Virus khiến 7 trẻ tử vong ở Cao Bằng lây như thế nào?
7 trẻ tử vong ở Cao Bằng do virus Coxsackie A6 gây ra bệnh cực kỳ nguy hiểm như viêm não cấp, viêm màng não…
Trẻ mắc viêm não cấp đang được điều trị tại bệnh viện
Bệnh dễ lây qua ăn uống
Theo thông tin từ Sở Y tế tỉnh Cao Bằng, trong vòng 1 tháng qua, tại xã Quảng Lâm, huyện Bảo Lâm có 7 trẻ em dưới 6 tháng tuổi tử vong, nghi do viêm não cấp và 12 trẻ đang điều trị.
Trước tình hình này, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, đoàn công tác đã đến địa phương để hỗ trợ điều trị, lấy mẫu xét nghiệm, giám sát và xử lý ổ dịch.
Kết quả cho thấy số trẻ tử vong ở Cao Bằng do virus Coxsackie A6. Virus Coxsackie là một chủng siêu vi ở đường tiêu hóa, có khả năng gây nhiều loại bệnh cho trẻ em như hội chứng viêm não vô khuẩn, bệnh cúm mùa hè, bệnh tay-chân-miệng, viêm cơ tim...
Mặt khác, do virus này sinh sản nhanh trong đường tiêu hóa, không bị tiêu diệt bởi môi trường acid của dịch dạ dày nên trẻ em thường dễ bị nhiễm virus Coxsackie hơn người lớn. Trẻ em dễ lây nhiễm qua đường ăn uống, tiếp xúc...
“Virus Coxsackie A6 diễn tiến rất nhanh, ban đầu chỉ là một virus đường tiêu hóa thông thường nhưng chỉ trong thời gian ngắn, có thể chưa đến 24 giờ đầu trẻ đã có những triệu chứng của viêm não và các bệnh liên quan khác”, ông Trần Đắc Phu thông tin.
Theo ông Phu, trẻ tử vong đều dưới 6 tháng tuổi với các biểu hiện như sốt nhẹ, quấy khóc, bỏ bú, rối loạn tiêu hóa. Một số trường hợp bị ho, khó thở sau đó diễn biến nhanh đến hội chứng não cấp, li bì và tử vong.
Trong khi đó, tại Hà Nội, Khoa Truyền Nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương mới đây cũng tiếp nhận một số ca viêm não cấp và có trẻ tử vong do bệnh viện tuyến dưới không chẩn đoán được. Tuyến dưới chỉ điều trị viêm phế quản do bé ho, sốt. Khi gia dình đưa bé lên tuyến trên thì bệnh đã quá nặng và không qua khỏi.
Tại Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, PGS.TS.Nguyễn Tiến Dũng cho biết, Khoa cũng thường xuyên tiếp nhận các ca viêm não cấp. Ban đầu trẻ thường sốt do virus sau đó ho, khó thở dẫn đến viêm não cấp.
Dễ nhầm với bệnh viêm đường hô hấp
Theo PGS.TS.Nguyễn Tiến Dũng viêm não cấp ở trẻ do virus gây ra, với các triệu chứng ban đầu giống như viêm đường hô hấp thông thường, sau đó sốt cao, có các hội chứng thần kinh như đau đầu, nôn, buồn nôn. Do đó, rất nhiều người nhầm bệnh này với bệnh viêm đường hô hấp.
Cũng có trường hợp trẻ nôn nhiều hoặc không đáng kể, thậm chí kèm theo tiêu chảy. Đặc biệt, khi trẻ kêu đau đầu, cha mẹ cần nghĩ ngay đến bệnh viêm não, viêm màng não và đưa con đi khám.
Những triệu chứng như đau đầu, buồn nôn, sốt cao rất dễ nhầm lẫn với bệnh lý viêm đường hô hấp, sốt virus khác. Vì vậy, việc theo dõi trẻ là rất quan trọng. Nếu nghi ngờ, bác sĩ sẽ chỉ định chọc dịch não tủy để xác định bệnh.
Ông Dũng cũng cho biết, căn bệnh viêm não cấp ghi nhận rải rác quanh năm nhưng thường số ca mắc tăng cao trong những tháng hè, cao điểm từ tháng 6 đến tháng 8. Nếu không được phát hiện sớm, chữa kịp thời, bệnh sẽ để lại nhiều di chứng nặng nề như: bại não, liệt chân, tay, bị mắc động kinh, điếc, trí nhớ kém, ảnh hưởng đến kết quả học tập… và có tỉ lệ tử vong từ 10 – 15%.
Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cũng khuyến cáo, thời điểm mùa hè, bất kể trường hợp nào sốt, viêm đường hô hấp kèm theo triệu chứng đau đầu, nôn, buồn nôn cần phải được theo dõi. Bệnh viêm não virus, điều trị sớm phòng nguy cơ các di chứng thần kinh để lại cho trẻ do virus viêm não tấn công.
Ngoài ra, người dân phải giữ gìn vệ sinh chung; thực hiện ăn chín, uống chín; bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng…