Vụ cắt nhầm bàng quang: Có thể phải tạo lại

Bé trai T.A.Đ. (21 tháng tuổi, trú phường Cam Nghĩa, TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa) bị cắt nhầm bàng quang đã được Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP.HCM tiếp nhận.

Khả năng bé sẽ được tái tạo bàng quang, tuy nhiên phải chờ sau khi bé hơn 5 tuổi.

Vụ cắt nhầm bàng quang: Có thể phải tạo lại - 1

Bé T.A.Đ. sau ca mổ cấp cứu ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa - Ảnh: V.T.

TS.BS Trương Quang Định, phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP.HCM), cho biết bệnh nhi đang được theo dõi tại khoa hồi sức của bệnh viện. Bệnh viện sẽ đánh giá tổn thương của bệnh nhi, từ đó có hướng điều trị.

Chưa thể tái tạo ngay

Các bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP.HCM ghi nhận bệnh nhi này đã bị cắt gần hết bàng quang. Do bị cắt gần hết bàng quang (ca mổ thực hiện tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa) nên trước khi được chuyển tới Bệnh viện Đa khoa Khánh Hòa, bé Đ. bị ứ đọng nước tiểu dẫn tới tình trạng suy thận. Bác sĩ ở Bệnh viện Đa khoa Khánh Hòa đã cố định hai niệu quản, đặt hai ống thông từ niệu quản để nước tiểu ra được.

Với tình trạng bị cắt gần hết bàng quang, các bác sĩ cho rằng nhiều khả năng sẽ phải cắt ruột non bệnh nhi để tái tạo bộ phận này. Tuy nhiên, bé Đ. mới 21 tháng tuổi nên chưa thể tái tạo bàng quang lúc này vì sẽ gây nhiều biến chứng. Thời điểm tái tạo, mở rộng bàng quang là khi trẻ hơn 5 tuổi. Những ngày tới Bệnh viện Nhi Đồng 2 sẽ hội chẩn. Tuy nhiên theo nhiều ý kiến của các bác sĩ chuyên khoa thì cũng chỉ đưa ra những giải pháp tạm thời, chứ chưa thể tái tạo bàng quang ngay được. Như vậy, trong những năm chưa được tái tạo bàng quang, bé Đ. vẫn phải để hai niệu quản ra ngoài.

Ngay cả khi bệnh nhi đã được tái tạo bàng quang, các bác sĩ chuyên khoa cho rằng chức năng hoạt động của bàng quang cũng không thể được như bình thường. Bình thường khi nước tiểu trong bàng quang đầy sẽ kích thích lên thần kinh để nhận biết, đi tiểu, còn bàng quang được tái tạo đơn thuần chỉ là cơ quan chứa nước tiểu, còn chức năng đẩy nước tiểu ra ngoài sẽ không còn nữa. Như vậy, sau khi được tái tạo bàng quang cứ đúng giờ là bệnh nhi phải tự thông nước tiểu ra ngoài.

Nhiều bác sĩ thấy “sốc”

Trong khi đó, thông tin ca mổ thoát vị bẹn, cắt nhầm bàng quang bé trai T.A.Đ. làm nhiều bác sĩ ở địa phương rất kinh ngạc. Bác sĩ cao niên X.C., từng công tác tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa (đã nghỉ hưu), nói ông không thể tin có chuyện này. Ông cho biết thoát vị bẹn là tình trạng bệnh lý các tạng trong ổ bụng như mạc nối, ruột chui xuống bìu qua ống bẹn, chủ yếu ở nam giới. Với trẻ em, nhiều trường hợp không cần phẫu thuật, chỉ cần đẩy lên (hoặc đợi lúc tự co lên), mang đai chuyên dùng ngăn không cho tụt xuống, khi trẻ lớn sẽ tự hết. Có trường hợp đẩy lên rồi khâu 2-3 mũi cho khe hở hẹp lại là xong. Có trường hợp chỉ cần uống thuốc đông y cũng co lên, khỏi bệnh. Còn bác sĩ N.H., chuyên khoa tiết niệu, cũng không thể tin chuyện mổ thoát vị bẹn lại cắt nhầm bàng quang. Ông nói có thể do sơ suất mà gây thủng bàng quang chứ không thể có chuyện cắt nhầm. Ông nói bàng quang ở vị trí cách xa điểm thoát vị bẹn, rất dễ phân biệt.

Bác sĩ D.T., nguyên trưởng khoa ngoại tổng hợp Bệnh viện Đa khoa Khánh Hòa, cũng nói mổ khắc phục thoát vị bẹn không phức tạp, được xếp vào mức trung phẫu, hiếm gặp trục trặc, nhưng nếu có thì chỉ là sơ suất gây thủng nội tạng, chưa từng nghe ca nào cắt nhầm bàng quang. Ông chỉ từng nghe việc tái tạo bàng quang (lấy từ ruột non) ở người lớn, chưa nghe ở trẻ em và bàng quang tái tạo tất nhiên không thể thực hiện chức năng tốt như bàng quan tự nhiên.

Bác sĩ Đào Trung Hiếu, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM, cho biết trong phẫu thuật lúc nào cũng có thể xảy ra biến chứng, điều này phụ thuộc nhiều vào kinh nghiệm của bác sĩ phẫu thuật. Bàng quang cũng ở gần vùng mổ thoát vị bẹn. Khi phẫu thuật thoát vị bẹn, đường mổ vào sâu hơn cũng có thể đụng bàng quang nhưng thường bác sĩ phẫu thuật sẽ phát hiện liền, vì vậy không dễ gì xảy ra chuyện cắt nhầm bàng quang được. Một bác sĩ ở Bệnh viện Nhi Đồng 2 từng làm trong ngành y hơn 30 năm cho biết chưa từng ghi nhận trường hợp nào mổ thoát vị bẹn mà cắt nhầm bàng quang như vậy.

Bàng quang bệnh nhi có bất thường?

Trưa 29-10, bác sĩ Nguyễn Hồng Quang - Giám đốc Bệnh viện Cam Ranh, cho biết chưa áp dụng bất cứ hình thức kỷ luật nào đối với các bác sĩ đã phạm sai sót chuyên môn trong ca này, nhưng ông đã chỉ đạo bác sĩ Lê Thành Trung - phó giám đốc phụ trách khoa ngoại của bệnh viện - chủ trì việc họp rút kinh nghiệm chuyên môn trong tuần này. Ông cho biết thêm ban đầu ca mổ do bác sĩ Trần Ngọc Nghĩa, chuyên khoa cấp 1 ngoại niệu, phó khoa ngoại tổng hợp, trực tiếp thực hiện. Khi ca mổ xuất hiện trục trặc, bác sĩ Phạm Văn Toàn, chuyên khoa cấp 1, trưởng khoa ngoại chấn thương (nhưng có nhiều kinh nghiệm trong xử lý bệnh dạng này), được tăng cường vào làm bác sĩ mổ chính.

Chiều 29-10, bác sĩ Phạm Văn Toàn cho biết ông từng mổ nhiều ca (mổ phiên và mổ cấp cứu) thoát vị bẹn. Thông thường khối thoát vị nằm ở chính giữa, bên dưới bàng quang. Nhưng ở trường hợp bé Đ. có một khối bất thường nằm ở bên phải, rất có thể bàng quang bé bị dị dạng bất thường. Sau khi Bệnh viện Đa khoa Khánh Hòa mổ lại (mổ cấp cứu), ông được thông báo kíp mổ của ông đã cắt phải bàng quang của bé. Hiện Bệnh viện Cam Ranh đã trao gia đình bé Đ. 30 triệu đồng để chạy chữa.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo THÙY DƯƠNG - VÕ VĂN TẠO (Tuổi trẻ)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN