Vụ sụt 40kg, lột da: Vẫn là bệnh "lạ"

Liên quan đến căn bệnh của anh Văn Viết Điền (SN 1970, ngụ tỉnh Bình Phước), nhiều chuyên gia y tế cho rằng chưa đủ cơ sở khẳng định do nhiễm ký sinh trùng chó, mèo.

Chị Ung Thị Mỹ Hạnh, vợ anh Điền, cho biết suốt thời gian qua, chồng chị điều trị ở nhiều bệnh viện, phòng khám tại TPHCM và Bình Phước nhưng đều không hiệu quả. “Mong các cơ quan chức năng tìm ra hướng điều trị mới để giúp chồng tôi thoát khỏi căn bệnh này” - chị Hạnh nói.

Vụ sụt 40kg, lột da: Vẫn là bệnh "lạ" - 1

Anh Điền đang nằm tại nhà với căn bệnh "lạ". Ảnh: TÂN TIẾN

Theo PGS-TS-BS Trần Thị Hồng, Chủ nhiệm Bộ môn Ký sinh - Vi nấm học ĐH Y Phạm Ngọc Thạch, kết quả xét nghiệm bệnh phẩm cho thấy anh Điền nhiễm 4 loại ký sinh trùng là E. Histolytica - Amip, giun đũa Toxocara SP, giun lươn Strongyloides Stercoralis và sán dải heo Cysticercose. “Việc phát hiện có ký sinh trùng trong máu bệnh nhân không có nghĩa bệnh đó do ký sinh trùng gây nên. Để xác định rõ nguyên nhân gây bệnh, cần đến nhiều xét nghiệm khác” - bà Hồng nhận định.

TS-BS Lê Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM, cũng cho rằng chưa đủ cơ sở để kết luận bệnh của anh Điền là do ký sinh trùng chó, mèo gây ra. “Muốn xác định chính xác bệnh này, ngoài thử máu và xét nghiệm huyết thanh chẩn đoán, còn phải có thêm nhiều yếu tố lâm sàng khác” - ông Hùng nói.

Ngày 26-9, truy lại hồ sơ bệnh án của anh Điền trong quá trình điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM, các bác sĩ cho rằng có thể do dị ứng thuốc và nhiễm trùng. Ths-BS Võ Minh Quang, Phó Phòng Tổng hợp Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM, cho biết anh Điền đã 2 lần điều trị tại đây. Trước khi nhập viện, bệnh nhân sốt 10 ngày, nổi ban và được BS tư ở địa phương truyền dịch, cho uống thuốc (không rõ thuốc gì) nhưng không khỏi mà còn bị lở loét, phù.

Lần nhập viện thứ nhất (ngày 3-8-2011), anh Điền trong tình trạng sốt cao, nổi hồng ban, lở loét miệng, amidan sưng to và có mủ. Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân âm tính với vi trùng, tuy nhiên, bạch cầu tăng cao 17.420 (bình thường chỉ 10.000), gan yếu, men gan cao 362 U/L (bình thường 50 U/L), ái toan (EOS) ở mức bình thường 0,6% (nếu nhiễm ký sinh trùng thì mức này sẽ tăng 40%).

Bệnh nhân được chẩn đoán bị dị ứng nghi do thuốc trên nền nhiễm trùng và được điều trị theo phác đồ chống dị ứng và nhiễm trùng với các loại thuốc chống dị ứng, vitamin, kháng sinh. Điều trị đến ngày thứ 4 thì bệnh nhân bớt sốt và được xuất viện trong tình trạng sức khỏe cải thiện, dị ứng giảm, không còn lở loét, gan bình thường...

Trước khi nhập viện lần thứ 2 (ngày 27-9-2011), anh Điền bị viêm phổi và có đến Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch điều trị, sau đó da đỏ toàn thân. Trong lần nhập viện thứ 2, anh Điền trong tình trạng da đỏ, bong vảy, phù mắt, sốt nhẹ và được Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM điều trị theo phác đồ chống dị ứng, nhiễm trùng. Trong quá trình điều trị, bệnh viện đã mời các BS của Bệnh viện Da liễu TPHCM tiến hành 3 lần hội chẩn. Đến ngày 18-10, bệnh nhân vẫn trong tình trạng da đỏ toàn thân, tiểu cầu giảm, viêm phổi và được chuyển sang Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị.

ThS-BS Võ Minh Quang cho biết tuy việc nhiễm trùng đã được khống chế, điều trị dứt nhưng những biến chứng do dị ứng thuốc đã bắt đầu lộ ra với các biểu hiện da đỏ, khô, dày lên và sạm đen.

Lo ngại khó đáp ứng điều trị

Theo PGS-TS-BS Trần Thị Hồng, chị Ung Thị Mỹ Hạnh cho biết hiện gia đình không có chi phí để tiếp tục điều trị cho anh Điền. “Về vấn đề này, tôi cùng các đồng nghiệp có thể vận động một số nơi để giúp đỡ anh Điền tiếp tục điều trị. Tuy nhiên, lo ngại lớn nhất là cơ địa của bệnh nhân có khả năng đáp ứng thuốc hay không vì anh Điền đang trong tình trạng suy kiệt, cơ địa không tốt” - bà Hồng lo lắng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo NGUYỄN THẠNH - ANH THƯ (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN