Xã hội hóa vaccine, người dân được hưởng lợi như thế nào?
Theo chuyên gia Bộ Y tế, công nhân là những người làm ra sản phẩm cho xã hội và nếu không làm ra sản phẩm thì chúng ta không có nguồn lực để chống dịch. Do đó, xã hội hóa vaccine giúp người dân nghèo, công nhân được tiêm vaccine nhanh nhất. Qua đó, Việt Nam đạt miễn dịch cộng đồng sớm nhất.
Liên quan đến vấn đề xã hội hóa vắc-xin, PV Báo Gia đình & Xã hội đã có cuộc phỏng vấn chuyên gia y tế, PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (Bộ Y tế).
PGS.TS Trần Đắc Phu. Ảnh: TL
Thưa PGS.TS Trần Đắc Phu, ông có quan điểm thế nào về việc Thủ tướng Chính phủ thành lập Quỹ vắc-xin phòng chống COVID-19?
- Trong điều kiện dịch cấp bách như hiện nay, quyết định của Thủ tướng Chính phủ là hoàn toàn hợp lý. Bởi quan điểm của Đảng, Nhà nước là "chống dịch như chống giặc". Để chống được "giặc" này, chúng ta đã huy động toàn bộ các xã hội tham gia. Đặc biệt là vấn đề xã hội hóa vaccine, bởi vắc-xin mang lại hiệu quả lớn trong phòng chống dịch.
Để đạt được mục tiêu miễn dịch cộng đồng, với khoảng 60 – 70% dân số được tiêm vắc-xin nhanh nhất thì xã hội hóa vắc-xin là hướng huy động nguồn vaccine để chúng ta có nguồn vắc-xin sớm nhất.
Theo đó, chúng ta cần phải có khoảng 150 triệu liều vắc-xin để tiêm cho người dân, nếu là loại tiêm 2 liều.
Việc huy động nguồn lực từ xã hội để mua vaccine có mâu thuẫn với chính sách về tiêm phòng vắc-xin miễn phí cho người dân, thưa ông?
- Đúng là trong Luật Phòng chống truyền nhiễm, tiêm chủng phòng chống dịch có nhấn mạnh, tiêm chủng là bắt buộc và được miễn phí.
Tôi nghĩ rằng, những dịch trước đây thường là nhỏ vì vậy Nhà nước có thể đáp ứng nguồn lực vắc-xin.
Quỹ vắc-xin phòng chống COVID-19 đã được Chính phủ đưa ra nên tôi cho rằng, huy động nguồn lực từ xã hội để mua vắc-xin không mâu thuẫn với chính sách về tiêm phòng vắc-xin.
Việc này chỉ làm cho chúng ta đạt miễn dịch cộng đồng sớm nhất, nhanh nhất. Chúng ta phải nhanh chóng tiêm cho các đối tượng tuyến đầu tham gia phòng, chống dịch, những đối tượng nghèo, chính sách...
Mặc dù Nghị quyết 21 của Chính phủ đưa ra 11 đối tượng thuộc diện tiêm chủng miễn phí nhưng trước tình hình dịch cấp bách, nhất là tại Bắc Giang, Bắc Ninh thì việc tiêm vaccine cho đối tượng công nhân càng phải cấp thiết. Bởi công nhân là những người làm ra sản phẩm cho xã hội, mà những sản phẩm của xã hội lại là yếu tố nguồn lực có tính quyết định trong công tác phòng, chống dịch.
Hiện có 36 doanh nghiệp đủ điều kiện nhập khẩu vắc-xin. Họ được nhập những vaccine mà Bộ Y tế cấp phép. Tôi đánh giá rất cao những doanh nghiệp thực hiện xã hội hóa vắc-xin. Bởi họ không chỉ xã hội về vấn đề tài chính mà cả nguồn cung vắc-xin.
Tuy nhiên, vắc-xin là thuốc đặc biệt. Do đó, doanh nghiệp nhập khẩu và tiêm vắc-xin cho người dân phải đảm bảo quy định tiêm chủng rất ngặt nghèo, từ khâu sản xuất, vận chuyển, bảo quản đến tiêm chủng.
Hiện chúng ta đã đàm phán với một số nước để chuyển giao công nghệ sản xuất vắc-xin. Việt Nam có đội ngũ giàu kinh nghiệm về sản xuất vắc-xin, nên khi được chuyển giao công nghệ, chúng ta nhanh chóng tiếp cận không chỉ sản xuất vắc-xin phòng COVID-19, mà còn có thể học tập để sản xuất nhiều loại vắc-xin khác.
Xã hội hóa vắc-xin giúp Việt Nam đạt mục tiêu miễn dịch cộng đồng sớm nhất. Ảnh: Đ.Duy
Xã hội hóa nguồn cung vắc-xin có làm phát sinh việc đẩy giá vắc-xin trong tương lai?
- Khi sinh ra Quỹ vắc-xin phòng chống COVID-19, chúng ta đã có những quy định rất chặt chẽ và Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu cấm mọi hình thức trục lợi, thao túng, không minh bạch trong việc mua sắm, cung ứng vắc-xin.
Hiện không phải chỉ Bộ Y tế tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mà tất cả các Bộ, ngành có liên quan, đặc biệt Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT, các cơ quan khác đều có trách nhiệm, chức năng giám sát về mặt tài chính. Thời gian qua, vi phạm trong phòng, chống dịch đều được xử lý nghiêm. Do đó, tôi tin tưởng vấn đề giá vắc-xin được giám sát chặt chẽ.
Bởi mục tiêu xã hội hóa vắc-xin là mang lại lợi ích cho người dân và khi đảm bảo được nguồn cung từ việc sản xuất vắc-xin, sẽ thực hiện được kế hoạch bao phủ tiêm chủng và giá vắc-xin sẽ giảm so với giá vắc-xin nhập khẩu.
Ông đánh giá như thế nào về việc sản xuất vắc-xin của chúng ta, tính đến thời điểm hiện nay, thưa ông?
- Như tôi đã nói, Việt Nam là quốc gia có kinh nghiệm sản xuất vắc-xin và chúng ta đã sản xuất trên 10 loại vắc-xin.
Hiện có 3 nhà sản xuất vắc-xin COVID-19, là Nanogen, Ivac và Vaibiotech. Hiện vaccine đưa vào giai đoạn 3 là của Nanogen.
Nếu vắc-xin thử nghiệm giai đoạn 3 tốt thì trong năm 2021, chúng ta sẽ có vắc-xin tiêm cho người dân.
Dự báo tình hình dịch COVID-19 có thể sẽ không hết ngay. Hơn nữa, có những vắc-xin không chỉ tiêm 2 mũi đạt miễn dịch tốt mà phải tiêm nhiều mũi và tiêm lâu dài hơn. Do đó, việc sản xuất vắc-xin ở trong nước vô cùng cần thiết để đáp ứng nguồn trước mắt và lâu dài.
Tiêm vắc-xin càng sớm càng tốt, chúng ta phải thần tốc, tổng lực cho tiêm vắc-xin. Bởi chỉ có tiêm vắc-xin sớm, tình hình dịch bệnh mới được giải quyết.
Từ nay đến cuối năm, chúng ta muốn có nhiều vắc-xin và mục tiêu đến tháng 10/2021, vaccine phải bao phủ toàn dân để đạt miễn dịch cộng đồng với khoảng 60 - 70% (khoảng 50% dân số).
Tuy nhiên, tôi nhấn mạnh, từ nay đến hết năm 2021, chúng ta chưa đạt được tỉ lệ mong muốn đó, nên người dân thực hiện tốt khuyến cáo 5K của Bộ Y tế, kể cả những người đã tiêm vắc-xin.
Ông có khuyến cáo gì đối với những doanh nghiệp nhập khẩu vắc-xin?
- Doanh nghiệp nhập khẩu muốn tiêm cho người dân (không phải là cán bộ, công nhân của doanh nghiệp đó), cần phải có sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế để xem xét ưu tiên tiêm cho những đối tượng nào.
Đối với công nhân thuộc doanh nghiệp cũng cần xếp thứ hạng ưu tiên và phải có kỹ thuật tiêm. Bởi tiêm vaccine không phải là tiêm thuốc bình thường, mà còn phải khám chỉ định để sàng lọc phản ứng, dị ứng, sốc phản vệ... và theo dõi sau tiêm 14 ngày.
Chúng ta cần tuân thủ quy định của Bộ Y tế về quy trình tiêm chủng để đảm bảo an toàn và đạt được hiệu quả cho người được tiêm.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Dự kiến ngay trong tuần này, vắc-xin Nano Covax của Việt Nam sẽ bắt đầu thử nghiệm giai đoạn 3.
Nguồn: [Link nguồn]