10 nhà băng tham gia gói tín dụng 50.000 tỷ
10 nhà băng lớn, nhỏ sẽ cùng tham gia góp vốn vào gói tín dụng 50.000 tỷ đồng nhằm cứu thị trường bất động sản.
Thông tin từ Ngân hàng Xây dựng (VNCB) cho biết, chiều nay (25/3) nhà băng này sẽ phối hợp với Tập đoàn Thiên Thanh chính thức giới thiệu gói tín dụng hỗ trợ phát triển thị trường bất động sản trị giá 50.000 tỷ đồng.
Được biết, gói tín dụng sẽ được triển khai nhằm tối ưu và hiệu quả cho tất cả các chủ thể tham gia thị trường xây dựng, an toàn tín dụng cho các ngân hàng cấp tín dụng, khơi thông hàng hóa vật liệu xây dựng (VLXD) thông qua các hình thức trả chậm và đối trừ, giảm tiền mặt lưu thông góp phần giảm lạm phát, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận tín dụng mới khi còn có các khoản vay cũ…
Thị trường bất động sản sẽ có thêm nguồn vốn từ gói tín dụng 50.000 tỷ đồng
Gói tín dụng 50.000 tỷ đồng sẽ được các ngân hàng triển khai thông qua chuỗi liên kết xây dựng 4 nhà: ngân hàng người mua – chủ đầu tư – nhà thầu cung ứng và sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD) – ngân hàng người bán. Như vậy có tổng cộng 10 ngân hàng sẽ góp vốn vào gói tín dụng 50.000 tỷ đồng. Ngoài VNCB, 9 ngân hàng còn lại bao gồm: Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank, Sacombank, ACB, MD Bank, LienVietPostBank, Oceanbank.
Trong đó, VNCB đóng vai trò là ngân hàng tổ chức cho các ngân hàng người bán, cung cấp tín dụng cho các doanh nghiệp sản xuất VLXD.
Bên cạnh đó, một đối tác khác là Tập đoàn Thiên Thanh sẽ là nhà tổ chức cung ứng vật liệu xây dựng, chủ trì xây dựng Sàn kinh doanh VLXD – TTBNNT đầu tiên trên cả nước, nhằm kết nối các đối tượng có nhu cầu VLXD là các chủ đầu tư, nhà thầu với nhà sản xuất VLXD trên cả nước.
Mô hình sàn kinh doanh VLXD – TTBNNT sẽ là giải pháp chuyên nghiệp cho việc khơi thông hàng hóa và kích cầu sản xuất ngành xây dựng, là cơ sở để tín dụng và các công cụ tài chính được sử dụng tối ưu.
Trước đó, thị trường xôn xao tài chính cũng như bất động sản xôn xao trước thông tin đưa ra, sẽ có một gói tín dụng “khủng” được tung ra để “cứu” thị trường bất động sản. Trong lần trao đổi với Infonet trước đây, TS. Lê Xuân Nghĩa – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh doanh (BDI) cho hay, gói tín dụng này sẽ hướng tới người vay với mức lãi suất rất ưu đãi, đảm bảo ngang hoặc thấp chí là thấp hơn mức lãi suất thấp hơn thị trường hiện nay để đảm bảo cho vay hiệu quả.
Cũng theo TS. Lê Xuân Nghĩa, đối tượng mà gói tín dụng này hướng tới là các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng, chung cư, nhà ở, trong đó bao gồm cả nhà ở trong phố.
Theo mô hình chuỗi liên kết 4 nhà thì, tiền mua VLXD của chủ đầu tư dành cho các công trình xây dựng nhà ở sẽ được ngân hàng giải ngân trực tiếp tới tài khoản của nhà cung cấp VLXD. “Điều này sẽ tránh được tình trạng đồng tiền đi ngang, đi chéo. Nhà thầu cũng sẽ được bảo đảm khả năng thanh toán đúng tiến độ. Đối với nhà sản xuất có thể giải phóng được hàng tồn kho với số lượng lớn, được thanh toán đúng tiến độ…”- ông Nghĩa nêu quan điểm.