10 người giàu nhất Eurozone

Mặc dù đang phải đứng giữa tâm bão của cuộc khủng hoảng nợ nhưng Eurozone vẫn là miền đất của những tỷ phú, doanh nhân giàu có.

Dưới đây là danh sách 10 người giàu nhất Eurozone

9 & 10. Berthold & Theo Jr Albrecht, Đức

Tài sản ước tính: 11,2 tỷ USD mỗi người.

Lĩnh vực kinh doanh: siêu thị (Aldi Nord)

10 người giàu nhất Eurozone - 1

Berthold và Theo Albrecht Jr là đồng thừa kế chuỗi siêu thị giảm giá Aldi Nord từ cha mình, ông Theo Albrecht. Hai người anh em này cũng giống như cha mình, là những người rất kín tiếng trong giới kinh doanh. Ông Theo Jr. (61 tuổi) có một người con và Berthold (57) có 5 người con. Họ đều là thành viên trong hội đồng giám sát của tập đoàn Aldi Nord.

8. Serge Dassault, Pháp

10 người giàu nhất Eurozone - 2

Tài sản ước tính: 11,5 tỷ USD

Lĩnh vực kinh doanh: máy bay (Dassault Group)

Serge Dassault là chủ tịch và CEO của tập đoàn Dassault - sở hữu một nhóm các công ty trong đó có nhà sản xuất máy bay Dassault Aviation và tờ báo Pháp Le Figaro. Ông thừa kế tập đoàn từ cha mình là Marcel Dassault.

Là thành viên của Đảng bảo thủ Pháp cũng là lãnh đạo cùng ngoại ô Paris, Dassault ủng hộ mạnh mẽ ứng cử viên Nicolas Sarkozy trong cuộc chạy đua chức tổng thống Pháp với đối thủ Francois Hollande của Đảng Xã hội.

Năm nay, Dassault đã trúng lớn khi giành được hợp đồng cung cấp máy bay trị giá 10 tỷ USD với Ấn Độ.

7. Leonardo Del Vecchio, Italia

10 người giàu nhất Eurozone - 3

Tài sản ước tính: 13,6 tỷ USD

Lĩnh vực kinh doanh: kính mắt (Luxottica)

Leonardo Del Vecchio, người giàu thứ hai của Italia là chủ tịch, nhà sáng lập tập đoàn Luxottica- kẻ dẫn đầu ngành công nghiệp kính thể thao cao cấp với nhiều thương hiệu nổi tiếng như Ray-Ban, Oakley… Tập đoàn này cũng có mua bản quyền của Chanel, Prada, và hầu hết các hãng thời trang lớn khác trên thế giới. Hiện Luxottica sở hữu 7.100 cửa hàng kính mắt trên khắp thế giới trong đó có chuỗi Sunglass Hut.

Sinh ra tại thành phố Milan in 1935 trong cảnh nghèo khó, sau khi cha mất, Del Vecchiowas được gửi tới một trại trẻ mồ côi. Ông bắt đầu làm công nhân sản xuất các bộ phận kính mắt trước khi thành lập Luxottica vào năm 1961. Thành công sau đó đã giúp ông mua lại nhiều thương hiệu khác. Cổ phiếu của tập đoàn được niêm yết tại New York vào năm 1990 và tại Milan vào năm 2000.

6. Francois Pinault, Pháp

10 người giàu nhất Eurozone - 4

Tài sản ước tính: 14,2 tỷ USD

Lĩnh vực kinh doanh: bán lẻ (PPR)

François Pinault là một ông trùm tự lập người Pháp cũng là cổ đông chính của tập đoàn bán lẻ cao cấp PPR với các thương hiệu như Gucci, Yves Saint Laurent, Balenciaga, Bottega Veneta, và Alexander McQueen... Vào năm 1992, ông lập ra công ty tư nhân cho gia đình mình mang tên Artemis. Artemis kiểm soát vườn nho Château-Latour ở Bordeaux, tạp chí Le Point và tờ báo l’Agefi.

François Pinault cũng là ông chủ nhà đấu giá nổi tiếng Christie’s, kẻ dẫn đầu trên thị trường nghệ thuật thế giới. Là một người yêu thích nghệ thuật và cũng là chủ nhân của một trong những bộ sưu tập nghệ thuật đương đại danh giá nhất thế giới, Pinault đã mua lại Palazzo Grassi ở Venice vào tháng 5/2005 để lưu giữ và trưng bày bộ sưu tập của mình.

5. Michele Ferrero, Italia

10 người giàu nhất Eurozone - 5

Tài sản ước tính: 16,4 tỷ USD

Lĩnh vực kinh doanh: chocolate (Ferrero SpA)

Michele Ferrero, người giàu nhất Italia là chủ nhân của Ferrero SpA. Cha ông (Pietro) đã thành lập tập đoàn này vào năm 1946 tại Alba, Italia. Hiện Ferraro là nhà sản xuất chocolate lớn thứ Tư trên thế giới với những thương hiệu như Kinder, Nutella vàTic Tac.

Sáng kiến vĩ đại nhất của Pietro là tạo ra loại kẹo giống như chocolate nhưng dùng nguyên liệu từ cây phỉ (loại cây phổ biến ở vùng nông thôn Alba vào những năm sau chiến tranh) thay vì bột ca cao đắt đỏ và khan hiếm. Nutella giờ đây trở thành thương hiệu kẹo bán chạy nhất thế giới.

Michele bắt đầu tham gia vào sự nghiệp kinh doanh của gia đình vào năm 20 tuổi và lãnh đạo tập đoàn từ tuổi 32. Ông đã thầm lặng tìm tòi để tạo ra những đột phá cho sản phẩm. Sau 5 năm khám phá, ông đã tạo ra thương hiệu bánh xốp hương vị chocolate Ferrero Rocher. Hiện tập đoàn do người con trai của ông điều hành với hơn 70 chi nhánh, 38 đơn vị kinh doanh và 18 cơ sở sản xuất tại hơn 100 quốc gia trên thế giới.

4. Bernard Arnault, Pháp

10 người giàu nhất Eurozone - 6

Tài sản ước tính: 23,7 tỷ USD

Lĩnh vực kinh doanh: bán lẻ cao cấp (LVMH)

Người đàn ông giàu nhất nước Pháp Bernard Arnault là chủ tịch, CEO và cổ đông chính của tập đoàn lừng danh thế giới LVMH- tập đoàn sở hữu hơn 60 thương hiệu cao cấp trong đó có LV, Givenchy, đồng hồ Tag Heuer, Donna Karan, Fendi, Dior, sâm panh Moët & Chandon…

Bernard Arnault là người luôn theo sát mọi tiến trình phát triển của tập đoàn và cũng là người hùng trong việc mua lại những thương hiệu mới và thu hút nhân tài. Tháng 3/2011, LVMH mua lại hãng trang sức Bulgari của Italia để tiếp tục chinh phục thị trường cao cấp.

Arnault cũng được thế giới biết đến với tham vọng thâu tóm hãng thời trang Pháp Hermes. Số lượng cổ phần của ông tại công ty này không ngừng gia tăng trong những năm vừa qua (22,3%) mặc dù có sự chống đối và cản trở của cả gia đình Hermes.

3. Liliane Bettencourt, Pháp

10 người giàu nhất Eurozone - 7

Tài sản ước tính: 23,7 tỷ USD

Lĩnh vực kinh doanh: L’Oreal, cosmetics

Bà là người phụ nữ giàu nhất châu Âu và là cổ đông chủ chốt của một trong những tập đoàn mỹ phẩm và sắc đẹp lớn nhất thế giới L’Oreal. Là người con duy nhất của nhà sáng lập đế chế L'Oréal Eugène Schueller, Bettencourt thường né tránh giới truyền thông .

Tuy nhiên, từ năm 2007, bà Bettencourt đã khiến thế giới phải tốn nhiều giấy mực vì mối quan hệ với nhiếp ảnh gia François-Marie Banier. Ông này bị buộc tội đã lợi dụng “đào mỏ” bà tỷ phú để nhận những món quà trị giá đến 1,3 tỷ Euro từ bà.

Cũng từ đó tình cảm của bà và con gái bị rạn nứt nghiêm trọng. Gần đây Bettencourt cũng xuất hiện nhiều trên mặt báo vì những cáo buộc liên quan đến việc quyên góp tài chính cho các nhà chính trị Pháp trong đó có cựu tổng Nicolas Sarkozy

2. Karl Hans Albrecht, Đức

10 người giàu nhất Eurozone - 8

Tài sản ước tính: 26 tỷ USD

Lĩnh vực kinh doanh: siêu thị (Aldi Sud)

Karl Hans Albrecht, là người giàu nhất nước Đức và giàu thứ hai khu vực Eurozone.

Ông đã cùng em trai của mình (Theo Albrecht) sáng lập ra chuỗi siêu thị giảm giá Aldi. Sinh năm 1920 trong một gia đình khó khăn, ông đã cùng người anh em của mình giúp mẹ trông coi cửa hàng tạp hóa sau chiến tranh thế giới II rồi sau đó phát triển nó thành chuỗi với hơn 12 cửa hàng. Vào năm 1961, họ đổi tên thành Albrecht's Discount hay "Aldi".

Sau đó ít lâu, hai anh em phân chia thị trường hoạt động. Ông Theo đảm nhiệm các cửa hàng tại khu vực phía Bắc Tây Đức với cái tên Aldi Nord sau đó phát triển khắp châu Âu. Năm 1979, Aldi Nord mua lại Trader Joe's. Trong khi đó Karl điều hành chuỗi cửa hàng tại phía Nam và phát triển Aldi sang các thị trường như Anh, Australia và Mỹ. Tổng cộng Aldi có hơn 8.200 cửa hàng trên khắp thế giới, một nửa trong số đó là ở Đức.

Năm 2002, Karl Hans Albrecht từ bỏ vị trí chủ tịch tập đoàn Aldi và cũng không màng đến danh lợi. Ông rất ít khi xuất hiện trước công chúng. Ở tuổi 92, ông là người già nhất trong danh sách những người giàu nhất châu Âu.

1. Amancio Ortega Gaona, Tây Ban Nha

10 người giàu nhất Eurozone - 9

Tài sản ước tính: 40,2 tỷ USD

Lĩnh vực kinh doanh: bán lẻ (tập đoàn Inditex)

Amancio Ortega Gaona, là người giàu nhất khu vực Eurozone cũng là người giàu thứ 5 trên thế giới. Ông là giám đốc điều hành, chủ tịch và nhà sáng lập Inditex- tập đoàn thời trang Tây Ban Nha sở hữu các thương hiệu nổi tiếng trong đó có Zara, Massimo Dutti, Berschka…Mặc dù đã từ chức vào năm ngoái nhưng hiện ông vẫn nắm giữ 59,29% cổ phần tại Inditex.

Tài sản của Ortega gia tăng nhanh chóng ngay cả khi đất nước Tây Ban Nha phải nhọc nhằn vật lộn với cuộc khủng hoảng tài chính. Bằng việc mở rộng hoạt động kinh doanh sang các thị trường mới nổi, Inditex không ngừng bứt phá với lợi nhuận ròng hàng quý tăng 30% lên mức 432 triệu Euro (538 triệu USD) trong khi doanh thu đạt 3,4 tỷ Euro.

Người con trai tự lập của một công nhân đường sắt một thời ấy đã bắt đầu với công việc giao hàng cho một số cửa hàng quần áo tại Galicia, Tây Ban Nha. Ông mở cửa hàng đầu tiên cho mình vào năm 1975 và sau đó phát triển thành thương hiệu thời trang nổi Zara. Tỷ phú Gaona là người rất khép kín, ông chưa từng tham gia cuộc phỏng vấn báo chí nào.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hung Ninh ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN