Viêm họng cấp và những điều cần biết khi trời lạnh
Mùa đông đang đến, cũng là điều kiện thuận lợi để cho các bệnh đường hô hấp phát triển. Trong đó bệnh thường gặp ở cả người lớn và trẻ em là viêm họng cấp. Vậy chúng ta cần phải làm gì khi bị mắc bệnh?
Nguyên nhân và biểu hiện của bệnh
Viêm họng cấp là viêm toàn bộ lớp niêm mạc phủ bề mặt của họng. Ở cả người lớn lẫn trẻ em, nguyên nhân của viêm họng cấp thường là virus (chiếm đa phần) hoặc vi khuẩn.
Viêm họng do virus: Như trên đã nói, hầu hết viêm họng cấp ở cả trẻ em và người lớn đều do virus gây ra. Các virus gây viêm họng thường gặp là: virus gây bệnh cảm lạnh (Rhinovirus), virus cúm, enterovirus, adenovirus, Epstein-Barr virus…
Các triệu chứng của viêm họng cấp do virus bao gồm: Sốt (có thể có sốt hoặc không sốt, sốt từ nhẹ đến cao); chảy nước mũi, nghẹt mũi; đỏ mắt, tiết nước mắt, sưng mắt; ho khan tiếng, cảm thấy đau ở phần cuối của miệng, đau khi nuốt vào. Ở trẻ em có thể dễ ói, đặc biệt sau ăn, một số trẻ có kèm theo tiêu phân lỏng, phát ban ngoài da.
Triệu chứng của viêm họng do vi khuẩn: Liên cầu beta tan huyết nhóm A là vi khuẩn hay gặp nhất, chiếm 10% ở người lớn và lên đến 30% các trường hợp viêm họng cấp ở trẻ em vào mùa đông. Các triệu chứng bao gồm: Đau họng; sốt (thường trên 38 độ); sưng đau hạch cổ; họng sưng có xuất tiết mủ; chấm đỏ xuất huyết trên vòm họng. Đối với trẻ em có thể phát ban trên da, có thể đau bụng, buồn nôn, nôn, tiêu lỏng… Viêm họng do liên cầu khuẩn A thường không có sổ mũi, ho hay đỏ mắt kèm theo. Đối với trẻ em lứa tuổi hay gặp nhất là trẻ tuổi học đường (trên 5 tuổi) tuy nhiên trẻ nhỏ hơn cũng có thể bị.
Chấm đỏ tại vòm họng trong bệnh viêm họng cấp do liên cầu khuẩn.
Điều trị như thế nào?
Tùy vào nguyên nhân gây viêm họng là virus hay vi khuẩn mà có phác đồ điều trị khác nhau.
Nếu nguyên nhân gây viêm là vi khuẩn liên cầu thì ngoài thuốc điều trị triệu chứng, bệnh nhân sẽ được điều trị bằng kháng sinh. Thời gian điều trị kháng sinh thường là 10 ngày. Nếu nguyên nhân gây viêm họng là virus, thì chỉ điều trị triệu chứng và chờ bệnh tự khỏi trong vòng 5-7 ngày. Các điều trị đó bao gồm:
Thuốc giảm đau: Những thuốc giảm đau không kê toa như acetaminophen, ibuprofen đều có thể được sử dụng để giảm đau, hạ sốt ở trẻ em và người lớn. Tuy nhiên nếu bệnh nhân có sốt mà chưa loại trừ sốt xuất huyết thì không nên dùng ibuprofen, aspirin.
Súc họng: Súc họng bằng nước muối là một phương pháp truyền thống trong điều trị chứng viêm họng - amidan cấp. Có thể mua nước muối sinh lý tại các tiệm thuốc tây hoặc tự chế tại nhà (1/4-1/2 muỗng cà phê muối, tương đương 1.5-3g muối hòa vào 250 ml nước ấm).
Xịt họng: Dùng thuốc xịt họng có chứa thuốc tê (benzocaine, phenol...) cũng giảm được tình trạng đau họng, tuy nhiên hiệu quả cũng không nhiều hơn phương pháp ngậm kẹo cứng. Phương pháp này không được khuyến cáo cho trẻ em...
Ngậm viên kẹo cứng: Ngậm một viên kẹo cứng có chứa chất gây tê giảm đau cũng là một phương pháp hiệu quả để giảm đau họng. Tuy nhiên chỉ áp dụng cho người lớn, trẻ lớn trên 6 tuổi vì nguy cơ nghẹn ở trẻ nhỏ.
Bù nước: Điều này đặc biệt quan trọng với trẻ em, vì họng đau và dễ nôn nên trẻ có nguy cơ mất nước, cần cho trẻ uống nước mát và theo dõi trẻ. Quan trọng nhất là theo dõi nước tiểu (nếu 4-6 giờ liên tục trẻ không đi tiểu, hoặc không ướt tã hãy cho trẻ tới gặp bác sĩ ngay).
Không khuyến cáo sử dụng các thực phẩm, vitamin hay các chế phẩm khác được quảng cáo trên internet hay các cửa hàng nhằm mục đích giảm đau họng. Do sự phơi nhiễm hóa chất cũng như thông tin về liều lượng không chính xác, thiếu các nghiên cứu về độ an toàn cũng như hiệu quả của các sản phẩm này.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Khi bị viêm họng, nếu có bất kỳ biểu hiện nào sau đây, bệnh nhân cần được gặp bác sĩ ngay: Cảm thấy khó thở, phát ban ngoài da, khó nuốt, chảy nước miếng, sưng phù vùng cổ hoặc lưỡi, cứng cổ hoặc rất khó mở miệng, có bệnh nền sẵn như bệnh suy giảm miễn dịch, bệnh tim bẩm sinh...
Khi bị viêm họng, người bệnh thường có triệu chứng: đau rát họng, nuốt đau, khàn tiếng, ho khan hoặc ho có đờm… rất...