1 triệu tỉ đồng cho 3 đặc khu ở đâu ra?
Chưa rõ đặc khu mang lại gì, nguồn vốn đầu tư từ đâu nhưng đã thấy bài toán khó trước mắt là những cơn sốt đất náo loạn các địa phương.
Đó là câu hỏi của nhiều đại biểu Quốc hội (QH) tại cuộc họp ngày 16-4 của Ủy ban Thường vụ QH về dự án Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc. Ngoài ra, vấn đề hiệu quả và chính sách cho các đặc khu kinh tế cũng được nhiều ý kiến quan tâm.
Làm đặc khu bỏ ra cái gì, được gì: Chưa thấu đáo
Nêu ý kiến tại phiên họp, Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển đồng tình việc dự luật chỉ điều chỉnh với ba đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc, tránh phát sinh tràn lan dẫn đến đầu tư rất tốn kém nhưng không hiệu quả. “Câu hỏi phải trả lời ở đây là ba đặc khu này sẽ mang lợi ích gì cho đất nước và chúng ta sẽ phải bỏ ra cái gì, thu được gì...” - ông Hiển nói và cho rằng trong báo cáo của Chính phủ chưa có lời giải thấu đáo.
Ông Hiển dẫn lại thông tin nói rằng các đặc khu này muốn phát triển cần hơn 1 triệu tỉ đồng, trong đó có một phần từ ngân sách. Cụ thể, Phú Quốc cần 900.000 tỉ đồng, ngân sách bỏ ra 19%; Vân Đồn cần 700.000 tỉ đồng, ngân sách bỏ ra 10%. “Chúng ta phải tính toán phải có nguồn lực như thế nào trong kế hoạch trước mắt là ba năm và về sau. Chưa kể việc miễn, giảm, giãn thuế cũng là ngân sách” - ông Hiển nói.
Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý “vấn đề là thu hút đầu tư, không phải Nhà nước đổ tiền vào đây”. Theo Chủ tịch QH, kế hoạch đầu tư công trong năm năm chỉ có 2 triệu tỉ đồng, ba đặc khu dự tính hơn 1 triệu tỉ đồng thì phải xác định rõ ngân sách là bao nhiêu để có tính khả thi. “Mục đích cuối cùng là đặc khu ra đời để được cái gì, bỏ ra một đồng để thu lại vài chục đồng, vài trăm đồng chứ không thể 10 năm, 20 năm tới ngồi đánh giá tổng kết lại thấy không được gì” - bà Ngân nói thêm.
Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân (giữa) cho rằng phải xác định làm đặc khu được gì, không thể chờ 10 năm, 20 năm sau tổng kết đánh giá “thấy không được gì”. Ảnh: QH
“Không cẩn thận là mất cán bộ đấy”
Theo dự thảo, chủ tịch UBND đặc khu được quyết định thời hạn sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh tại đặc khu nhưng không quá 70 năm; trường hợp đặc biệt, thời hạn sử dụng đất có thể dài hơn nhưng không quá 99 năm do Thủ tướng Chính phủ quyết định. Ông Phùng Quốc Hiển đề nghị phải làm rõ thế nào là đặc biệt, “tránh cơ chế đặc biệt tràn lan dẫn tới không còn đặc biệt nữa”. Việc miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước cũng cần có chính sách hợp lý, không nên miễn, giảm quá mức như dự thảo đề xuất. Ông Hiển đề nghị Bộ Tài chính cần phải tính toán kỹ, bởi nếu không cẩn thận sẽ chẳng thu được gì nhiều so với số đã bỏ ra, thậm chí không cẩn thận còn tạo ra gánh nặng cho ngân sách khi sử dụng chính sách miễn, giảm, giãn thuế một cách tràn lan.
Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng nói hiện tại ba tỉnh đang có dấu hiệu rối về đất. “Chúng ta quản lý như thế nào khi mới nghe có luật này, người ta thổi giá đất lên, có cò đất và có người đi làm cò đất. Tôi đề nghị các đồng chí cẩn thận, nếu như luật không thông qua thì sao? Cò đất đã làm rồi, phát sinh vấn đề này, vấn đề kia thành ra chính các đồng chí ở tỉnh phải chịu trách nhiệm. Không cẩn thận là mất cán bộ đấy!” - bà Phóng nói.
Chỉ ưu đãi trong thời gian nhất định
Giải trình về hiệu quả ba đặc khu, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho hay cơ quan soạn thảo đã phối hợp với doanh nghiệp tư vấn xây dựng ba kịch bản (trong đó có một kịch bản không thành lập đặc khu). Kết quả cho thấy việc thu ngân sách, đóng góp vào GDP, thu nhập đầu người của ba đặc khu này đều cao hơn nhiều so với kịch bản không thành lập đặc khu.
Trong dự thảo luật, tại cả ba đặc khu đều xác định xây dựng, kinh doanh khu du lịch, du lịch và vui chơi giải trí tổng hợp có casino là dự án thuộc ngành nghề ưu tiên phát triển, cần thu hút đầu tư. Đây là các dự án đầu tư khu phức hợp đa chức năng với vốn đầu tư lớn (tối thiểu là 44.000 tỉ đồng, trong đó vốn đầu tư cho dịch vụ kinh doanh casino chỉ chiếm tỉ trọng nhỏ).
“Trong quá trình tiếp thu, chỉ ưu đãi những ngành nghề ưu tiên, khuyến khích phát triển và cũng chỉ trong một thời hạn nhất định, không tràn lan kéo dài. Các ưu đãi đã thấp hơn so với dự thảo ban đầu, đề nghị không thu hẹp hơn nữa vì nếu càng ngày càng giảm, thu hẹp dần thì mất tính vượt trội và cạnh tranh” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Sau cùng, các cơ quan thống nhất chỉnh lý theo hướng giảm một số ưu đãi với các dự án đầu tư nói trên. Chẳng hạn, giảm thời gian áp dụng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp từ 10 năm xuống còn năm năm đối với thu nhập từ dự án đầu tư kinh doanh bất động sản; giảm ưu đãi về thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt và thời hạn hưởng ưu đãi đối với dịch vụ kinh doanh casino, trò chơi điện tử có thưởng, dịch vụ kinh doanh đặt cược...
Sốt đất ở các đặc khu Hiện nay giá đất tại các địa phương dự kiến là đặc khu kinh tế sốt mỗi ngày, nhất là ở những khu vực dự kiến sẽ lên đặc khu Phú Quốc và Bắc Vân Phong. Ở huyện đảo Phú Quốc đâu đâu cũng thấy cò đất, cũng nghe giới thiệu mua bán đất từ đất ở đến đất rừng, đất rẫy, đất nuôi trồng thủy sản… Có những giao dịch lên đến hàng chục, hàng trăm tỉ đồng. Lý do các cò đất giải thích cho việc sốt đất tại Phú Quốc là “sắp được lên đặc khu kinh tế rồi, đã phê duyệt rồi, chờ ký thôi” nhưng hỏi đặc khu là gì thì không ai hiểu chính xác. Một số đảo ở Bắc Vân Phong (thuộc Khánh Hòa) suốt thời gian qua cũng bị “đầu nậu” thuê người đốn cây, dọn đảo, phân lô để rao bán đất. Giá đất ở khu vực này tăng dữ dội. Trước sự náo loạn mua bán đất ở đây, chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa phải tổ chức họp khẩn và đích thân thị sát, chỉ đạo xử lý nghiêm. C.TÚ |