Việt Nam mỗi năm có gần 200.000 người mắc mới ung thư, Bệnh viện K chỉ có 6 máy xạ trị
Bệnh viện K chỉ có 6 máy xạ trị, do đó nhiều bệnh nhân phải xạ trị buổi tối mới đáp ứng đủ yêu cầu.
Tại Hội thảo ung thư Việt- Pháp với chủ đề: “Kỷ nguyên mới trong chẩn đoán và điều trị ung thư” do Bệnh viện K tổ chức, GS,TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, ung thư ngày càng trở thành gánh nặng lớn của cộng đồng và đang có xu hướng gia tăng.
Ở Việt Nam, hàng năm có khoảng 182.600 người mắc mới ung thư, khoảng 122.700 người tử vong và hiện có hơn 350.000 bệnh nhân đang sống chung với căn bệnh này.
Đây là gánh nặng bệnh tật rất lớn, ảnh hưởng đến nguồn lực lao động xã hội và sự phát triển kinh tế đất nước. Mặc dù rất nhiều nỗ lực về chủ trương chính sách và nghiên cứu phòng, chống ung thư đã được thực thi, các kết quả về dự phòng, phát hiện sớm, điều trị không ngừng được cải thiện, nhưng việc phòng, chống căn bệnh này vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, đặt ra cho ngành ung thư nói riêng, ngành Y tế nói chung những yêu cầu và nhiệm vụ nặng nề.
Thứ trưởng Bộ Y tế cũng đề nghị các cơ sở y tế trên cả nước cần tăng cường các hoạt động phòng chống ung thư ở tất cả các tuyến y tế, đặc biệt tuyến cơ sở cần phải đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền cho người dân đi khám sàng lọc phát hiện sớm và chăm sóc người bệnh ung thư dựa vào cộng đồng.
Đặc biệt, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn yêu cầu các bệnh viện như Bệnh viện K, Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh, các bệnh viện lớn chuyên khoa ung thư cần chú trọng đến việc phối hợp với sở y tế, bệnh viện các tỉnh xây dựng các cơ chế phối hợp, để thu hút người dân đến khám chữa bệnh, giảm tải cho các bệnh viện trung ương, người dân được hưởng các dịch vụ y tế tốt nhất ngay tại chính địa phương của mình.
PGS.TS Phạm Văn Bình, Phó Giám đốc Bệnh viện K Trung ương.
PGS.TS Phạm Văn Bình, Phó Giám đốc Bệnh viện K Trung ương cho biết, theo số liệu ghi nhận của Bệnh viện K, với người bệnh ung thư cần điều trị đa mô thức, trong đó phẫu thuật là phương pháp mang tính triệt căn lớn nhất. Theo các chuyên gia y tế, với hơn 200 bệnh ung thư khác nhau thì 60% có thể điều trị khỏi bệnh bằng phẫu thuật đơn thuần nếu bệnh được chẩn đoán sớm.
"Chìa khoá để ngăn chặn tử vong do ung thư là phòng, chống và tăng cường phát hiện sớm bệnh", PGS Phạm Văn Bình nhấn mạnh.
Cũng theo lãnh đạo Bệnh viện K, để giải quyết vấn đề này, riêng Bệnh viện K không thể làm được mà cần xây dựng mạng lưới phòng chống ung thư, đẩy mạnh tuyên truyền phòng chống ung thư, nâng tầm quan trọng của sàng lọc và phát hiện sớm bệnh.
GS Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K cũng chia sẻ, với số lượng bệnh nhân ung thư Việt Nam ngày càng tăng lên như hiện nay, các trang thiết bị điều trị trong nước dù ngang tầm với các quốc gia trên thế giới nhưng vẫn còn hạn chế trong công tác phục vụ điều trị cho người bệnh.
GS Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K.
Hiện nay, Bệnh viện K mỗi năm phẫu thuật 26 nghìn trường hợp, điều trị, xạ trị 17 nghìn bệnh nhân, điều trị hóa chất 18 nghìn bệnh nhân. Bệnh viện chỉ có 6 máy xạ trị, do đó nhiều bệnh nhân phải xạ trị buổi tối mới đáp ứng đủ yêu cầu. Mỗi máy xạ trị của Bệnh viện hiện nay phải hoạt động 22 – 23h/ngày.
"Đây chính là vướng mắc nhất trong điều trị ung thư tại Việt Nam hiện nay. Bệnh nhân quá đông, cơ sở vật chất chưa đáp ứng", Giám đốc Bệnh viện K nhấn mạnh.
GS Lê Văn Quảng cũng cho biết, hiện nay, mạng lưới phòng chống ung thư ở nước ta đã phát triển nhưng chênh lệch về trình độ giữa các tuyến. Bệnh nhân có tâm lý phải lên tuyến trên nên gây quá tải cho các bệnh viên Trung ương. Đây cũng là những nguyên nhân khiến điều trị ung thư ở nước ta còn gặp khó khăn, mặc dù hiện nay, thế giới có thuốc mới điều trị ung thư như thế nào thì người bệnh Việt Nam đều có cơ hội tiếp cận thuốc đó, nhưng giá thuốc còn đắt.
Nguồn: [Link nguồn]
Giám đốc Bệnh viện K cho biết, từ những năm đầu tiên khám, điều trị cho 150 bệnh nhân, đến nay Bệnh viện K đã khám chữa bệnh cho hơn 400.000 người dân mỗi năm.