Xót xa cảnh con trai buộc chân bố nghiện rượu vào giường bệnh

Sự kiện: Bệnh gan

Nhìn người bố gầy nhom với chiếc bụng to chướng, tay chân vẫn vùng vẫy, miệng liên tục la ó trên giường khiến anh Quân vô cùng xót xa.

Xót xa cảnh con trai buộc chân bố nghiện rượu vào giường bệnh - 1

Một bệnh nhân nghiện rượu dẫn đến xơ gan đang điều trị tại bệnh viện.

Chiều 7/11, TS. Vũ Trường Khanh, Phó Trưởng Khoa Tiêu hóa có buổi gặp mặt báo chí thông tin về những nguy hại của bệnh gan do rượu, bia.

Theo TS. Vũ Trường Khanh, hiện ở phòng cấp cứu, Khoa Tiêu hóa Bệnh viện Bạch Mai có ít nhất 5 bệnh nhân đang bị buộc cố định tay - chân vào giường bệnh.

Xót xa cảnh con trai buộc chân bố nghiện rượu vào giường bệnh - 2

TS. Vũ Trường Khanh, Phó Trưởng Khoa Tiêu hóa, BV Bạch Mai

Vừa loay hoay dùng dây buộc chân của bố vào giường, anh Quân (ở Hà Nam) cho biết, bố anh bị xơ gan do rượu, sảng rượu, đang trong tình trạng nguy kịch.

Bố của anh Quân luôn đập phá nên buộc anh phải dùng dây giữ lại. Nhìn người bố gầy nhom với chiếc bụng to chướng, tay chân vẫn vùng vẫy, miệng liên tục la ó trên giường khiến anh Quân vô cùng xót xa.

Anh Quân kể: "Bố tôi uống uống rượu khoảng 30 năm nay, trung bình mỗi ngày uống từ nửa lít đến một lít rượu. Cả nhà can ngăn không được. Gần đây, bố bị chướng bụng, bụng to bất thường đi khám mới biết bị xơ gan. Nhập viện cấp cứu mấy hôm nay nhưng do không được uống rượu, bố bị sảng rượu liên tục kêu gào, chạy nhảy lung tung. Không còn cách nào khác tôi đành phải trói bố lại như vậy".

Nằm đối diện giường bệnh của bố anh Quân là một nam bệnh nhân khác. Bệnh nhân này liên tục nói mê sảng trong trạng thái toàn cơ thể phải buộc cố định vào giường.

Còn chị Trang (chị gái bệnh nhân H.) cho biết em trai chị mới nhập viện. Trước đó, em trai chị lên cơn sảng rượu không còn nhận ra chị, vùng vằng chạy khắp nơi, bác sĩ phải hỗ trợ chị buộc tay chân em trai lại.

Là người trực tiếp điều trị cho những bệnh nhân này, TS.BS Vũ Trường Khanh, Phó Trưởng khoa Tiêu hóa Bệnh viện Bạch Mai cho biết, cảnh bệnh nhân chửi bới, đập phá, mê sảng xảy ra liên tục tại phòng cấp cứu.

Hầu hết bệnh nhân cấp cứu do xơ gan kèm theo hội chứng cai, trong đó nặng nhất là sảng rượu. Vài năm trở lại đây, số bệnh nhân bị xơ gan do bia rượu phải nhập viện điều trị rất nhiều.

Tại Khoa, có tới 60% là bệnh gan phải nhập viện điều trị trong đó xơ gan chiếm chủ yếu, với khoảng 50% nguyên nhân do rượu bia. Bệnh nhân chủ yếu là nam ở lứa tuổi 40-50, nhưng có không ít người mới ở tuổi ngoài 30.

Còn riêng phòng cấp cứu Khoa Tiêu hoá, mỗi ngày có ít nhất 5-7 bệnh nhân cấp cứu do xơ gan kèm sảng rượu.

Theo tiến sĩ Khanh, nhiều bệnh nhân còn xuất hiện triệu chứng co giật toàn thân, trong ngày có thể 4-5 cơn. Hội chứng này sẽ tiếp tục tái diễn nghiêm trọng hơn khiến bệnh nhân bị hoang tưởng, ảo giác nặng dẫn tới chi phối hành vi. Do đó, các bác sĩ không còn cách nào ngoài việc tạm thời trói bệnh nhân lại để tránh việc bệnh nhân quá khích gây tổn thương cho người khác và chính mình.

Phó Trưởng Khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Bạch Mai khuyến cáo hiện có rất nhiều người quan niệm bia kém độc và nhẹ độ hơn so với rượu nên nhiều người mặc nhiên uống bia thỏa thích. Nhưng thực tế, bia mỗi lần uống đều ít nhất 2-3 lít, lượng cồn vào máu không thua kém loại rượu nào. Bất cứ loại bia rượu kể cả bia rượu ngoại, bia rượu nhà máy hay bia rượu nấu thủ công cũng đều nguy hiểm vì chứa etanol. Khi vào cơ thể, chúng sẽ chuyển hóa thành aldehyde, một chất rất có hại cho cơ thể.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cũng cho biết, tại Khoa có khoảng 25% số ca nhập viện do nghiện rượu.

Là người thường xuyên điều trị cho bệnh nhân nghiện rượu, bác sĩ Cấp cho biết, ngoài chứng xơ gan rồi dẫn đến ung thư gan do rượu, việc điều trị bệnh viêm phổi ở người nghiện rượu khá khó khăn và tốn kém. Một mặt do bệnh nhân thường suy kiệt, sức đề kháng giảm. Hơn nữa, nghiện rượu lâu năm làm nhiều cơ quan phủ tạng bị tổn thương nên điều trị rất khó khăn. Vi khuẩn do rượu kháng thuốc nên phải sử dụng nhiều loại kháng sinh mạnh, đắt tiền.

“Tỷ lệ tử vong của bệnh này có thể đến 50% và cá biệt ở những người có sức đề kháng yếu, nếu có kèm nhiễm trùng máu và sốc nhiễm trùng thì nguy cơ tử vong có thể tới gần 100%”, bác sĩ Cấp cảnh báo.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Bệnh gan Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN