Xót xa với biến chứng đáng sợ của căn bệnh cựu thành viên ST.319 chịu đựng từ khi học cấp 2

Zoie (Lê Việt Hà), cựu thành viên, người sáng lập ST.319, vừa khiến người hâm mộ không khỏi xót xa khi chia sẻ về biến chứng của căn bệnh cô mắc phải.

Biến chứng đáng sợ

Thông tin này được Zoie (31 tuổi) kể lại thông qua một Vlog ngắn do cô thực hiện và đăng tải trên trang cá nhân. Theo Zoie, cô đang đứng trước nguy cơ sắp khiếm thị do biến chứng đái tháo đường type 1 - căn bệnh đã đeo bám cô suốt 17 năm nay.

Biến chứng đó chính là chứng tăng sinh võng mạc, có thể hiểu là mạch máu tự phát sinh làm giảm khả năng nhìn, co kéo võng mạc khiến hạn chế tầm nhìn.

Cựu thành viên ST.319 cho biết hiện tại, cô gặp nhiều khó khăn trong công việc. "Trong hơn một năm trở lại đây, mình không giữ được thị lực bình thường nữa. Dần dần, mình không thể nhìn được màn hình máy tính, không nhìn được bàn phím, mình phải chuyển sang dùng điện thoại. Bây giờ, thậm chí màn hình điện thoại mình cũng không nhìn rõ", cô nói.

Cựu thành viên ST.319 bị tăng sinh võng mạc - biến chứng do bệnh đái tháo đường. Ảnh: Chụp màn hình vlog

Cựu thành viên ST.319 bị tăng sinh võng mạc - biến chứng do bệnh đái tháo đường. Ảnh: Chụp màn hình vlog

"Lăng kính mình nhìn thế giới bây giờ rất khó tả, vừa mờ vừa lóa vừa méo, vừa bị mất hình", cựu thành viên ST.319 hình dung. Thậm chí, cô còn tự đùa rằng "đang bị lác 24/7".

Bệnh tăng sinh võng mạc không những khiến cuộc sống, sức khoẻ của Zoie đi xuống mà tinh thần của cô cũng ảnh hưởng nghiêm trọng. "Vì bệnh tiểu đường, mình mắc thêm khá nhiều căn bệnh khác, ngoài mắt. Mình rất dễ bị nhiễm trùng", Zoie tâm sự.

Hiện tại, Zoie cần điều trị và tái khám mỗi tháng/lần. Tới đây có thể cô có thể phải mổ để can thiệp vào phần mao mạch trong mắt.

Đái tháo đường tấn công người trẻ tuổi

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết đái tháo đường là một trong những bệnh không lây nhiễm phố biển trên toàn cầu. 

Theo Liên đoàn Đái tháo đường thế giới, năm 2019 có tới gần 470 triệu người lớn (độ tuổi 20-79) đang sống chung với đái tháo đường. Hơn 4 triệu người tử vong vì các nguyên nhân liên quan đến bệnh này. Đáng nói, gần một nửa số người mắc đái tháo đường không được chẩn đoán. Ở Việt Nam ước tính khoảng 3,8 triệu người mắc bệnh.

Đái tháo đường type 1 (căn bệnh mà Zoie sống chung 14 năm qua) là một bệnh lý đặc trưng bởi sự phá hủy các tế bào beta của tụy gây nên tình trạng thiếu hụt insulin và tăng đường huyết. Bệnh thường gặp ở độ tuổi dưới 20 và có tỉ lệ mắc mới đang tăng lên.

PGS.TS Trần Ngọc Lương, Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương, cho biết đang có sự gia tăng nhanh bệnh tiểu đường ở người trẻ, thậm chí với trẻ em. Nhiều ca bệnh được ghi nhận ở trẻ nhỏ từ 9 đến 13 tuổi, thanh niên từ 20 đến dưới 30 tuổi. Tình trạng này cũng xảy ra ở Bệnh viện Bạch Mai khi bệnh nhân trẻ bị mắc đái tháo đường ngày một gia tăng, thậm chí có trẻ mới 13 tuổi đã phải nhập viện điều trị.

Bác sĩ Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết, đỉnh khởi phát bệnh đái tháo đường type 1 thường xảy ra ở độ tuổi 10 - 12. Trong đó, 80% các trường hợp xảy ra mà không có tiền sử gia đình bị mắc bệnh này. Những triệu chứng báo hiệu tình trạng tăng đường huyết bao gồm sụt cân, đái nhiều, khát nhiều, ăn nhiều và nhìn mờ. Nếu tình trạng nhiễm toan ceton xảy ra, bệnh nhân có thể kèm triệu chứng đau bụng, buồn nôn, nôn, đau cơ, thậm chí hôn mê, tử vong.

Người mắc đái tháo đường type 1 có kèm theo các triệu chứng rầm rộ như: Khát nước, tiểu nhiều và thường xuyên; Đói nhiều, ăn nhiều nhưng vẫn sút cân nhiều; Mệt mỏi dễ cáu kỉnh...

"Bệnh gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm, là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tim mạch, mù lòa, suy thận và cắt cụt chi" - PGS Khuê cho hay. Điều đáng lưu tâm là ngày càng nhiều người trẻ tuổi mắc đái tháo đường, nhiều người trong số này không hề biết mình bị bệnh.

Trước đây, tiểu đường type 2 thường xảy ra ở người trung và cao tuổi (40 tuổi trở lên), nhưng hiện nay nhiều người mắc bệnh khi mới 25-30 tuổi, thậm chí ở tuổi vị thành niên.

Các chuyên gia cho hay, tình trạng béo phì, kết hợp với một số yếu tố di truyền hoặc ngoại cảnh như stress, thức ăn có nhiều chất oxi hóa, chất bảo quản, chất độc sẽ dẫn tới đái tháo đường type 2 với biểu hiện điển hình là tăng đường huyết kèm theo nhiều biến chứng khác về tim mạch, gan và thận.

Ngoài ra, một số trẻ nhỏ mắc bệnh do có lối sống sinh hoạt và ăn uống thiếu khoa học khi hằng ngày dành quá nhiều thời gian ngồi xem tivi, điện thoại, máy tính…

Bác sĩ cũng lưu ý, đối với những trẻ em trong độ tuổi 14,15 tuổi đang thừa cân béo phì, có đặc điểm cần lưu ý như trẻ béo mà có kèm theo tình trạng gai đen vùng da gáy hoăc có thể ở nách thì cần theo dõi đái tháo đường.

Các chuyên gia khuyến cáo 90% đái tháo đường type 2 có thể ngăn ngừa được bằng thay đổi lối sống, kiểm soát cân nặng, chế độ ăn uống, tập luyện thể lực.

Nguồn: [Link nguồn]

Thực phẩm vừa an toàn vừa ”tốt hơn sâm nhung” cho người tiểu đường

Để kiểm soát đường huyết thành công, ngoài việc dùng thuốc, cần có chế độ ăn kiêng nhưng vẫn phải bảo đảm dinh...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo V.Thu ([Tên nguồn])
Bệnh tiểu đường Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN