Viêm loét dạ dày có nên uống nước cam?
Nước cam chứa nhiều vitamin C rất tốt cho sức khỏe, tuy nhiên, người bị viêm loét dạ dày có nên uống nước cam không là băn khoăn của nhiều người. Người bệnh cần làm gì để giảm các biểu hiện của viêm loét dạ dày?
Ai cũng biết, nước cam có giá trị dinh dưỡng rất cao, bao gồm rất nhiều loại acid tự nhiên như acid ascorbic, acid citric và các chất khác như: Vitamin C, flavonoid, carotene, vitamin B1, B9, kali, phospho, sắt, canxi, magie… Nhờ vậy, nước cam mang đến rất nhiều lợi ích đối với sức khỏe.
Tuy nhiên, người bị viêm loét dạ dày, tá tràng không nên uống nước cam. Bởi lẽ trong nước cam chứa acid, các chất hữu cơ làm tăng acid trong dạ dày, gây chứng ợ nóng và khiến tình trạng viêm loét thêm trầm trọng.
Tương tự như vậy, không chỉ nước cam mà một số thực phẩm làm tăng tính acid, đồ ăn có tính chua như quýt, chanh… người bệnh viêm loét dạ dày, tá tràng cũng cần hạn chế sử dụng. Cách giảm triệu chứng viêm loét dạ dày
Viêm loét dạ dày, tá tràng là một bệnh lý xảy ra khi phần niêm mạc ở dạ dày hoặc tá tràng bị viêm, loét, từ đó tạo ra những cơn đau bụng âm ỉ gây khó chịu cho bệnh nhân. Vì vậy, người bệnh cảm thấy mệt mỏi, khó ngủ, mất ngủ. Việc làm giảm các triệu chứng của bệnh sẽ giúp bệnh nhân cải thiện chất lượng sống của bệnh.
Trường hợp viêm loét dạ dày trở nên nghiêm trọng hơn với những cơn đau dữ dội và những triệu chứng tiêu hóa khác ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, việc theo dõi, thăm khám, điều trị dứt điểm trở nên rất cần thiết. Từ kết quả xét nghiệm và chẩn đoán bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp cho người bệnh cũng như các cách chữa viêm dạ dày thích hợp nhất.
Ngoài việc dùng thuốc theo chỉ định của các bác sĩ, người bệnh có thể sử dụng một trong các biện pháp sau để giảm triệu chứng của bệnh một cách hiệu quả.
Khi bị viêm loét dạ dày cần hạn chế dùng thực phẩm lên men, số thực phẩm làm tăng tính acid.
Chế độ ăn khoa học cho người viêm loét dạ dày
Bữa ăn cung cấp đủ dinh dưỡng, giàu chất xơ chính là cách chữa lành đau dạ dày tại nhà hiệu quả đầu tiên cần thực hiện. Cụ thể, tăng cường chất xơ giúp thúc đẩy sự phát triển của lợi khuẩn, tốt cho quá trình chuyển hóa và hấp thụ thức ăn.
Bên cạnh đó, người bệnh cũng cần hạn chế tối đa sử dụng các loại thực phẩm chiên xào nhiều dầu mỡ, đồ ăn chế biến sẵn có nhiều chất bảo quản, thực phẩm lên men, nhóm đồ uống có chứa chất kích thích,… Chúng sẽ khiến dạ dày bị quá tải, tăng tiết acid dạ dày và khiến các vết loét thêm nặng, thêm đau.
Người bệnh viêm loét dạ dày cần lựa chọn thực phẩm thích hợp sẽ giúp thúc đẩy quá trình chữa lành vết loét và giảm kích ứng niêm mạc dạ dày. Hạn chế sản xuất acid dư thừa, có thể gây cơn đau và làm trầm trọng thêm tình trạng viêm loét.
Để bảo vệ niêm mạc dạ dày, người bệnh nên dùng thức ăn giảm tiết dịch vị, có tính bao bọc niêm mạc, giúp trung hòa acid trong dạ dày như: gạo nếp, bột sắn, bánh mì, bánh quy, các loại khoai củ, mật ong…
Thực phẩm giàu chất xơ như như: cà rốt, khoai tây, bí đỏ, yến mạch, bánh mì nguyên cám… cũng có tác dụng giảm acid dạ dày và hấp thu tốt trong dạ dày.
Người bệnh viêm loét dạ dày nên dùng thức ăn giảm tiết dịch vị giúp trung hòa acid trong dạ dày như mật ong.
Ăn uống đúng giờ, không bỏ bữa
Việc ăn uống thất thường không theo một giờ giấc cố định sẽ làm ảnh hưởng đến nhịp sinh học của cơ thể. Đây cũng là nguyên nhân khiến quá trình trao đổi chất bị cản trở và dẫn đến các vấn đề tiêu hóa như rối loạn tiêu hóa, đau dạ dày… Ăn không đúng giờ hoặc bỏ bữa sẽ khiến dạ dày tăng tiết dịch vị làm dạ dày bị tổn thương và gây ra viêm loét. Vì vậy, người bệnh cần lưu ý ăn đủ bữa và đúng giờ.
Ăn thức ăn mềm, thái nhỏ
Người bị đau dạ dày nên ăn các thức ăn lỏng, mềm, dễ tiêu hóa, dễ hấp thụ. Nhờ đó tránh tăng tiết acid dịch vị dạ dày, gây đau và ảnh hưởng đến các vết loét. Thực phẩm cũng nên thái nhỏ hoặc nghiền nát, sẽ hạn chế dạ dày phải làm việc nhiều trong khi bị tổn thương.
Chườm ấm bụng
Chườm ấm bụng là một trong những cách hiệu quả để giảm đau và cải thiện các triệu chứng trong viêm loét dạ dày. Sử dụng túi chườm từ 50 đến 65 độ C và chườm trực tiếp lên vùng bụng bị đau từ 10 – 20 phút có thể làm giãn các mạch máu vùng thượng vị, giảm sự co bóp ở dạ dày, giảm cơn đau, tăng cường tuần hoàn máu đến cơ quan tiêu hoá. Nên kết hợp hít thở sâu để việc cải thiện hiệu quả của phương pháp này.
Uống một cốc nước ấm để giảm tình trạng đau dạ dày
Khi cơn đau dạ dày tái phát trở lại mọi người hãy nhanh chóng pha một ly nước ấm để uống. Có thể cho thêm chút muối hay có thể cho thêm một chút mật ong để uống cùng. Đây là giải pháp đơn giản và mang lại hiệu quả cao đối trong những lúc cơn đau dạ dày hành hạ bạn.
Đây là những cách đơn giản nhất giúp mọi người có thể cải thiện được tình trạng xuất hiện các triệu chứng của viêm loét dạ dày một nhanh chóng. Tuy nhiên, trường hợp cơn đau kéo dài, thường xuyên xuất hiện người bệnh nên đến các cơ sở y tế uy tín để được các bác sĩ thăm khám và kê đơn thuốc điều trị thích hợp.
Từng viêm loét dạ dày và thường có thói quen ăn đồ chua cay, một nam sinh 15 tuổi ở Hải Phòng lên cơn đau dữ dội vùng trên rốn và được cấp cứu, chẩn đoán thủng dạ dày.
Nguồn: [Link nguồn]