Vụ 42 người dân nhiễm HIV: Có dễ lây truyền qua kim tiêm?
"Xác suất lây truyền HIV qua bơm kim tiêm chỉ 0,3% và không phải tất cả mũi tiêm đều có thể làm lây nhiễm bệnh. Virus HIV trong bơm kim tiêm có thể sống 5 ngày trong môi trường còn nếu lâu hơn thì khó có thể làm lây nhiễm bệnh được".
Bác sĩ truyền nhiễm khẳng định việc lây truyền HIV hàng loạt qua đường kim tiêm là rất khó có thể xảy ra. Ảnh minh hoạ: Internet
Liên quan đến nghi vấn nhiều người bị lây nhiễm HIV do dùng chung kim tiêm tại một phòng khám tư trên địa bàn xã Kim Thượng (huyện Tân Sơn, Phú Thọ), PGS.TS Đỗ Duy Cường – Trưởng khoa Truyền nhiễm, BV Bạch Mai cho biết, không thể vội vã khẳng định khi chưa có kết luận của cơ quan chuyên môn. Việc lây truyền HIV qua kim tiêm cho hàng loạt người như vậy là rất khó có thể xảy ra.
Theo BS Cường, một trong những con đường lây truyền HIV bên cạnh việc quan hệ tình dục không an toàn; lây từ mẹ sang con, đó là lây truyền HIV qua đường máu – trong đó có dùng chung bơm kim tiêm là con đường lây truyền thường gặp. Việc dùng chung bơm kim tiêm, nhất là với người tiêm chích ma túy; Dùng chung các loại kim xăm trổ, kim châm cứu, các dụng cụ xăm lông mi, xăm mày, lưỡi dao cạo râu... đều có nguy cơ cao lây nhiễm HIV. Cũng có thể lây truyền HIV qua các tiếp xúc trực tiếp với máu khác, như bị dính máu của người nhiễm HIV vào nơi có các vết thương hở hoặc da, niêm mạc bị xây xát…
Trong thực hành y tế hiện nay, bơm kim tiêm là loại sử dụng một lần, sau khi dùng sẽ đậy nắp kim tiêm và được xử lý theo quy trình xử lý vật sắc nhọn của Bộ Y tế. Bơm kim tiêm cũng là vật dụng khá phổ biến, rất sẵn trên thị trường và giá thành rất rẻ. Do đó, theo tôi, việc lây truyền HIV qua dùng chung bơm kim tiêm là rất khó, việc lây đồng loạt cho nhiều người lại là điều càng khó xảy ra”- PGS. Cường phân tích.
PGS. Cường cho hay, bệnh HIV để chuyển sang giai đoạn AIDS phải qua thời gian rất dài từ 5-10 năm. Chắc chắn một điều không thể chỉ mất vài tháng mà bệnh nhân HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS được.
Ở giai đoạn đầu, bệnh nhân nhiễm HIV không có triệu chứng rõ ràng, sau vài tuần thì có sốt phát ban, nổi hạch, đau mỏi người chỉ như triệu chứng của cảm cúm thông thường. Cho dù có xét nghiệm HIV vẫn cho ra âm tính. Nhưng đây là "giai đoạn cửa sổ", cần hết sức thận trọng, xét nghiệm âm tính chưa chắc đã không nhiễm HIV, mà phải theo dõi tiếp sau 3 tháng mới có thể khẳng định chắc chắn bệnh nhân nhiễm HIV hay không. Và phải sau 5-10 năm bệnh HIV mới chuyển sang giai đoạn AIDS, lúc này người bệnh mới có các triệu chứng rõ rệt như sụt cân, sốt kéo dài, tiêu chảy….
Bé gái 18 tháng tuổi có kết quả dương tính với HIV trong khi bố mẹ bé hoàn toàn bình thường.
Chuyên gia truyền nhiễm này cho rằng, rất khó để xác định một người bị nhiễm HIV từ khi nào, do đó phải có sự điều tra căn nguyên rất kỹ từ khoảng thời gian nhiều năm, nhiều tháng về trước liệu họ có quan hệ tình dục không an toàn hay không; có tiêm chích ma túy không hoặc có nguy cơ nào trong truyền máu không? Khi bệnh nhân nhập viện với các triệu chứng của HIV/AIDS thì không có nghĩa là bệnh nhân vừa mắc bệnh xong mà đã ủ bệnh từ rất lâu rồi.
“Vụ việc ở Phú Thọ cũng vậy, không thể chỉ sau vài tháng đến khám tại nhà y sĩ về mắc bệnh HIV – thậm chí có người đã ở giai đoạn AIDS mà có thể khẳng định đó là nguồn lây truyền HIV được. Việc một ai đó dương tính với HIV là điều hoàn toàn có thể xảy ra nếu có các nguy cơ không an toàn, không thể đổ lỗi cho nhân viên y tế khi chưa có kết luận chính thức, gây hoang mang trong dư luận. Cần phải có điều tra, nghiên cứu, xét nghiệm bằng 3 phương pháp mới có thể khẳng định được”- PGS. Cường chỉ rõ.
Khoảng 3-6 tuần sau khi tiếp xúc hoặc bị lây nhiễm, người bệnh có một vài triệu chứng sớm để nhận biết.