Vụ ngộ độc nấm trắng: Một bé trai tử vong

Bé Lý Minh Khôi (13 tuổi) trong chùm ca bệnh ngộ độc nấm trắng đã tử vong tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai.

BS Nguyễn Trung Dũng, Trung tâm Chống độc (BV Bạch Mai) cho biết, bé Khôi đã tử vong sáng nay do ngộ độc nấm. Hiện nay, bé Khôi đã được đưa về quê an táng.

BS Dũng cho biết, hôm nay Trung tâm tiếp nhận thêm 5 bệnh nhân ngộ độc nấm từ Thái Nguyên chuyển xuống. Nhóm nạn nhân mới nhập viện cũng được xác định bị ngộ độc do ăn phải nấm độc. Các triệu chứng đều giống như nhóm bệnh nhân trước là nôn mửa, tiêu chảy, các xét nghiệm cho thấy bắt đầu có sự phá hủy gan.

TS.BS. Phạm Duệ cho biết, trung tâm Chống độc tiếp nhận 5 bệnh nhân người Dao bị ngộ độc nấm tán trắng được chuyển từ Bệnh viện Đa khoa Thái Nguyên đến.

Vụ ngộ độc nấm trắng: Một bé trai tử vong - 1

Ca ngộ độc nấm tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai.

Trước đó ngày 8/3, hai mẹ con chị Thơm và cháu Thùy lên núi hái được 1,5kg nấm. Sau khi ăn khoảng 15 tiếng, tất cả đều có triệu chứng: đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy dữ dội. Các nạn nhân được đưa đến Trung tâm y tế huyện Võ Nhai, sau đó lại được chuyển lên bệnh viện tỉnh. Do tình trạng bệnh quá nặng, bệnh viện tỉnh đã chuyển cả 5 bệnh nhân đến Trung tâm chống độc (BV Bạch Mai) vào tối 9/3.

Theo BS Nguyễn Kim Sơn, Phó GĐ Trung tâm chống độc, các bệnh nhân trên được đưa đến Trung tâm trong tình trạng nặng, rối loạn tiêu hóa, nôn mửa, huyết áp tụt, mất nhiều nước, men gan tăng từ 3-5 lần so với bình thường và và có các dấu hiệu nhiễm độc gan cấp. Bệnh nhân nặng nhất là bà Vũ Thị Hồi nhập viện trong tình trạng sốc, bị trụy mạch. Đến nay, bà Hồi đã được chuyển sang phòng Hồi sức nhưng vẫn đang được điều trị tích cực.

Bác sĩ Nguyễn Kim Sơn cũng cho biết, do tình trạng ngộ độc khá nặng nên việc điều trị cho những bệnh nhân này sẽ phải kéo dài với chi phí vô cùng tốn kém. Các bệnh nhân đang điều trị lại hoàn cảnh khó khăn, bệnh viện đã phải cung cấp suất ăn miễn phí cho cả bệnh nhân và người nhà đi theo. Hơn nữa, cả 5 bệnh nhân bắt đầu có men gan tăng cao gấp đôi so với thời điểm mới vào. Tất cả đều trong tình trạng nguy kịch.

Loại nấm các bệnh nhân trên ăn có màu trắng, gần giống nấm thường, vị ngọt nhưng rất nguy hiểm, tác dụng chậm. Vì vậy, sau 15 tiếng, các bệnh nhân mới có triệu chứng của ngộ độc.

Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục phó Cục ATTP cho biết, thời gian cuối mùa xuân chuyển sang hè, (từ tháng 2 đến tháng 4 hàng năm) được coi là mùa phát triển của các loại nấm, nhất là nấm hoang dại, mọc nhiều ở khu vực phía Tây Bắc nước ta. Vì vậy, nguy cơ người dân ăn phải nấm độc rất cao.

Bộ Y tế khuyến cáo người dân, tuyệt đối không xử dụng nấm khi chưa rõ nguồn gốc, không được ăn nấm lạ, nấm hoang dại (kể cả nấm màu trắng), nấm có đủ các phần của thể quả. Không hái nấm non chưa xòe mũ vì chưa bộc lộ hết đặc điểm cấu tạo khó nhận dạng nấm độc. Nấm có sâu bọ ăn hoặc cho gà, chó ăn không chết vẫn có thể gây ngộ độc đối với người. Dự báo, sẽ còn tiếp tục các ca ngộ độc nấm bởi miền núi phía Bắc đang là mùa mưa, nấm hoang trong rừng mọc rất nhiều và tập quán hái nấm rừng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thu (Khampha.vn)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN