'Vỡ trận' dịch sốt xuất huyết: Đừng đổ lỗi thời tiết, môi trường
Dù ngành y tế đã có nhiều biện pháp dự phòng, phòng ngừa nhưng dịch sốt xuất huyết (SXH) vẫn bùng phát trên diện rộng, số ca mắc bệnh năm sau còn nhiều hơn năm trước. Nguyên nhân do đâu?
Bệnh nhân sốt xuất huyết đang điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội. Ảnh: Như Ý.
Trên đây chính là câu hỏi mà Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long yêu cầu các tỉnh thành giải đáp tại hội nghị Tăng cường công tác phòng chống SXH diễn ra ngày 20/7 tại TPHCM.
Đổ trách nhiệm
Lý giải về số lượng các ca mắc SXH tăng cao ở khu vực miền Trung, TS Viên Quang Mai – Viện trưởng Viện Pasteur Nha Trang cho biết, hiện nay công tác phòng chống dịch vô cùng nan giải. “Không phải người dân không biết cách diệt lăng quăng, bọ gậy nhưng họ không chủ động. Có người kêu gọi thì ra làm; còn không thì mặc kệ. Chúng tôi đã “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà” nhưng đoàn đi qua rồi thì đâu lại vào đó”.
Trong khi đó, PGS.TS Hoàng Đức Hạnh – Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội chia sẻ, Sở đã làm đầy đủ các khâu nhưng tình hình không có chiều hướng giảm mà lại còn tăng cao. “Chúng ta không nên đổ lỗi do thời tiết, môi trường mà cần nhìn nhận trách nhiệm từ các cấp chính quyền. Tại sao ngay từ giai đoạn đầu, nhiều cấp chính quyền không vào cuộc ngay mà chờ vào giai đoạn dịch mới quyết liệt từ chỉ đạo đến kinh phí? Đội ngũ cộng tác viên cũng chưa hiệu quả, trong khi khối đoàn thể chưa được nhắc đến nhiều”.
Trước đó, Bộ Y tế cũng đã kiểm tra các quận huyện có số ca mắc SXH tăng nhanh tại TPHCM. Ông Nguyễn Văn Hòa (ngụ Q. Bình Tân) bày tỏ: “Không biết có ai đến tuyên truyền diệt muỗi không, chứ tui thì chưa gặp ai bao giờ. Thỉnh thoảng tui ở cũng thường có xe phun xịt thuốc diệt muỗi; nhưng xịt rồi thì vẫn có người mắc bệnh. Khi có chiến dịch hoặc dịch bùng phát thì mới có xe xịt thuốc, mà toàn đi vào giờ ăn cơm, người dân sợ thuốc có độc nên đóng cửa kín mít”.
Lãnh đạo UBND Q.Bình Tân cho rằng, trên địa bàn có nhiều khu đất trống bỏ hoang do quy hoạch treo, dân cư chủ yếu là dân nhập cư với đặc thù nửa nông thôn nửa thành thị, nhận thức chưa cao nên công tác quản lý dịch bệnh gặp không ít khó khăn. Còn UBND Q.8 “đổ lỗi” do quá nhiều dân nhập cư sống không ổn định, là dân nghèo buôn bán nhỏ nên họ không quan tâm đến việc phòng chống dịch bệnh. Đại diện H.Bình Chánh, một trong những điểm nóng về sốt xuất huyết của TPHCM cho biết, trên địa bàn có nhiều công trình xây dựng bị cưỡng chế phá dỡ trở thành các khu đọng nước gây nên ổ dịch. Thêm vào đó, dân nhập cư nhiều nên rất khó trong công tác tuyên truyền. Hai điểm nóng của huyện Bình Chánh là xã Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B hiện có số ca sốt xuất huyết chiếm hơn 50% số ca bệnh của toàn huyện.
Quá tải bệnh nhân mắc SXH tại bệnh viện Nhi Đồng 1.
Sẽ xử lý vi phạm
Trả lời PV báo Tiền Phong về việc có phải dịch SXH bùng phát là do có sự lơ là của công tác dự phòng? BS Nguyễn Trí Dũng – Giám đốc TT Y tế Dự phòng TPHCM thừa nhận có một phần lỗi từ việc tuyên truyền ở địa phương. “Truyền thông của ngành y tế và cộng đồng cũng chưa cảnh báo hết được nguy cơ của dịch bệnh, vì vậy người dân còn chủ quan với dịch SXH - bác sĩ Trí Dũng nói.
Theo bác sĩ Dũng khi người dân phát hiện có người mắc SXH hoặc các nơi có điều kiện phát sinh muỗi, lăng quăng thì phải báo ngay cho địa phương. Mỗi người chỉ cần dành 15 phút mỗi ngày để vệ sinh nhà cửa, quét dọn những nơi nước đọng. Bên cạnh đó, phải hợp tác với cơ quan chức năng trong việc phun hóa chất diệt muỗi, như mở cửa để hóa chất bay vào nhà…
GS. TS Nguyễn Thanh Long – Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh: “Trong những tháng tới đây, dự báo dịch SXH sẽ còn tăng. Điều này đòi hỏi các địa phương phải sâu sát hơn từ cấp thành phố đến quận huyện, phường xã; không được chỉ làm quyết liệt trên văn bản. Điều quan trọng nhất vẫn là làm sao diệt tận gốc những ở lăng quăng, bọ gậy chứ không chỉ dựa vào việc phun xịt. Vì vậy, cần huy động các ban ngành đoàn thể cùng vào cuộc. Đồng thời, cơ quan chức năng tăng cường xử phạt hành chính đối với cá nhân, tổ chức cố tình không thực hiện, để tồn tại những ổ lăng quăng, tạo điều kiện cho bệnh phát triển.
“Chúng ta không nên đổ lỗi do thời tiết, môi trường mà cần nhìn nhận trách nhiệm từ các cấp chính quyền. Tại sao ngay từ giai đoạn đầu, nhiều cấp chính quyền không vào cuộc ngay mà chờ vào giai đoạn dịch mới quyết liệt từ chỉ đạo đến kinh phí? Đội ngũ cộng tác viên cũng chưa hiệu quả, trong khi khối đoàn thể chưa được nhắc đến nhiều”, PGS.TS Hoàng Đức Hạnh - Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội
Bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu- Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM cho biết bệnh nhân là người lớn nhập viện do SXH ngày một gia tăng. Trong sáu tháng đầu năm 2017 bệnh viện này đã tiếp nhận và điều trị 4.328 ca SXH, tăng 34 trường hợp so với cùng kỳ năm 2016. Riêng tuần đầu tiên của tháng 7/2017, số bệnh nhân nhập viện tăng 100% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, số ca mắc SXH tại Bệnh viện Nhi đồng 1 tăng từ tháng 6 với mức 10 – 15% so với những tháng trước, trung bình mỗi tuần có khoảng 60 – 70 bệnh nhi nhập viện. Tại Bệnh viện Nhi đồng 2, từ đầu năm đến nay, số trẻ mắc bệnh này điều trị ngoại trú gần 4 nghìn ca, riêng tháng 7 đã có 506 ca. Số ca điều trị nội trú là 1.623 trường hợp.
Sốt xuất huyết Dengue (SXHD) là bệnh do virut Dengue gây ra, truyền từ người bệnh sang người lành qua vật chủ trung gian truyền...