Vợ trẻ chết điếng khi biết chồng bị ung thư tinh hoàn
Khi biết tin chồng bị ung thư tinh hoàn, người vợ trẻ của anh Thiện đã ngất xỉu. Còn bản thân anh Thiện cũng hoang mang tột độ khi vợ chồng anh đang chuẩn bị chiến dịch đẻ đứa thứ 2.
Nỗi ám ảnh của quý ông
Chúng tôi gặp anh Nguyễn Văn Thiện trú tại Nhân Hòa, Thanh Xuân, Hà Nội tại Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội khi hai vợ chồng anh đi khám nam khoa. Anh Thiện cho biết gần đây anh luôn cảm thấy vùng bìu của mình có khác lạ. Thi thoảng, anh sờ tay cảm nhận chúng nặng và to một phần và có đau. Đặc biệt khi quan hệ vợ chồng anh thấy khu vực đàn ông của mình buốt.
Anh Thiện và vợ đi khám nam khoa. Bác sĩ nghi ngờ anh bị ung thư tinh hoàn. Qua siêu âm tinh hoàn, bác sĩ nhận thấy có dấu hiệu của bệnh ung thư. Anh Thiện vào bệnh viện K chụp CT và các xét nghiệm khác, kết quả anh dương tính với K.
Khi biết tin bị ung thư tinh hoàn, người vợ trẻ của anh Thiện đã ngất xỉu. Còn bản thân anh Thiện cũng hoang mang: “Tôi thấy trời đất như sụp đổ. Dù bác sĩ thông báo không lo lắm, điều trị được nhưng cả hai vợ chồng đều hoang mang cực độ. Chúng tôi mới có một cô con gái 3 tuổi, đang có dự định sinh thêm con thì gặp phải chuyện này”.
Ung thư tinh hoàn là nỗi ám ảnh của quý ông
Sau khi xác định rõ ung thư tinh hoàn, anh Thiện chuẩn bị lên bàn mổ làm phẫu thuật cắt bỏ một bên tinh hoàn. Chọc sinh thiết mẫu bệnh phẩm có tế bào ung thư.
Anh Thiện đã làm phẫu thuật ba năm nay. Đến nay, sức khỏe của anh Thiện rất tốt nhưng về mặt tâm lý đôi khi anh cảm thấy xấu hổ. Anh bảo mỗi lần đi vào bệnh viện xạ trị, nhiều người hỏi bị K gì nhưng anh không dám trả lời. Có những người bị giống mình, họ khỏi qua 5 năm nhưng hạnh phúc gia đình không còn. Anh may mắn hơn, vợ còn thông cảm và luôn bên cạnh khi điều trị.
Vợ chồng anh Thiện đi khám bác sĩ nam khoa để tư vấn về việc quan hệ vợ chồng. Anh Thiện đang có dự tính làm phẫu thuật tái tạo lại tinh hoàn giả.
Cháu Nguyễn Thế Nam, 19 tuổi, cũng bị ung thư tinh hoàn. Nam kể cậu thấy bị sưng một bên tinh hoàn. Ban đầu Nam cho rằng mình bị côn trùng cắn nhưng càng để lâu, Nam càng thấy chỗ tinh hoàn chảy xuống, không có cảm giác đau. Cậu đi khám bệnh mới biết mình bị ung thư tinh hoàn. Nam phải cắt bỏ 2 nhà máy sản xuất tinh binh này để giữ lại tính mạng. Cậu luôn mặc cảm, tự ti thân hình “thái giám” của mình.
Tinh hoàn ẩn dễ gây ung thư
TS Lê Vương Văn Vệ, Giám đốc Bệnh viện Nam học và hiếm muộn Hà Nội cho biết nguyên nhân của ung thư tinh hoàn có rất nhiều, trong đó có một nguyên nhân là do tinh hoàn ẩn trong ổ bụng hoặc một vài vị trí khác.
Khi tinh hoàn ẩn trong ổ bụng, nhiệt độ cơ thể cao gây vôi hóa và ung thư hóa tinh hoàn. Nguyên nhân cụ thể chưa xác định nhưng cũng có người do miễn dịch cơ thể giảm sút. Ung thư dương vật thường xảy ra ở độ tuổi cao thì ung thư tinh hoàn lại xảy ra ở những người trong độ tuổi sung sức.
TS Lê Vương Văn Vệ cho biết ẩn tinh hoàn rất nguy hiểm
Tinh hoàn ẩn nên làm phẫu thuật cho trẻ càng sớm càng tốt. Nhiều trường hợp bị tinh hoàn ẩn đến năm trưởng thành mới đi làm phẫu thuật ảnh hưởng đến khả năng sinh sản cũng như nguy cơ ung thư cao.
Về phương pháp điều trị, theo GS. TS Mai Trọng Khoa, GĐ Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu Bạch Mai: Tỷ lệ ung thư tinh hoàn thấp hơn so với các ung thư khác. Phát hiện để điều trị ung thư sớm là rất quan trọng, sẽ giúp cho bệnh nhân có cơ hội sống chất lượng.
Triệu chứng của ung thư tinh hoàn không giống nhau ở mọi người. Có thể lúc đầu khối ung thư còn khu trú ở tuyến, hầu như chưa có biểu hiện. Về sau, tinh hoàn tăng dần thể tích và nổi cục. Mào tinh hoàn, màng tinh, thừng tinh đều bình thường trong suốt thời gian dài.
Tuy nhiên, di căn lại có thể xảy ra sớm theo đường bạch mạch, xâm lấn các cụm hạch ở thắt lưng, động mạch chủ, rồi lên các hạch thượng đòn, vào phổi (nhiều nhất) và gan.
Dấu hiệu để nhận biết ung thư tinh hoàn: khi thấy bìu to ra, vướng hoặc hơi nằng nặng. Sau đó, bìu biến dạng, tăng thêm thể tích, bên bệnh nặng hơn bên đối diện nhưng không đau, soi đèn pin thì thấy một khối đục. Nắn qua lớp da bình thường, sờ thấy tinh hoàn to và cứng, màng tinh hoàn vẫn nâng lên được, mào tinh tách biệt được rõ ràng nhưng đầu của nó hơi kẹp vào cực trên của khối u.
Phương pháp siêu âm giúp chẩn đoán chính xác 75% trường hợp ung thư tinh hoàn. Dù tỷ lệ người mắc ung thư tinh hoàn hiếm khoảng chừng 2/1.000 hay 3/1.000, và thường ở độ tuổi từ 20 đến 35. 99% chỉ bị ung thư một bên tinh hoàn nhưng hậu quả để lại rất nặng nề đặc biệt là vấn đề tâm lý của người bệnh.
Ung thư tinh hoàn nếu không được phát hiện và điều trị sớm, bệnh sẽ lan tỏa khắp cơ thể và làm chết người. Hiện tại các bệnh viện chuyên ngành, các phương pháp hiện đại có thể mang lại kết qủa điều trị tốt đối với ung thư tinh hoàn (95% sống sau 5 năm), kể cả một số trường hợp nặng.