Viêm não Nhật Bản xuất hiện, biến chứng như thế nào?

Mắc bệnh viêm não Nhật Bản có thể gây biến chứng hôn mê sâu, mất phản xạ, liệt, thậm chí tử vong.

Theo thống kê của Bộ Y tế, từ đầu năm 2015 đến nay, cả nước ghi nhận 26 trường hợp mắc viêm não Nhật Bản tại 12 tỉnh, thành phố.

Bệnh viêm não Nhật Bản làm tổn thương nghiêm trọng hệ thần kinh trung ương. Bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 15 tuổi. Kết quả điều tra của Bộ Y tế cho thấy, số trường hợp mắc chủ yếu ở nhóm trẻ dưới 15 tuổi chiếm 84,8%, trong đó trẻ dưới 1 tuổi chiếm 15,2%.

Tuy nhiên, người lớn cũng có nguy cơ mắc bệnh do chưa từng được tiêm chủng trước đây và có thể bị nhiễm virus khi đi du lịch, lao động, công tác vào vùng lưu hành bệnh viêm não Nhật Bản.

Viêm não Nhật Bản xuất hiện, biến chứng như thế nào? - 1
Bệnh nhi đến khám tại BV Nhi Trung ương

Theo ghi nhận của phóng viên, tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai cũng bắt đầu ghi nhận các ca viêm não Nhật Bản. Đáng chú ý, nhiều trường hợp đến bệnh viện muộn, dễ để lại di chứng.

Trong khi đó, tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương vừa qua cũng tiếp nhận và điều trị cho một số trẻ bị viêm não Nhật Bản. Có trẻ phải thở máy.

Bác sĩ Đỗ Thiện Hải, Phó Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, nhiều bệnh nhi được chuyển đến viện trong tình trạng nặng hoặc rất nặng vì biểu hiện ban đầu (sốt cao, chưa có biểu hiện rối loạn tri giác) của bệnh giống với với các bệnh cảm cúm thông thường.

Các chuyên gia y tế nhận định, bệnh viêm não Nhật Bản lây truyền sang người do muỗi đốt. Hiện nay, ở miền Bắc, nắng mưa kéo dài tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi phát triển nên nguy cơ lây các bệnh do muỗi truyền càng cao.

Hầu hết người bị nhiễm virus viêm não Nhật Bản ở thể ẩn, nghĩa là không có triệu chứng lâm sàng. Nhưng dù nhiễm bệnh ở bất cứ thể nào thì bệnh nhân vẫn tạo kháng thể đặc hiệu. Mắc bệnh viêm não Nhật Bản có thể gây tử vong, còn một số biến chứng như hôn mê sâu do ứ đọng đàm nhớt, mất phản xạ ho, sặc hoặc liệt hầu họng

Cho đến nay, vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh viêm não Nhật Bản. Việc điều trị chủ yếu là hồi sức cấp cứu và điều trị triệu chứng như chống phù não, an thần chống co giật, kiểm soát nhiệt độ, hỗ trợ tuần hoàn, hô hấp, ngăn ngừa bội nhiễm và dinh dưỡng, chống loét...

Ông Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng - Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần chú ý vệ sinh môi trường, giữ gìn nhà ở sạch sẽ, vệ sinh chuồng trại để muỗi không có nơi trú đậu. Nên ngủ màn, không cho trẻ em chơi gần chuồng gia súc, đặc biệt lúc chập tối đề phòng muỗi đốt.

Khi có dấu hiệu sốt cao cùng với các triệu chứng tổn thương hệ thần kinh trung ương, cần đưa trẻ ngay đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Như vậy, viêm não Nhật Bản bắt đầu vào mùa, nếu không tiêm phòng vắc-xin cho trẻ thì nguy cơ mắc bệnh rất cao.

Khuyến cáo tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản
Đối với trẻ em dưới 5 tuổi:
Tiêm 3 liều cơ bản theo lịch tiêm của chương trình tiêm chủng mở rộng.
Mũi 1: lúc trẻ đủ 1 tuổi
Mũi 2: sau mũi 1 từ 1 đến 2 tuần
Mũi 3: sau mũi 2 là một năm
Sau đó cứ 3-4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi.
Đối với trẻ trên 5 tuổi nếu chưa từng được tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản cũng tiêm với 3 liều cơ bản:     
Mũi 1: càng sớm càng tốt
Mũi 2: sau mũi 1 từ 1 đến 2 tuần
Mũi 3: sau mũi 2 là một năm.
Sau đó cứ 3-4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu thu ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN