Xỏ khuyên, mất mạng như chơi

Cũng như xăm mình, việc xỏ lỗ xuyên qua da ở vị trí nào cũng tạo nguy cơ đối với sức khỏe do phải dùng vật sắc nhọn đâm vào da, phá hủy lá chắn bảo vệ cơ thể.

Một bộ phận giới trẻ đang có sở thích xỏ khuyên để thể hiện sự sành điệu. Ca sĩ, diễn viên cũng có nhiều người xem mốt xỏ khuyên mũi, tai, mi mắt, rốn… như một cách làm đẹp ấn tượng.

Hãy thận trọng bởi thú chơi này có thể gây ra biến chứng rất nguy hiểm. Một số bệnh viện từng cấp cứu nhiều trường hợp nhiễm trùng tại các vị trí xỏ khuyên như rốn, mắt, mũi, thậm chí cả bộ phận sinh dục.

Banh da xẻ thịt mà chơi

Xỏ khuyên cơ thể hiểu chính xác là châm kim vào vùng sụn hay da để mở ra sang thương giống như một lỗ rò và gắn vào đó những vật trang sức như nữ trang, nút kim loại, ngọc trai…

“Dân chơi” gọi trò xăm mình và xâu đục cơ thể nói chung là “Bod Mod” (Body Modification – điều chỉnh cơ thể). Kim loại thường được dùng xỏ khuyên đeo là thép phẫu thuật, vàng 14 – 18 karat, niobi, titan, bạch kim.

Hiện nay, Bod Mod còn cuốn hút cả giới văn phòng, kinh doanh và trí thức. Theo một thống kê tại Hoa Kỳ, 36% giới trẻ ở độ tuổi 18 – 25 xỏ khuyên ở nhiều vị trí đặc biệt trên cơ thể, trong đó nữ chiếm đa số.

Xỏ khuyên, mất mạng như chơi - 1

Xỏ khuyên dễ bị nhiễm trùng huyết. (Ảnh minh họa)

Nếu phái nam thường chỉ cài một chiếc móc ở mũi, lưỡi, cằm hoặc vành tai thì với các cô gái, dường như không có điểm nào trên cơ thể là vùng cấm cho Bod Mod. Nhiều cô còn xâu lỗ đeo khuyên ở rốn, chân mày, mi mắt, núm vú, “vùng tam giác”...

Những nguy cơ của xỏ khuyên

Cũng như xăm mình, việc xỏ lỗ xuyên qua da ở vị trí nào cũng tạo nguy cơ đối với sức khoẻ do phải dùng vật sắc nhọn đâm vào da, phá huỷ lá chắn bảo vệ cơ thể. Sai sót hay biến chứng rất thường xảy ra dù người thực hiện kỹ thuật này có được đào tạo chuyên môn về y khoa đi nữa.

Nhiễm trùng da, các trường hợp dị ứng, chảy máu, viêm gan, lây truyền HIV… rất khó tránh khỏi.

Biến chứng tại chỗ: tổn thương thứ cấp do xỏ khuyên cơ thể rất thường xảy ra với tỷ lệ thay đổi tuỳ vị trí: rốn (40%); tai (35%); mũi (12%); lưỡi, cằm, mi mắt, cơ quan sinh dục (8%); núm vú (5%).

Các biến chứng thường gặp là: chảy máu; nhiễm vi khuẩn (Staphylococcus, Streptococcus, Pseudomonas, Clostridium tetani, Mycobacterium…); nhiễm virút (viêm gan B-C, herpes, HPV, HIV); rách mô; sẹo lồi; tổn thương thần kinh; dị ứng.

Với lưỡi, vùng xỏ lỗ lúc đầu sưng phồng lên, có nguy cơ nhiễm trùng hay dị ứng kim loại làm lưỡi sưng, đau. Đôi khi vật kim loại đeo trên lưỡi làm biến đổi giọng nói, ảnh hưởng xấu đến khả năng nhai và nuốt, thậm chí làm hình thành mô sẹo, gây thương tổn cho các dây thần kinh lưỡi.

Việc xỏ lỗ trong miệng còn có thể làm tắc các tuyến nước bọt, cản trở chức năng tiêu hoá, tắc nghẽn đường hô hấp do viêm sưng và hóc nữ trang, hoặc gây chảy máu nặng do cọ xát.

Xỏ lỗ đầu núm vú ngoài chuyện gây đau còn có thể dẫn đến nhiễm trùng ống dẫn sữa. Xỏ lỗ ở vùng sinh dục có thể làm tổn thương các thần kinh cảm giác, cản trở việc vệ sinh hàng ngày và ảnh hưởng đến các sinh hoạt riêng hay chuyện sinh đẻ sau này.

Biến chứng toàn thân: gây chảy máu kéo dài ở người có rối loạn chức năng đông máu hoặc đang sử dụng thuốc kháng đông; nhiễm trùng huyết, viêm nội tâm mạc có thể xảy ra sau xỏ khuyên đeo, đặc biệt ở vùng rốn, lưỡi, dái tai, môi và núm vú… do vi khuẩn trên kim loại xỏ vào hay viêm nhiễm trong lúc xỏ.
 
Tuỳ từng bộ phận trên cơ thể, thời gian lành vết thương có thể từ vài tuần cho đến hơn một năm (vết thương do xỏ lỗ phần sụn tai, cánh mũi... sẽ không lành nhanh như xỏ lỗ dái tai). Dùng cồn, ôxy già hay betadine để rửa có thể làm tổn hại các mô mềm mới tái tạo và làm vết thương chậm lành.
 
Trong một số trường hợp như dị ứng hay viêm nhiễm kéo dài, việc gỡ bỏ vòng khuyên đã xỏ là điều bắt buộc để bảo vệ sức khoẻ. Cũng cần lưu ý: các cơ sở y tế sẽ không chấp nhận sử dụng máu và các sản phẩm của máu được lấy từ người mới xỏ khuyên đeo hay xăm mình trong vòng dưới một năm để ngăn ngừa các bệnh lây qua đường máu.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Sài gòn tiếp thị
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN