Xuất hiện sốt, mệt mỏi, đau hốc mắt... cần đi khám ngay kẻo mất mạng do sốt xuất huyết
Chuyên gia y tế khuyến cáo, nếu người dân xuất hiện các triệu chứng như sốt, mệt mỏi, đau hốc mắt... tốt nhất người dân nên đến các cơ sở y tế để khám sàng lọc sốt xuất huyết.
Từ đầu năm 2020 đến nay, cả nước ghi nhận 26.857 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 58 tỉnh, thành phố; 3 ca tử vong tại Bình Định, Bình Phước và Tây Ninh.
TS.BS Nguyễn Kim Thư – Trưởng khoa Virus - Ký sinh trùng, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cảnh báo, thông thường vào thời điểm điểm tháng 6, 7 hằng năm sẽ là đỉnh dịch của sốt xuất huyết.
Dịch này phụ thuộc nhiều vào thời tiết, nếu cứ nóng ẩm mưa nhiều như những ngày qua sẽ là điều kiện thuận lợi cho muỗi phát triển.
Bệnh nhân điều trị sốt xuất huyết tại bệnh viện.
BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã ghi nhận bệnh nhân có các biểu hiện điển hình của sốt xuất huyết như: Sốt cao liên tục, mắt sung huyết, tiểu cầu giảm...
Người dân cần hết sức cảnh giác, nếu trong mùa sốt xuất huyết mà có dấu hiệu sốt cao liên tục thì nên đến cơ sở y tế thăm khám và làm các xét nghiệm sàng lọc sốt xuất huyết để có hướng điều trị kịp thời, tránh để bệnh diễn biến nặng. Lưu ý, ở giai đoạn đầu bệnh nhân sốt xuất huyết chỉ có sốt mà ít các biểu hiện khác nên rất dễ bị nhầm sang sốt virus thông thường.
Đáng lưu ý là, sốt xuất huyết có 4 tuýp khác nhau nên khi mắc bệnh rồi vẫn có thể bị lại. Người bệnh chủ quan không nghĩ mình bị lại và khăng khăng không phải bị sốt xuất huyết nhưng thực tế không phải vậy. Chính vì vậy, người dân cần cảnh giác vì sốt xuất huyết lần 2 thậm chí còn có thể nặng hơn cả lần 1.
“Nếu xuất hiện các triệu chứng như sốt, mệt mỏi, đau hốc mắt,... tốt nhất người dân nên đến các cơ sở y tế để khám sàng lọc sốt xuất huyết, bởi các triệu chứng nặng như cô đặc máu, xuất huyết, tụt huyết áp thường chỉ xuất hiện vào ngày thứ 4, thứ 5 sau khi mắc bệnh, và đến giai đoạn này bệnh nhân có thể bị đe dọa đến tính mạng”, TS. Thư khuyến cáo.
Trước lo ngại của người dân về nguy cơ "dịch chồng dịch" trong bối cảnh dịch COVID-19, TS. Thư cho rằng, đường lây truyền của COVID-19 và bệnh sốt xuất huyết là hoàn toàn khác nhau (đường hô hấp và đường muỗi đốt). Hiện nay, dịch COVID-19 ở nước ta đã được kiểm soát tốt, trong khi năm nay cũng không phải chu kỳ dịch sốt xuất huyết, nếu người dân có ý thức phòng tránh muỗi đốt thì không có khả năng "dịch chồng dịch".
TS. BS Nguyễn Kim Thư cũng cảnh báo trẻ em, người cao tuổi và phụ nữ đang mang thai thì càng cần phải nâng cao cảnh giác trong mùa dịch sốt xuất huyết, bởi đây là những đối tượng dễ bị ảnh hưởng nhất. Người cao tuổi thường mắc các bệnh nền như tiểu đường, bệnh về gan, thận... đều là những nguyên nhân khiến sốt xuất huyết diễn biến nặng hơn nếu mắc phải. Với phụ nữ mang thai, dù chưa ghi nhận trường hợp virus dengue gây nên dị tật thai nhi, nhưng theo kết quả chúng tôi tổng kết, thì việc nhiễm virus này có thể dẫn đến trường hợp sảy thai.
Theo chuyên gia virus - ký sinh trùng, bệnh sốt xuất huyết đến nay chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả là diệt muỗi, diệt loăng quăng/bọ gậy và phòng muỗi đốt, cắt đứt đường lây truyền của muỗi; Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày
Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, không tự ý điều trị tại nhà.
Thông tin mới nhất của Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 250.000 ca mắc sốt xuất huyết, tăng gần gấp...
Nguồn: [Link nguồn]