Xin sữa mẹ, coi chừng lây bệnh nguy hiểm cho con

Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tuyệt vời đối với trẻ, tuy nhiên, việc xin-cho sữa từ các bà mẹ không quen biết, thông qua các trang mạng xã hội lại chứa đựng nhiều nguy cơ mất an toàn.

Xin sữa mẹ, coi chừng lây bệnh nguy hiểm cho con - 1

Khi xin sữa mẹ, cần đảm bảo người mẹ đó không nhiễm các bệnh có thể lây cho trẻvà phải bảo quản sữa đúng cách

Nở rộ xin-cho sữa mẹ

Nắm rõ lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ, song có người thì dư thừa trong khi có người lại không đủ, nên trên rất nhiều diễn đàn, mạng xã hội, nhan nhản các mẹ đăng thông tin về việc cho và xin nguồn sữa mẹ.

Trên trang web thế giới trẻ thơ, chị Minh Huyền (TP Hồ Chí Minh) đăng tin: “Mình đang dư gần 20 túi sữa unimom date giữa tháng 4 (PV - cách thời điểm đăng tin gần 1,5 tháng), mẹ nào có nhu cầu liên hệ 091846xxxx ở Gò Vấp. Do bé nhà mình bị dị ứng đạm sữa bò, mà mình lại uống ba ly/ngày nên bé không ti được. Các mẹ yên tâm về chất lượng nhé”. Tin cho sữa của chị Minh Huyền thu hút sự quan tâm của nhiều mẹ khác có nhu cầu đi xin sữa cho con. Hay thông tin của chị Thủy Đặng (Hải Phòng): “Em có dư năm bịch sữa khoảng 160ml/bịch. Muốn dành tặng cho mẹ nào có nhu cầu cần sữa cho bé. Date xa nhất là ngày 29/5 (PV - cách thời điểm đăng tin cho gần 1 tháng)” cũng nhận được nhiều phản hồi.

Trong khi đó, cũng không ít bà mẹ mong muốn xin sữa để nuôi con. Chị Mỹ Hương (Hà Nội) chia sẻ: “Em mới sinh em bé. Bé sinh thiếu tháng lại nhẹ cân ạ. Em nằm viện lâu nên mất sữa. Mẹ nào có nhiều sữa cho em xin được không ạ. Số liên lạc của em 016340xxx”. Lời đề nghị của chị Mỹ Hương cũng được nhiều thành viên online chia sẻ.

Nguy cơ lây bệnh truyền nhiễm

Không thể phủ nhận lợi ích từ sữa mẹ, tuy nhiên, theo khuyến cáo của BS. Lê Thị Kim Dung (Trưởng Khoa sản, Trung tâm Y khoa Thái Hà, Hà Nội), việc đăng đàn để xin sữa cho con là việc làm khá nguy hiểm. “Cho con bú sữa mẹ rất tốt, nhưng nuôi con bằng sữa từ các bà mẹ khác thì cần phải có cái nhìn đúng đắn”, BS. Dung nói.

Tương tự, TS.BS. Nguyễn Trọng Hưng, Khoa khám tư vấn dinh dưỡng cơ sở 2 - Viện dinh dưỡng Quốc gia khẳng định: “Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho trẻ mà không có một thực phẩm nào có thể thay thế được. Trong điều kiện bà mẹ cho sữa khỏe mạnh thì rất tốt, giúp trẻ bổ sung dinh dưỡng, tăng cường hệ miễn dịch, phát triển khỏe mạnh”.

Bảo quản sữa mẹ vắt ra thế nào?

Khi vắt sữa ra các bình chứa hoặc túi để bảo quản, cần ghi rõ ngày tháng, thời gian bảo quản để khi sử dụng sữa vắt cũ trước, sữa vắt mới sau.

Mỗi bình chứa sữa chỉ nên đựng vừa đủ cho một lần ăn của trẻ để tránh việc trữ lại sau khi dùng chưa hết.

Bảo quản ở nhiệt độ 19-20OC, sữa có thể dùng được trong vòng 4 giờ; nhiệt độ dưới 4OC của ngăn mát tủ lạnh được ba ngày; nhiệt độ ngăn đá tủ lạnh -18 đến -20OC, có thể được 6 tháng.

Không nên để sữa ở cánh cửa tủ lạnh vì ở đây nhiệt độ không ổn định.

Trước thông tin nhiều bà mẹ cho và xin sữa vẫn truyền tai nhau: “Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo những người viêm gan siêu vi B và HIV, vẫn cho con bú được, nên việc xin sữa từ nguồn này vẫn đảm bảo”. BS. Hưng cho hay, những bà mẹ bị bệnh lao, viêm gan B, HIV hoặc những bệnh truyền nhiễm khác cũng có thể truyền bệnh cho bé qua sữa mẹ. Bên cạnh đó, những bà mẹ bị stress, dùng nhiều cà phê và các chất cồn, dùng nhiều thuốc kháng sinh, những người có chức năng miễn dịch bị suy giảm..., sữa cũng không tốt cho trẻ nhỏ.

Cùng quan điểm, BS. Kim Dung lưu ý, đúng là sữa mẹ có thể lây truyền một số bệnh nguy hiểm như viêm gan B, HIV, bệnh do siêu vi trùng... Ngoài ra, các bà mẹ có bệnh ở vùng vú như áp xe vú, vú bị viêm mủ cũng không được cho trẻ bú hoặc nặn sữa để lưu trữ. Trẻ ăn sữa ở vú bị viêm nhiễm này có thể bị nhiễm khuẩn, gây tiêu chảy. “Vì thế, khi xin sữa mẹ, tốt nhất là phải biết rõ tình trạng sức khỏe, đảm bảo người mẹ đó không nhiễm các bệnh có thể lây cho trẻ qua đường sữa mẹ”, BS. Kim Dung khuyến cáo.

BS. Hưng lưu ý thêm, quan trọng không kém là quá trình vắt sữa, đóng gói, bảo quản và các dụng cụ thực hiện vắt sữa… Nếu bất kỳ một khâu nào không đảm bảo cũng trở thành nguyên nhân gây nhiễm khuẩn ở sữa, khiến trẻ có thể bị tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa. 

“Với điều kiện bảo quản sữa mẹ trong ngăn đá tủ lạnh thông thường như hiện nay, sữa chỉ nên sử dụng tối đa là ba ngày và nên hâm nóng sữa ở nhiệt độ từ 40-50OC, tuyệt đối không hâm cách thủy, hay hâm nóng sữa ở lò vi sóng”, BS. Hưng khuyến cáo. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Vũ Anh (Báo giao thông)
Sức khỏe sinh sản Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN