Vô tư mua bệnh từ thực phẩm ở vỉa hè
Món ăn nhẹ, mát… bán tại vỉa hè phục vụ nhu cầu giải nhiệt đang mọc lên như nấm sau mưa để phục vụ nhu cầu khách hàng. Đồ ăn vỉa hè chất lượng không đảm bảo, điều kiện bảo quản kém nhưng nhiều người vẫn vô tư “mua” bệnh
Đồ ăn vỉa hè bán chạy
Đáp ứng nhu cầu giải nhiệt mùa hè ngày càng lớn của khách hàng, các quán nhậu, trà đá, quán chè, quán phục vụ đồ ăn nhẹ vỉa hè mọc lên như nấm sau mưa. Nhiều chủ quán hàng ăn còn kèm thêm cả chè, sữa chua; quán bún đậu, bún chả kiêm bán chè, trà đá; quán ốc kiêm hoa quả dầm, các loại nước giải khát.
Chị Nguyễn Thị Uyên - chủ quán vỉa hè khu vực Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hà Nội chuyên bán bún riêu, ốc, hoa quả dầm - hồ hởi: “Tôi làm quen rồi, liên chân, liên tay cũng không thấy mệt. Cách đây một tháng, tôi chỉ bán bún nhưng rất vắng khách. Khách không nhiều và họ cứ ăn xong lại sang quán bên cạnh ăn chè, uống nước, ăn hoa quả dầm, ăn kem... Vì vậy, tôi quyết định nới rộng phạm vi kinh doanh, kiêm bán luôn đồ giải khát. Giá cả hợp với túi tiền của tất cả mọi người, chỉ từ 10.000- 12.000 đồng/bát chè, hoa quả dầm, khách đến rộn ràng, đông vui hẳn”.
Đồ ăn, thức uống vỉa hè nhiểu tiềm ẩn gây bệnh. Ảnh: Chí Cường
Chị Trần Thị Minh, nhân viên hành chính cho một công ty máy tính tại khu vực Nghĩa Tân đang cùng nhóm bạn ăn trưa tại quán vỉa hè ở đây cho biết: “Hè nóng nực, buổi trưa tôi rất lười ăn cơm, mấy chị em trong cơ quan thường rủ nhau ra quán vỉa hè ăn những đồ mát mát. Chọn ăn bún sau đó ăn thêm cốc chè hoặc hoa quả dầm là no bụng. Tất nhiên ai cũng biết, chất lượng đồ ăn vỉa hè không được như ý nhưng chấp nhận vì túi tiền có hạn”.
Các dãy quán vỉa hè dài hàng kilômét tại phố Tạ Quang Bửu có đoạn ngay sát cống rãnh, bãi rác mất vệ sinh cũng đông khách không kém. Hầu hết những quán này đều kiêm bán đồ ăn trưa và giải khát với lượng khách vô cùng đông đúc.
Không chỉ những quán ăn vỉa hè buổi trưa đắt hàng mà những hàng quán chế biến đồ ăn sẵn cũng đông khách hơn. Do nhiều người có tâm lý ngại nấu nướng vì trời nắng nóng nên mua đồ ăn sẵn cho tiện dùng. Thực tế, đi vòng quanh các ngõ phố Hà Nội, nơi nào cũng thấy nhan nhản những cửa hàng, quán vỉa hè bán đồ ăn sẵn như cá bống kho sẵn, thịt nướng, vịt quay... nhưng vẫn đông khách.
Tuy nhiên, theo thông tin từ một số người đã làm ở các cửa hàng bán đồ ăn sẵn tiết lộ, thịt vịt đã chế biến thường được nhập từ các chợ đầu mối, chủ yếu có nguồn gốc từ Trung Quốc. Khi đến tay nhà hàng, quán chế biến, đa phần là vịt đã được giết mổ trước đó cả tuần, thậm chí là vịt, thịt chết dịch. Để che mắt khách hàng, các chủ quán này trước khi làm chín chỉ cẩn phết lên thịt một lớp phẩm màu hoặc nhúng vào hóa chất hương liệu màu nên sau khi nướng thịt thơm và rất bắt mắt.
Dễ nhiễm bệnh từ thực phẩm chứa phụ gia
Thông tin từ Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, thời gian gần đây Trung tâm này đã tiếp nhận khá nhiều trường hợp phải nhập viện do ngộ độc phụ gia thực phẩm. Tuy nhiên, đa phần phụ gia thực phẩm, hương liệu thực phẩm ít gây nhiễm độc ngay mà tích tụ dần trong cơ thể, đến thời điểm nào đó mới phát bệnh. Song, việc nhận biết bệnh nhân ngộ độc bởi chất gì là điều không dễ dàng đối với các nhân viên y tế.
BS Nguyễn Trung Nguyên, Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) khuyến cáo: “Cách tốt nhất để giữ sức khỏe cho mình là không nên ăn thức ăn vỉa hè. Do giá rẻ, lại phải đảm bảo yêu tố thơm ngon nên người chế biến hay sử dụng các chất phụ gia rẻ tiền, rất dễ gây độc hại. Vì vậy, cần phải giữ vệ sinh trong các khâu bảo quản và chế biến thực phẩm, biết chọn thực phẩm tươi sống và thực hiện các hướng dẫn của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế). Đối với chế biến thực phẩm nên tuân thủ quy trình: thực phẩm tươi sống-chín-bàn tay sạch-dụng cụ sạch-không ăn đồ cũ”.
Các chuyên gia lĩnh vực dinh dưỡng cũng khuyến cáo, mùa hè nắng nóng nên thực phẩm dễ lên men, ôi thiu. Do vậy người dân phải chú ý trong ăn uống, không nên ăn nhiều tại những hàng quán ở chợ, vỉa hè; vừa không đảm bảo vệ sinh, vừa có nguy cơ ăn phải đồ ôi thiu rất cao, ảnh hưởng tới chính sức khỏe của mình.
Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) mới công bố kết quả, từ đầu năm 2013 đến nay, cả nước đã xảy ra 43 vụ ngộ độc thực phẩm với 1.110 người nhiễm độc, 1.007 người phải nhập viện và 15 trường hợp tử vong. Cả nước có khoảng 25.000 trường hợp mắc bệnh tay - chân - miệng (7 trường hợp tử vong), gần 14.000 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết (10 trường hợp tử vong), 82 trường hợp mắc bệnh thương hàn, 175 trường hợp mắc bệnh viêm não virút (5 trường hợp tử vong) và 2 trường hợp mắc cúm A/H5N1. |