Vòng tránh thai 40 năm trong bụng người phụ nữ
Hà Nội - Cụ bà 72 tuổi, đau bụng, bác sĩ phát hiện vòng tránh thai lạc trong ổ bụng bám chặt vào đại tràng, ruột non tạo thành ổ áp xe.
Ngày 30/3, bác sĩ Hoàng Việt Dũng, Trưởng khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Hữu Nghị, cho biết bệnh nhân nhập viện trong tình trạng cơn đau bụng ngày càng tăng, buồn nôn, sốt nhẹ. Trước đó, siêu âm không thấy gì bất thường, nội soi dạ dày và đại tràng viêm nhẹ, uống thuốc không bớt.
Kết quả chụp phim cắt lớp thấy hình ảnh dụng cụ tránh thai nằm trong ổ bụng. Bác sĩ phẫu thuật nội soi, phát hiện chiếc vòng bám chặt vào mạc nối, đại tràng và ruột non tạo thành ổ nhiễm trùng. Sau khi lấy vòng tránh thai và làm sạch ổ bụng, bệnh nhân tỉnh táo, hồi phục tốt.
Bà cho biết đã đặt vòng tránh thai trên 40 năm và không kiểm tra phụ khoa. Bác sĩ nhận định chiếc vòng đi lạc khỏi vị trí ban đầu nhiều năm nhưng không được phát hiện, "là trường hợp hiếm gặp".
Vòng tránh thai chữ T hiện đại. Ảnh: Alamy
Vòng tránh thai là một dụng cụ nhỏ (thường có hình chữ T) được đặt vào lòng tử cung giúp tránh thai nhiều năm. Hai loại vòng thông dụng hiện nay là vòng hình chữ T và hình cánh cung, có quấn đồng. Cơ chế vòng tránh thai là gây phản ứng viêm tại niêm mạc tử cung, làm thay đổi về cấu trúc sinh hóa tế bào nội mạc, không để trứng thụ tinh làm tổ trong tử cung.
Đặt vòng tránh thai là biện pháp tránh thai tạm thời dành cho nữ, hiệu quả cao, dễ thực hiện, tiết kiệm và có tác dụng tốt trong nhiều năm. Tuy nhiên, vòng tránh thai có thể gây vài biến chứng như rong kinh, đau thắt lưng, đặc biệt là đi lạc chỗ.
Vòng tránh thai lạc chỗ là bệnh cảnh hiếm gặp, theo bác sĩ. Thông thường, vòng tránh thai đặt vào tử cung có thời hạn (tùy từng loại) và được lấy ra sau thời gian nào đó. Nếu để lâu, vòng tránh thai có thể đi xuyên qua tử cung, vào ổ bụng và gây biến chứng như áp xe ổ bụng, đâm thủng ruột gây viêm phúc mạc, nhiễm trùng huyết.
"Nguyên nhân vòng tránh thai đi lạc có thể do quá trình thao tác đặt vòng làm tổn thương thành tử cung, hoặc nhiều năm trong bụng không lấy ra nên vòng ăn sâu vào cơ tử cung, chui qua cơ tử cung nằm tự do trong ổ bụng, ruột hay vào bàng quang", bác sĩ Dũng giải thích.
Tùy vị trí chiếc vòng cũng như tình trạng xuyên thủng các tạng, biện pháp điều trị khác nhau như nội soi can thiệp hay phẫu thuật để lấy ra. Bác sĩ khuyến cáo nên đặt vòng ở cơ sở y tế uy tín, do bác sĩ có kinh nghiệm thực hiện. Khám kiểm tra định kỳ để được hướng dẫn chăm sóc sức khỏe, vệ sinh tránh viêm nhiễm cũng như phát hiện sớm vòng lạc chỗ.
Nguồn: [Link nguồn]
Đặt vòng tránh thai có làm cản trở hoạt động tình dục của tôi hay không? Đây là thắc mắc của nhiều người khi muốn lựa chọn phương pháp tránh thai...