Viêm ruột thừa ở trẻ em không nhất thiết phải mổ?
Phẫu thuật là cách phổ biến để điều trị viêm ruột thừa ở trẻ em. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho rằng sử dụng thuốc kháng sinh hoàn toàn có thể thay thế phương pháp can thiệp này.
Các nhà khoa học thấy rằng việc sử dụng kháng sinh qua đường uống hoặc tiêm tĩnh mạch có hiệu quả trên 97% trẻ em bị viêm ruột thừa
Theo số liệu từ Dịch vụ y tế quốc gia Anh (National Health Service - NHS), cứ 13 đứa trẻ phải phẫu thuật thì có 1 trường hợp mổ cấp cứu do viêm ruột thừa. Mới đây, trên Tạp chí Pediatrics, một nhóm các nhà khoa học đến từ Anh và Canada đã đưa ra nhận định dùng thuốc khánh sinh mang lại những hiệu quả nhất định so với mổ. Đây cũng là phương pháp đã có những thành công bước đầu ở các bệnh nhân lớn.
“Trong khi phẫu thuật vẫn được xem là “tiêu chuẩn vàng” khi điều trị ruột thừa, chúng tôi đang cố gắng thử nghiệm một hướng mới cho trẻ em”, Phó giáo sư Nigel Hall, Khoa Phẫu thuật nhi tại Đại học Southampton cho biết.
Theo đó, các nhà khoa học đã tiến hành xem xét 10 nghiên cứu được công bố trong vòng một thập kỷ qua với tổng số 766 trẻ em khắp thế giới, trong đó có 413 trường hợp đã được điều trị biến chứng viêm ruột thừa cấp tính bằng phương pháp dùng kháng sinh. Sáu trong số các nghiên cứu so sánh việc phẫu thuật với sử dụng kháng sinh, trong khi bốn nghiên cứu còn lại chỉ nhìn vào kết quả điều trị bằng thuốc cho trẻ em với cả hai đường tiêm qua tĩnh mạch và đường uống.
Kết quả, nhóm tác giả thấy rằng việc điều trị kháng sinh có hiệu quả trên 97% trẻ em mà không có tác dụng phụ. Tuy nhiên, viêm ruột thừa sau đó vẫn tái phát ở 14% số trẻ không phẫu thuật.
Nigel Hall cũng lưu ý, điều trị bằng thuốc kháng sinh chỉ thích hợp với những bệnh nhân viêm ruột thừa cấp tính, chưa bị biến chứng chứ không áp dựng cho những trường hợp viêm ruột thừa phức tạp, chẳng hạn như không nhìn thấy ruột thừa, không có dịch hoặc một hình khối ở quanh manh tràng.
“Những nghiên cứu tiếp theo sẽ được tiến hành để so sánh hiệu quả của điều trị kháng sinh đơn thuần so với mổ ruột thừa, cũng như để đánh giá chi phí và chất lượng cuộc sống với từng phương pháp khác nhau”, Hall nói.
Bác sỹ phẫu thuật Anthony Lander đến từ Bệnh viện Phụ nữ và trẻ em Birmingham thừa nhận rằng cả phẫu thuật và thuốc kháng sinh đều mang những lợi ích và hạn chế nhất định. “Phẫu thuật rất tốn kém và có thể có biến chứng hậu phẫu nhưng viêm ruột thừa thường chỉ xảy ra 1 lần đó. Thuốc kháng sinh có giá rẻ và an toàn nhưng có thể thất bại trong điều trị và bắt buộc lại phải mổ”.
“Tình trạng viêm ruột thừa như thế nào có thể chỉ cần điều trị bằng thuốc kháng sinh mà vẫn an toàn và không tái phát? Khi nào thì cần phẫu thuật? Thách thức của các nhà nghiên cứu là phải trả lời rõ ràng câu hỏi này”, Anthony Lander nói thêm.