Virus cực kỳ nguy hiểm có thể gây biến chứng cho trẻ đang ở đỉnh dịch
Từ đầu năm 2023 đến nay, bệnh viện ghi nhận hơn 1.100 ca nhiễm RSV. Trong tuần đầu tháng 3, hơn 160 ca mắc mới.
Hiện số ca mắc virus hợp bào hô hấp (RSV) tại Trung tâm Hô hấp – Bệnh viện Nhi Trung ương đang có xu hướng gia tăng và diễn biến nặng ở nhóm trẻ nhỏ và trẻ có bệnh lý nền.
Từ đầu năm 2023 đến nay, bệnh viện ghi nhận hơn 1.100 ca nhiễm RSV. Trong tuần đầu tháng 3, hơn 160 ca mắc mới.
Trẻ đang nằm điều trị tại bệnh viện.
PGS.TS Lê Thị Hồng Hanh – Giám đốc Trung tâm Hô hấp cho biết, virus là một trong những tác nhân quan trọng gây viêm đường hô hấp cấp ở trẻ em, đứng đầu là virus hợp bào hô hấp (RSV).
Các yếu tố nguy cơ mắc bệnh và khiến bệnh trở nặng:
- Trẻ đẻ non, cân nặng khi sinh thấp
- Trẻ dưới 3 tháng tuổi.
- Trẻ có bệnh tim bẩm sinh có tăng áp lực động mạch phổi.
- Bệnh phổi mãn tính: Loạn sản phế quản phổi, suy giảm miễn dịch bẩm sinh, suy dinh dưỡng nặng, trẻ bị bệnh lý thần kinh cơ
- Đường lây truyền: qua giọt bắn và dịch tiết của đường hô hấp bị nhiễm virus như ho, hắt hơi, chảy mũi, hoặc tiếp xúc trực tiếp như tiếp xúc dịch tiết hô hấp trên các bề mặt.
Một số biểu hiện lâm sàng của bệnh:
Theo BS Hanh, trẻ bị nhiễm virus RSV thường có những dấu hiệu khởi phát là các triệu chứng của viêm long đường hô hấp trên như ho, hắt hơi, sổ mũi…
- Giai đoạn toàn phát trẻ khò khè, ho, thở nhanh
- Trẻ sơ sinh có thể tím tái hoặc có cơn ngừng thở
- Khi nhập viện, trẻ được điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế.
Theo bác sĩ, virus hợp bào hô hấp RSV có thể gây viêm phổi, viêm tiểu phế quản, viêm đường hô hấp trên. Nếu được chẩn đoán sớm và kịp thời, bệnh nhân sẽ khỏi bệnh trong 5-7 ngày, không để lại di chứng.
Tuy nhiên, một số trẻ có bệnh nền suy giảm miễn dịch, đẻ non, suy dinh dưỡng bào thai, có bệnh loạn sản phế quản phổi, tim bẩm sinh, khi nhiễm RSV nếu không điều trị kịp thời có nguy cơ diễn biến nặng, thậm chí tử vong. Nhiều bệnh nhân phải điều trị dài ngày.
Để phòng bệnh, ngay từ khi mang thai, cần chăm sóc bà mẹ, để đảm bảo trẻ sinh ra đủ tháng, đủ cân và khỏe mạnh.
Cho trẻ bú sớm, ngay sau sinh, bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, bú kéo dài đến 2 tuổi.
Cho ăn dặm đúng phương pháp đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng.
Môi trường sống trong lành, không có khói, bụi, khói thuốc lá.
Vệ sinh mũi họng thường xuyên: nhỏ mũi bằng nước muối sinh lí (với trẻ nhỏ), trẻ lớn hơn cho súc miệng nước muối sinh lí.
Vệ sinh thân thể, rửa tay thường xuyên, mặc quần áo phù hợp với nhiệt độ môi trường,
Hạn chế cho trẻ ra ngoài vào sáng sớm hoặc đêm lạnh, nếu bắt buộc ra ngoài phải đeo khẩu trang, giữ ấm cho trẻ.
Hạn chế tiếp xúc nơi đông người.
Tiêm vắc-xin phòng bệnh theo chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia.
Các bác sĩ khuyến cáo, khi thấy trẻ có một trong các dấu hiệu nặng như: bỏ bú, ăn kém, thở nhanh rút lõm lồng ngực, tím tái, sốt cao, co giật, cha mẹ cần đưa trẻ đến ngay cơ sơ y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Nguồn: [Link nguồn]
Virus hợp bào hô hấp là căn nguyên phổ biến toàn cầu gây ra các nhiễm trùng đường hô hấp dưới ở trẻ nhỏ.