Xem điện thoại trong bóng đêm có bị ung thư mắt?

Sự kiện: Bệnh mắt

Một người đàn ông 40 tuổi đã bị chẩn đoán ung thư mắt vì thói quen sử dụng điện thoại thông minh vào ban đêm khi tắt đèn đi ngủ. Thông tin này gây hoang mang cho cộng đồng mạng xã hội.

Theo thông tin từ trên mạng xã hội và một vài trang tin cho rằng người đàn ông 40 tuổi giấu tên này đến gặp bác sĩ trong tình trạng mắt không thể nhìn rõ, và lòng mắt đỏ au vì bị tổn thương nặng. Theo đó, người đàn ông này có thói quen sử dụng điện thoại thông minh trong bóng đêm ít nhất 30 phút trước khi đi ngủ. Hành động này kéo dài khiến anh ta bị thoái hoá điểm vàng của mắt, dẫn tới suy giảm nhanh chóng thị lực, xuất hiện dấu hiệu của ung thư mắt.

Xem điện thoại trong bóng đêm có bị ung thư mắt? - 1

Hình ảnh mắt đỏ au vì sử dụng điện thoại nhiều

Các bác sĩ gần như bó tay với trường hợp này bởi đối với y học việc thay võng mạc cho bệnh nhân là điều vô cùng khó khăn ở thời điểm hiện tại.

Thông tin trên còn cho rằng có không ít nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng ánh sáng xanh từ màn hình điện thoại có thể gây chết các tế bào trong võng mạc mắt con người gây ảnh hưởng lớn tới thị lực. Sử dụng điện thoại trong ánh sáng yếu quá lâu tạo điều kiện cho các tia điện tử trực tiếp chiếu vào mắt, khiến kết mạc mắt bị khô kéo dài, dẫn tới ung thư mắt, và mù loà.

Tính đến nay, ở Hong Kong, Trung Quốc,… độ tuổi mắc chứng bệnh thoái hoá điểm vàng, khô mắt, ung thư mắt đang có dấu hiệu xảy ra nhiều hơn ở những bệnh nhân trẻ. Và điện thoại thông minh chính là nguyên nhân chủ yếu, các chuyên gia khuyên người dân nên hạn chế tuyệt đối sử dụng lap top, máy tính bảng, điện thoại trong khi tắt đèn vào ban đêm. 

Trao đổi với chúng tôi, PGS TS Hoàng Thị Minh Châu – khoa Kết Giác mạc Bệnh viện Mắt trung ương cho biết mấy ngay nay bà cũng nghe qua thông tin về bệnh nhân có hai mắt đỏ lừ lan truyền trên mạng và cho rằng bị ung thư mắt. Tuy nhiên, PGS Châu cho rằng thông tin trên chưa khoa học vì thực tế bệnh ung thư mắt và ảnh hưởng của điện thoại thông minh, máy tính hay ipad đều không liên quan nhau.

PGS Châu cho biết từ trước đến nay, các bác sĩ chỉ khuyến cáo sử dụng máy tính nhiều, điện thoại sẽ gây khô mắt, nếu thời gian sử dụng quá lâu mắt sẽ bị khô, bị đỏ lên. Khoa học chứng minh việc sử dụng máy tính, điện thoại thông minh gây các tật khúc xạ mắt như cận thị. Còn đối với bệnh ung thư mắt không phải bệnh phổ biến trong 10 bệnh ung thư hiện nay. Hiện nay, bệnh ung thư võng mạc mắt chủ yếu xảy ra ở trẻ em nhưng cũng không liên quan tới ánh sáng hay các tác dụng của ánh sáng từ điện thoại, máy tính hay ti vi. 

Thạc sĩ bác sĩ Phạm Thị Việt Hương – cán bộ khoa Nhi, Bệnh viện K Hà Nội cho biết bệnh nhân nhi bị ung thư võng mạc chủ yếu ở trẻ nhỏ trung bình 11,6 tháng, tối thiểu phát hiện bệnh ngay khi sinh ra, tối đa gặp 50 tháng tuổi. Bệnh thường được mô tả bằng nhiều từ khác nhau như "mắt mèo", "mắt thú", "mắt có ánh sáng lập lòe", "mắt có ánh sáng lấp lánh, rực rỡ". Khi nhìn vào mắt bé, cha mẹ thấy có ánh trắng (nhất là vào ban đêm hoặc trong phòng tối vì khi đó đồng tử giãn), cũng có thể thấy 1 hoặc 2 đồng tử màu trắng hay vàng khi chụp ảnh buổi tối có dùng đèn flash.

Ngoài ra, mắt của bé bị lé (lác) 34% trường hợp bệnh được phát hiện nhờ dấu hiệu này. Đặc biệt, nếu bé bị lé trong vòng 6 tháng tuổi thì nên nghi ngờ có u nguyên bào võng mạc. Biểu hiện tiếp theo đó là thị lực kém, mắt đỏ và đau nhức mắt do tăng nhãn áp, viêm màng bồ đào, viêm tế bào hốc mắt, xuất huyết tự nhiên trong tiền phòng, trong pha lê thể. Đây là các biểu hiện muộn hơn của bệnh.

Khi vào viện, các bác sĩ phải làm giãn đồng tử để soi đáy mắt và khám toàn bộ con mắt. Có thể chẩn đoán nhờ siêu âm, chụp X quang nhãn cầu. Chụp cắt lớp vi tính rất nhạy cảm với những chỗ canxi hoá là đặc điểm của u nguyên bào võng mạc. Trẻ mắc bệnh thường có biểu hiện ánh đồng tử trắng ở một hoặc 2 mắt, lác hoặc viêm tổ chức hố mắt. Những khối u nhỏ ở đáy mắt thường có màu trắng xám và có các ổ canxi hoá trắng như phấn. Những khối u kích thước vừa thường dốc hơn và có những mạch máu võng mạc giãn ngoằn nghèo nuôi dưỡng khối u.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ph.Thúy (Infonet)
Bệnh mắt Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN