Xác định thủ phạm gây hôi miệng

Sự kiện: Bệnh nha khoa

Hôi miệng rất hay gặp nhưng nạn nhân lại khó tự phát hiện, cho đến khi người thân, bạn bè tế nhị mách cho....

Nhưng nhiều người khi đã biết mình bị hôi miệng, thay vì tìm đến bác sĩ thăm khám, điều trị, thì lại tin tưởng vào các loại nước xịt hay bánh kẹo làm thơm hơi thở, càng khiến triệu chứng hôi miệng nặng nề thêm.

Mặc dù không phải là triệu chứng nguy hiểm nhưng hôi miệng gây tác động tiêu cực cho tâm lý, đến đời sống tình cảm, các mối quan hệ của người bệnh, đặc biệt là trong vấn đề giao tiếp: người hôi miệng không dám nói to, nói gần người đối diện; không dám tán gẫu nhiều với bạn bè, thậm chí có người mặc cảm không dám… hôn vợ, hôn chồng hay người yêu!

Có nhiều thủ phạm gây hôi miệng

Nguyên nhân hôi miệng đến từ rất nhiều bệnh khác nhau. Ngay tại họng là các bệnh của tuyến nước bọt (viêm nhiễm siêu vi, nhiễm trùng hoặc khối u gây giảm tiết nước miếng), bệnh răng miệng (viêm nướu, sâu răng, cao răng), viêm amiđan, viêm VA, viêm họng cấp mãn, viêm hạ họng thanh quản, viêm xoang... hay do thức ăn dính nhiều ở kẽ răng. Các bệnh lý ở xa họng có tiểu đường, bệnh thận, một số bệnh gan mật (mùi hôi do những bệnh này ngấm vào máu đến phổi và thoát ra miệng), bệnh phổi (viêm phổi, ung thư phổi), bệnh ở đường tiêu hoá như viêm thực quản, viêm dạ dày...

Xác định thủ phạm gây hôi miệng - 1

Hút thuốc, uống rượu là thói quen gây hôi miệng

Cũng góp phần gây hôi miệng là một số thức ăn như hành, tỏi, trứng…; một số thuốc uống hàng ngày như thuốc cảm, thuốc dị ứng, thuốc cao huyết áp…; hoặc những thay đổi sinh lý do nội tiết ở phụ nữ trong thời điểm rụng trứng, khi có kinh nguyệt… Những thói quen không tốt ở nam giới như hút thuốc, uống rượu… cũng được ghi nhận gây hôi miệng.

Điều trị phải tuỳ nguyên nhân

Để điều trị hiệu quả, điều quan trọng nhất là tìm được nguyên nhân, hoặc tại chỗ hoặc do bệnh lý toàn thân. Triệu chứng hôi miệng phần nhiều là do bệnh lý tại miệng và mùi hôi ở miệng là do vi khuẩn kỵ khí có ở miệng phân huỷ thức ăn (protein) còn sót ở kẽ răng, niêm mạc miệng thành hợp chất lưu huỳnh (sulfua hyđro – H2S), ở điều kiện bình thường thì những hợp chất này được nước bọt hấp thụ ít nhiều nên mùi hôi sẽ giảm, nhưng nếu lượng nước bọt tiết ít (do bệnh lý hoặc thường phải thở bằng miệng, mỗi sáng khi thức dậy), niêm mạc họng bị khô thì lúc đó mùi hôi sẽ nặng hơn.

Xác định thủ phạm gây hôi miệng - 2

Hôi miệng không nguy hiểm cho sức khỏe nhưng rất ít người đi bác sĩ khám. (Ảnh minh họa)

Chính vì vậy, việc điều trị sẽ là sự kết hợp giữa cá nhân và bác sĩ, tức là đi khám và xử trí những bệnh lý ở răng miệng kết hợp giữa vệ sinh răng miệng tốt và uống nhiều nước, súc họng thường xuyên (nước muối sinh lý – NaCl 0,9% hoặc nước đã đun sôi) để hoà tan hợp chất lưu huỳnh, làm giảm hôi miệng. Ngoài ra, cần tránh dùng những thức ăn có thể gây hôi miệng.

Phải theo dõi và điều trị những bệnh lý toàn thân, đặc biệt những bệnh có gây ra hôi miệng như đã nêu.

Không có nước xịt, bánh kẹo nào trị được hôi miệng

Vì hôi miệng không gây nguy hiểm cho sức khoẻ nên phần đông người bị hôi miệng rất xem nhẹ việc đến bác sĩ để thăm khám, điều trị. Thay vào đó, họ lại đặt trọn niềm tin vào những sản phẩm được quảng cáo giúp hơi thở và vùng miệng “thơm tho suốt cả ngày”.

Sự thật là, không có loại bánh kẹo nào có thể làm giảm mùi hôi, thậm chí còn làm nặng mùi từ chất ngọt trong bánh kẹo. Kẹo nhai thông thường chỉ có thể làm giảm mùi hôi tạm thời do có chất bạc hà (menthol), tạo cảm giác thông mát, thơm. Để cắt cơn hôi tạm thời, có thể dùng kẹo cao su không đường, quá trình nhai sẽ tạo điều kiện cho nước bọt tiết nhiều giúp pha loãng hợp chất lưu huỳnh. Đối với nước súc họng bán trên thị trường, xin lưu ý những loại có chứa nhiều cồn rất dễ gây khô họng sau khi súc (do cồn nhanh bốc hơi), càng khiến mùi hôi do vi khuẩn phân huỷ thức ăn ở miệng thành khí lưu huỳnh trở nên nặng hơn.

Tốt hơn hết, khi phát hiện mình bị hôi miệng, nên sắp xếp thời gian đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán, tìm ra nguyên nhân đích thực. Từ đó, bác sĩ sẽ có những lời khuyên hợp lý nhất giúp điều trị triệt để chứng hôi miệng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo TS.BS Nguyễn Trọng Minh (Sài Gòn tiếp thị)
Bệnh nha khoa Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN