để nguồn vốn tới bà con ngư dân thì theo quy định của ngân hàng NN, các ngư dân vay vốn phải nằm trong danh sách được UBND tỉnh phê duyệt.

Đến thời điểm này vẫn chưa có địa phương nào được giải ngân, nguyên nhân theo ông Tuấn do việc tuyên truyền cho bà con vẫn chưa sát sao, ngư dân chưa tự nắm được họ có đủ điều kiện tham gia chương trình hay không. Khi chính sách đưa, người dân mong mỏi, háo hức, dồn lên số lượng rất lớn dẫn đến tình trạng ở một số địa phương, các cấp chính quyền địa phương vì tình làng nghĩa xóm nên không biết giữ ai, bỏ ai. Tiếp theo là công tác thẩm định ở địa phương còn hạn chế. Thêm một lý do nữa là Bộ mới công bố mẫu tàu vỏ thép nên ngư dân chưa định hình được đóng tàu vỏ thép cần bao nhiêu tiền, quy mô của việc tham gia như thế nào còn phân vân chưa tham gia đăng ký.

Cũng theo ông Tuấn thì lâu nay, người dân muốn Bộ và ngân hàng công khai tiêu chí rõ ràng hơn nhưng điều này là rất khó vì mỗi địa phương có một tiêu chí khác nhau nên nếu áp một chỉ tiêu duy nhất cho các địa phương khác nhau thì không phù hợp. Do đó dựa trên quy định của định 67, mỗi tỉnh nên đưa ra những tiêu chí cụ thể hơn để xét duyệt.

Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch Hiệp hội Nghề cá Thành phố Đà Nẵng cho biết, Nghị định 67 ra đời khiến ngư dân rất phấn khởi đăng ký, háo hức muốn đóng tàu để vươn khơi. Cho đến đầu tháng 10, theo thống kê Thành phố Đà Nẵng có con số đăng ký là 180 tàu, nhưng theo chỉ tiêu của Bộ Nông nghiệp, Thành phố Đà Nẵng chỉ được phân bổ 47 chiếc.

Tuy nhiên theo ông Lĩnh thì vẫn còn nhiều vướng mắc khiến ngư dân chưa thể tiếp cận với nguồn vốn: “UBND phải là người xem xét ban đầu nhưng theo Nghị định 67 thì tiêu chí đưa ra lại chưa rõ ràng. Chẳng hạn đánh bắt xa bờ: thế nào là đánh bắt xa bờ? phải có năng lực quản trị kinh tế, tài chính lành mạnh là thế nào?”

Công khai danh sách ngư dân đủ điều kiện vay vốn

Trước những câu hỏi về việc khó tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng, ông Lê Trung Thành, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam BIDV cho biết: Theo số liệu mà chúng tôi nắm được qua chi nhánh của BIDV thì cho đến 27/10/2014 chưa có 1 địa phương nào có danh sách chính thức ngư dân được vay vốn. Tuy nhiên ngay khi Nghị định 67 ra đời, ngân hàng đã xây dựng những biểu mẫu, gọn, nhẹ, đơn giản, dễ hiểu đồng, tạo điều kiện thuận lợi nhất để bà con tiếp cận được đồng vốn đông thời cử cán bộ ngân hàng làm việc trực tiếp với ngư dân để hướng dẫn bà con trong thủ tục vay vốn. Do UBND tỉnh chưa phê duyệt danh sách ngư dân đủ điều kiện nên ngân hàng chưa thể cấp vốn được, ngay khi có danh sách ngân hàng sẽ lập tức giải ngân.

Để đảm bảo tính công bằng cho ngư dân công trong công tác lập danh sách, phê duyệt vay vốn đóng tàu, ông Tuấn cho biết, theo Nghị định 67 đã quy định rất rõ trình tự thẩm định, xét duyệt đối tượng tham gia chương trình. Trên cơ sở số lượng tàu phân bổ cho các tỉnh, tỉnh sẽ phân bổ về huyện, xã. Quy trình xét duyệt thì ngược lại. Trong các cấp có thể thành lập các ban chỉ đạo, tổ để lựa chọn người tham gia chính xác nhất. Trên cơ sở quy định trong nghị định, các địa phương cũng đã ban hành các tiêu chí để phù hợp với địa phương mình sau đó tiến hành công bố công khai tiêu chí lựa chọn, người được lựa chọn là người có điểm cao nhất trong địa phương. Niêm yết công khai người được lựa chọn để người dân theo dõi xem người được lựa chọn có thực sự đúng, phù hợp hay không.

Trước lo ngại của ngư dân về việc xảy ra tình trạng “cò mồi” để tiếp cận vốn vay ưu đãi, đại diện ngân hàng BIDV khẳng định: “Ngay khi có thông tin tình trạng cò mồi, Thống đốc Ngân hàng nhà nước VN  đã có công văn chỉ đạo yêu cầu tất cả các ngân hàng thiết lập đường dây nóng để trả lời cho bà con rõ ràng. Riêng ngân hàng BIDV cũng chỉ đạo tất cả những thủ tục cho ngư dân vay vốn phải đảm bảo rõ ràng, công khai, minh bạch, cung cấp đường dây nóng cho bà con. Ngoài ra, ngân hàng còn treo biển, phát tờ rơi tại các phòng giao dịch tại địa phương giúp bà con có mong muốn vay vốn theo nghị định 67 có thể nắm bắt được thông tin. Với cách làm này chúng tôi tin chắc tình trạng cò mồi sẽ chấm dứt.”

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo ANTV
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN