Xử lý vết ong vò vẽ đốt thế nào để không phải trả giá bằng mạng sống?

Sự kiện: Sống khỏe

Mới đây, nhiều người đi đường ở Đồng Nai đã phải nhập viện sau khi bị đàn ong vò vẽ tấn công. Trước đó, đã có trường hợp tử vong sau khi bị ong vò vẽ đốt.

Khi bị ong đốt, cần xử lý đúng cách để không phải trả giá bằng cả mạng sống. Ảnh minh họa

Khi bị ong đốt, cần xử lý đúng cách để không phải trả giá bằng cả mạng sống. Ảnh minh họa

Tử vong chỉ vì ong đốt

Bệnh viện Đa khoa huyện Định Quán (Đồng Nai) mới đây đã cấp cứu 9 bệnh nhân vào viện trong tình trạng sưng tấy, chóng mặt, trên da có nhiều nốt ửng đỏ. Các bệnh nhân này đều bị ong vò vẽ đốt. Được xử lý kịp thời, những bệnh nhân này đã không bị nguy hiểm đến tính mạng.

Trước đó, ở Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội) cũng đã tiếp nhận nhiều trường hợp vào viện do ong vò vẽ đốt. Đáng buồn là có những trường hợp tử vong sau khi bị loài ong này tấn công. Như trường hợp 5 bà cháu ở Bạc Liêu khi sửa chữa nhà cửa không may làm rơi tổ ong vò vẽ xuống đã bị đàn ong tấn công. Hai người đã tử vong sau khi bị ong đốt, 3 người vào viện trong tình trạng nguy kịch.

Theo BS Nguyễn Trung Nguyên (Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai), tất cả các loại ong, thậm chí là ong mật đều có khả năng gây độc, tùy theo loại ong mà nọc độc ít hay nhiều. Với ong vò vẽ đốt có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như suy thận cấp, suy gan... Thậm chí có những trường hợp sốc phản vệ dẫn tới tử vong chỉ với vài vết chích do loại ong này có rất nhiều độc chất.

Điều đáng nói là đa phần các nạn nhân không biết cách sơ cứu đúng cách khi bị ong vò vẽ đốt. Thậm chí có những trường hợp, khi ong đốt nhiều nhưng vì xử lý ban đầu sai lầm đã khiến tình trạng nhiễm độc nặng nề hơn, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng.

Những cách xử lý sai lầm

Dùng tay nặn, ép chất độc từ vết ong đốt: Nhiều người nghĩ cách này sẽ khiến nọc độc ra hết nhưng ngược lại còn làm độc lan ra, thấm sâu vào cơ thể hơn. Ở những trường hợp bị ong đốt nhiều nốt, nhiều vị trí càng nguy hiểm hơn đến sức khỏe.

Chườm đá, bôi vôi, kem đánh răng: Cách này chỉ có tác dụng làm dịu đau ở nốt đốt, còn không giải quyết được gốc chính là loại bỏ nọc độc.

Sát chanh hoặc dùng rượu bôi để cho hết nọc độc: Điều này rất nguy hiểm vì có thể gây nhiễm trùng những vết ong đốt.

Gãi nhiều: Khi gãi, độc tố sẽ phát tán rộng hơn. Vết đốt cũng sẽ nặng hơn bởi nhiễm trùng từ tay bẩn. Da cũng dễ bị trầy xước.

Điều cần làm ngay sau khi bị ong đốt

BS Nguyễn Trung Nguyên khuyến cáo, khi bị ong đốt cần bình tĩnh để lấy nọc độc bằng cách khều nhẹ hoặc dùng nhíp lấy từng vòi chích của ong ra vì hầu hết sau khi đốt chúng đều để lại vòi chích và túi nọc ở vết đốt trên da.

Sau đó dùng nước muối sinh lý rửa sạch chỗ ong đốt hoặc dùng dung dịch sát khuẩn. Điều quan trọng nữa sau khi ong đốt cần làm là cho bệnh nhân lợi tiểu bằng cách uống thật nhiều nước giúp thải độc khỏi cơ thể. Sơ cứu xong cần đưa nạn nhân đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời. Trường hợp bị ong đốt 1- 2 nốt có thể theo dõi tại nhà.

Trường hợp bị đốt từ 5 - 10 đốt trở lên và kể cả vài nốt mà có dấu hiệu nặng như sưng đau, người thấy khó chịu, mệt mỏi hoặc các nốt đốt ở những vị trí ở đầu, mặt cổ với số lượng nhiều, nhất là với loại ong vò vẽ, ong bắp cày… nhất định phải vào bệnh viện càng sớm càng tốt. Bệnh nhân được sơ cứu sớm bằng cách truyền nhiều dịch có thể chỉ phải nằm viện một hai ngày thay vì điều trị lâu dài mà để lại những di chứng không đáng có.

Các chuyên gia cho rằng, độc tố của ong vò vẽ có thể gây tử vong chỉ sau 15 phút. Sốc phản vệ là tình trạng hay gặp nhất khi bị ong đốt với dấu hiệu là nổi mề đay, than mệt, tay chân lạnh, mạch yếu hoặc không có mạch.

Vào thời điểm mùa thu như hiện nay, ong sinh sôi rất nhiều. Đây cũng là thời điểm ở nhiều bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân bị ong đốt phải vào viện. Ong vò vẽ sau khi đốt xong không để lại vòi, chúng có thể đốt thêm nhiều người nên có trường hợp nhiều người bệnh vào viện cùng lúc như ở Đồng Nai vừa qua.

Để phòng tránh ong đốt, mọi người nên cố gắng tránh tiếp xúc với ong, không được chọc phá tổ ong. Khi bị ong tấn công, không chạy, cần đứng hoặc ngồi im và không cử động, cần che vùng đầu để không bị đốt, tiếp đến tìm cách dùng tay bới đất cát vung lên để xua đuổi ong bay đi chỗ khác. Mọi người không được dùng quần áo, gậy… xua vì sẽ khiến ong càng bu vào tấn công.

Đối với những trường hợp đi rừng, để tránh bị ong đốt cần chú ý không mặc quần áo màu sặc sỡ hay dùng nước hoa… vì ong dễ bị thu hút với mùi thơm. Cần mặc quần áo dày, kín, đi găng và đội mũ có che lưới…

Thai phụ 36 tuần nguy kịch vì bị ong đốt

Bệnh nhân Vũ Thị Kim Huệ đang mang thai ở tuần 36 bị ong đốt và bị sốc phản vệ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hà My ([Tên nguồn])
Sống khỏe Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN