Xuất hiện ca bạch hầu ở Đắc Lắk, TP.HCM: Bệnh bạch hầu nguy hiểm như thế nào?

Sự kiện: Bệnh bạch hầu

Từ rải rác xuất hiện một, hai trường hợp ở một số vùng, đến nay Việt Nam đã ghi nhận hơn 10 trường hợp mắc bệnh bạch hầu.

Tối 25/6, đại diện Bệnh viện (BV) Quân y 175-Bộ Quốc phòng cho biết, đơn vị này đang điều trị cho một bệnh nhân mắc bệnh bạch hầu. Đó là nam bệnh nhân 20 tuổi (sinh viên một trường ĐH tại TPHCM). Ngành y tế lập tức cách ly 16 người tiếp xúc gần với bệnh nhân.

Từ rải rác xuất hiện một, hai trường hợp ở một số vùng và vừa qua đã ghi nhận hơn 10 trường hợp, các trường hợp này đều không được gia đình đưa đi tiêm chủng đầy đủ.

Bệnh bạch hầu dễ lây nếu tiếp xúc gần với người bệnh.

Bệnh bạch hầu dễ lây nếu tiếp xúc gần với người bệnh.

Theo Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, bệnh bạch hầu lây truyền dễ dàng qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng của bệnh nhân hoặc người lành mang trùng khi ho, hắt hơi, đặc biệt trong khu vực dân cư đông đúc hoặc nơi có điều kiện vệ sinh không đảm bảo.

Biểu hiện bệnh có thể từ nhẹ đến nặng, thường có giả mạc màu trắng ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi, có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục. Biến chứng bệnh bạch hầu dễ gây suy hô hấp và tuần hoàn, liệt khẩu làm thay đổi giọng nói, sặc và khó nuốt khi ăn uống, lú lẫn. Nặng thì hôn mê, sau đó tử vong.

Thời gian ủ bệnh từ 2 đến 5 ngày, có thể lâu hơn. Có khá nhiều triệu chứng xuất hiện trong 2 đến 5 ngày sau khi phơi nhiễm. Ban đầu người nhiễm bệnh sẽ bị đau họng, ho và sốt kèm ớn lạnh. Các triệu chứng này tăng dần từ nhẹ đến nặng hơn. Chính vì triệu chứng khá phổ biến nên cha mẹ dễ nhầm tưởng trẻ chỉ đơn giản đang bị cảm lạnh, chứ không phải đang phơi nhiễm với vi khuẩn bạch hầu.

Tùy thuộc vào vị trí vi khuẩn gây bệnh, bệnh bạch hầu sẽ có các biểu hiện khác nhau. Chẳng hạn, bạch hầu mũi trước thì bệnh nhân sổ mũi, chảy mũi ra chất mủ nhầy đôi khi có lẫn máu. Khi khám, có thể thấy màng trắng ở vách ngăn mũi. Thể bệnh này thường nhẹ do độc tố vi khuẩn ít thâm nhập vào máu.

Hay bạch hầu thanh quản là thể bệnh tiến triển nhanh và rất nguy hiểm. Bệnh nhân thường biểu hiện bằng dấu hiệu sốt, khàn tiếng, ho ông ổng. Nếu không được xử trí kịp thời, có thể có nguy cơ tử vong nhanh chóng….

Tuy nhiên, bệnh có thể dự phòng được bằng tiêm vắc-xin đủ liều và đúng lịch. Khi phát hiện sớm, bệnh điều trị khỏi bằng kháng sinh.

Để phòng chống bệnh bạch hầu, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần:

- Đưa trẻ đi tiêm chủng tiêm vắc-xin phối hợp phòng bệnh bạch hầu (ComBe Five hoặc DPT-VGB-Hib (SII), Td) đủ mũi tiêm và đúng lịch.

- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, che miệng khi ho hoặc hắt hơi, giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày, hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.

- Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.

- Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.

- Người dân trong ổ dịch cần thực hiện nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiêm vắc xin phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.

Nguồn: [Link nguồn]

Bệnh bạch hầu bất ngờ trở lại Kon Tum: Dấu hiệu sớm nhận biết bệnh này

Theo thông tin mới cập nhật, bệnh bạch hầu vừa mới được phát hiện trở lại tại Kon Tum sau hơn 10 năm không ghi nhận...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Bệnh bạch hầu Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN