Viêm mũi xoang dị ứng có thể điều trị khỏi
Viêm mũi xoang dị ứng là một căn bệnh phổ biến và gây ra nhiều khó chịu đối với người bệnh. Số bệnh nhân đang có khuynh hướng tăng dần trong mấy năm gần đây.
Th.S, BS Nguyễn Minh Hảo Hớn, Khoa Mũi Xoang, Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM cho biết, nhiều người thường nhầm lẫn giữa viêm mũi xoang dị ứng và viêm xoang do vi trùng, vì thế dẫn đến những suy nghĩ sai lầm như “không bao giờ điều trị khỏi” hoặc "có mổ cũng tái phát lại". Nhiều bệnh nhân đã buông xuôi dẫn đến hậu quả bệnh ngày càng trầm trọng hơn. Thậm chí bệnh gây ra các chứng nặng như biến chứng ổ mắt, viêm thanh quản dai dẳng, viêm xoang polyp mũi.
Viêm mũi xoang dị ứng được phân thành hai loại: viêm mũi xoang dị ứng theo mùa và quanh năm. Ở Việt Nam, nguyên nhân gây bệnh đa phần do môi trường ô nhiễm. Triệu chứng điển hình là hắt hơi từng tràng dài, liên tục. Chảy nước mũi trong và ngứa mũi, ngứa mắt, ngứa tai. Ngoài ra bệnh nhân có thể nghẹt mũi; nhức đầu nhẹ, ù tai, đau mũi... Nếu không điều trị, bệnh có thể bội nhiễm gây chảy mũi đục, nhức đầu nhiều hơn, ho, khạc đàm...
Theo BS Hảo Hớn, viêm mũi xoang dị ứng là bệnh có thể điều trị khỏi. Để điều trị bệnh, trước hết bệnh nhân phải điều trị nhiễm trùng tiềm tàng ở vùng tai mũi họng như: viêm Amidan hốc mủ, nhiễm trùng răng miệng hay viêm xoang thể im lặng. Nếu viêm mũi xoang dị ứng chưa có bội nhiễm, bệnh nhân chỉ cần sử dụng thuốc corticoid dạng uống hoặc thuốc kháng dị ứng và corticoid dạng xịt mũi theo chỉ định nghiêm ngặt của bác sĩ.
Bệnh nhân chỉ được chỉ định phẫu thuật khi không điều trị hoặc điều trị không đúng cách dẫn đến viêm xoang polyp mũi gây tắc nghẽn các lỗ thông xoang; vách ngăn vẹo nhiều; gai, mào vách ngăn chạm vào cuốn mũi gây kích thích niêm mạc xuất tiết; cuống mũi quá phát không còn đáp ứng với điều trị nội khoa.
Để phòng bệnh, trước hết phải tăng sức đề kháng cơ thể như: không được thức quá khuya, ăn uống nghỉ ngơi đầy đủ không bỏ bữa, làm việc không quá sức kéo dài, giảm stress, bổ sung vitamin C hợp lý;
Bên cạnh đó, nên tránh tác nhân gây dị ứng như khói bụi, mùi xăng dầu bằng cách đeo khẩu trang khi ra đường và đến nơi đông người; không nên bơi ở các hồ bơi không đảm bảo vệ sinh; không để cơ thể nhiễm lạnh (ngủ máy lạnh nhiều, thường xuyên, nhiễm nước mưa, giữ ấm cơ thể)…