157 dự án nhà ở xã hội được triển khai

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng vừa gửi tới các ĐBQH báo cáo về Tình hình thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa XIII, trong đó nóng nhất vẫn là tình trạng “đóng băng bất động sản”.

Với nhiệm vụ quan trọng nhất của ngành trong năm là tập trung giải quyết tình trạng “đóng băng” của thị trường bất động sản, xử lý đất bỏ hoang, điều chỉnh cơ cấu thị trường, cân đối cung cầu và xử lý nợ xấu, có kế hoạch giải quyết vấn đề nhà ở xã hội, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết: Một trong những vấn đề cốt lõi để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản là phải khắc phục được sự lệch pha cầu cung - cầu, điều chỉnh cơ cấu hàng hóa một cách hợp lý, sao cho các sản phẩm bất động sản chủ yếu phải phù hợp với nhu cầu thực và khả năng thanh toán của đại đa số người mua.

Chính vì vậy, Bộ Xây dựng xác định quan điểm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản phải gắn với thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 (sau đây gọi tắt là Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia) mà trọng tâm là phát triển nhà ở xã hội, hướng tới người nghèo để người nghèo có nhà ở.

Nhiều dự án giá giảm còn một nửa

Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, giá nhà ở đã giảm nhiều so với thời điểm sốt giá giai đoạn 2008-2010, nhiều dự án giá giảm tới 50%, trở về giá tương đương thời điểm 2006. Đây cũng là điểm tốt, tạo điều kiện cho người có nhu cầu có thể mua nhà ở phù hợp với điều kiện kinh tế của mỗi gia đình, gần đây thị trường bất động sản đối với phân khúc nhà ở bình dân ở Hà Nội và TP. HCM đã có dấu hiệu ấm dần lên.

Theo kết quả rà soát của Bộ Xây dựng, từ nay đến năm 2015 trong khu vực đô thị cả nước có khoảng 1.740.000 người có khó khăn về nhà ở (diện tích bình quân dưới 5 m2/người) và 1.715.000 công nhân có nhu cầu ổn định chỗ ở, để đáp ứng nhu cầu về nhà ở cần phải xây dựng khoảng 700.000 căn hộ.

Tương tự như vậy, nhu cầu về nhà ở cho người có thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp đến năm 2020 sẽ tăng thêm khoảng 200.000 căn (nếu nhu cầu đến năm 2015 được giải quyết hết vào năm 2015).

Trong đó, một số địa phương có nhu cầu nhà ở xã hội lớn, cụ thể như sau: Hà Nội cần 111.200 căn; TP.HCM cần 134.000 căn; Đà Nẵng cần 16.000 căn; Đồng Nai cần 95.000 căn; Bình Dương cần 104.000 căn… Riêng nhu cầu nhà ở xã hội của cán bộ, công chức 25 bộ, ngành tại khu vực Hà Nội cần khoảng 30.000 căn. Một số địa phương trọng điểm có nhu cầu cao về nhà ở xã hội đã lập kế hoạch phát triển nhà ở xã hội cho giai đoạn 2012-2015 như: Hà Nội đã đưa ra chỉ tiêu phấn đấu xây dựng tối thiểu khoảng 4.700.000 m2 sàn, tương đương với khoảng 100.000 căn hộ, TP.HCM phấn đấu xây dựng tối thiểu khoảng 2.700.000 m2 sàn nhà ở xã hội (mỗi năm khoảng 675.000 m2 sàn) tương đương với khoảng 67.000 căn hộ.

157 dự án nhà ở xã hội được triển khai - 1
157 dự án nhà ở xã hội được triển khai trên toàn quốc (Ảnh minh họa)

Trên cơ sở đó, Bộ đã chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh triển khai xây dựng các dự án nhà ở xã hội để từng bước đáp ứng nhu cầu về nhà ở xã hội của nhân dân. Tính đến nay, trên toàn quốc đã có 157 dự án nhà ở xã hội đang được triển khai xây dựng với quy mô 68.500 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 19.900 tỷ đồng (trong đó có: 58 dự án nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp với quy mô trên 33.000 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 10.900 tỷ đồng và 99 dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân, với quy mô xây dựng khoảng 35.500 căn hộ, với tổng mức đầu tư trên 9.000 tỷ đồng).

Tổng số dự án phát triển nhà ở, khu đô thị mới trên phạm vi cả nước: Số lượng 3.742 dự án; Tổng diện tích theo quy hoạch 90.612 ha; Tổng diện tích đất xây dựng nhà ở theo quy hoạch là 33.408 ha; Tổng diện tích đất để xây dựng nhà ở xã hội theo quy hoạch là 2.354 ha; Tổng số nhà ở là 2.799.169 căn, tương đương 410.112.236 m2 sàn (trong đó Hà Nội là 82.450.000 m2, TP. Hồ Chí Minh là 79.361.000 m2); Tổng mức đầu tư ước tính 3.534.896 tỷ đồng.

Một số Chương trình phát triển nhà ở xã hội có quy mô lớn đã được triển khai, cụ thể như:

Tổng công ty Becamex IDC thực hiện Đề án nhà ở xã hội tại tỉnh Bình Dương giai đoạn 2011-2015, gồm 37 dự án với tổng mức đầu tư 10.830 tỷ đồng, quy mô 64.000 căn hộ, diện tích xây dựng hơn 2,7 triệu m2 sàn, đáp ứng chỗ ở cho trên 125.000 người, hiện đã hoàn thành 4.700 căn;

Tổng công ty IDICO - Bộ Xây dựng triển khai Dự án nhà ở công nhân khu công nghiệp Nhơn Trạch, Đồng Nai với tổng mức đầu tư 758 tỷ đồng, quy mô gần 3.500 căn hộ, diện tích xây dựng hơn 170.000 m2 sàn, đáp ứng chỗ ở cho hơn 8.000 công nhân; mục tiêu đến năm 2020 dự kiến đầu tư khoảng 20.000 căn hộ;

Tổng công ty HUD - Bộ Xây dựng đã triển khai Dự án Khu nhà ở xã hội Tây Nam Linh Đàm với tổng mức đầu tư 710 tỷ đồng, quy mô trên 1.000 căn hộ, diện tích xây dựng hơn 75.815 m2 sàn; đang nghiên cứu triển khai các dự án nhà ở xã hội tại các dự án khu đô thị: Nam Linh Đàm, Thanh Lâm - Đại Thịnh 2, Nam An Khánh mở rộng khu 3, Giang Biên, Tân Lập, Kiến Hưng, Đại Áng… với mục tiêu giai đoạn 2013-2015 xây dựng trên 4.950 căn hộ và giai đoạn 2016-2020 xây dựng trên 20.000 căn hộ nhà ở xã hội.

Ngoài ra, tính đến nay đã có 56 chủ đầu tư dự án đề xuất điều chỉnh quy mô căn hộ hoặc chuyển đổi dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, với quy mô 33.000 căn hộ (chủ yếu tại các đô thị lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh), trong đó: Hà Nội có 27 dự án với quy mô hơn 14.900 căn hộ (Ủy ban nhân dân Thành phố đã thống nhất chủ trương cho chuyển đổi 4 dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, các dự án khác đang được Tổ công tác thẩm tra); TP. Hồ Chí Minh có 23 dự án với quy mô 14.500 căn hộ, chưa kể các dự án nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp ở các tỉnh phát triển mạnh về công nghiệp... 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hải Phong (Dân Việt)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN