Viêm gan B lây lan nhanh hơn HIV gấp 100 lần, hắt hơi, ăn chung mâm có "dính" bệnh?
Viêm gan B có con đường lây nhiễm gần giống với HIV nhưng tốc độ lây lan của virus này được đánh giá là cao gấp 50- 100 lần virus HIV.
Theo báo cáo của Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, ước tính nước ta cứ 100 người thì có đến 20 người nhiễm virus viêm gan B. Người bị nhiễm virus viêm gan B có xác suất ung thư gan cao gấp 200 lần người bình thường. Tuy nhiên, cứ 10 người nhiễm virus viêm gan B thì 9 người không hay biết mình mắc bệnh. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc 90% trong số đó không biết mình đang đối mặt với “tử thần” xơ gan và ung thư gan.
Nhiều người lo ngại về con đường lây truyền của loại virus viêm gan B.
Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, trong số 15 triệu người nhiễm virus viêm gan B, có đến 90% bệnh nhân không biết tình trạng bệnh của mình. Đấy cũng là nguyên nhân khiến con số tử vong do biến chứng từ viêm gan B tăng lên 30.000 người mỗi năm. Trước những diễn biến vô cùng phức tạp của bệnh viêm gan virus hiện nay, nhiều người lo ngại về con đường lây truyền của loại virus này. Nhiều người thắc mắc, liệu dùng chung bát đũa với người viêm gan B có bị lây bệnh?
Trao đổi với PV, BS Nguyễn Trung Cấp, Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cho biết, virus viêm gan B không lây qua tiếp xúc thông thường như bắt tay, ho, hắt hơi, ăn thực phẩm được nấu bởi người mang virus viêm gan B, dùng chung ly, tách, chén, đĩa.
Đường lây truyền viêm gan siêu vi B gần giống HIV, gồm 3 đường: Máu, quan hệ tình dục, mẹ sang con. Trong đó chủ yếu là đường máu và các sản phẩm từ máu bị nhiễm virus xảy ra khi truyền máu hoặc các chế phẩm qua máu, phẫu thuật, tiêm chích ma túy...
Ngoài ra một số trường hợp dễ lây truyền viêm gan virus B như dùng chung dụng cụ có khả năng vấy máu từ người bệnh như dao cạo râu, bàn chải đánh răng (nếu bị chảy máu miệng, chân răng). Virus viêm gan B cũng lây qua vết trầy xước, dụng cụ xăm mắt, xăm môi, xăm người, xỏ lỗ tai không được khử trùng đảm bảo….
GS.TS. TTND Nguyễn Văn Mùi (Chủ tịch viết phác đồ điều trị viêm gan B áp dụng toàn quốc cho biết, viêm gan B có con đường lây nhiễm giống với HIV nhưng khả năng lây lan của HBV được đánh giá là cao gấp 50- 100 lần virus HIV nếu không có biện pháp phòng ngừa.
Điều đáng nói là, căn bệnh này hiện chưa có thuốc chữa khỏi hoàn toàn. Các phác đồ điều trị hiện nay chỉ có thể ngăn ngừa sự nhân lên của virus, ngăn chặn nguy cơ biến chứng thành xơ gan, ung thư gan. Do đó, nhiều người nảy sinh tâm lý e dè, kỳ thị đối với người bệnh viêm gan B.
Cũng theo GS Nguyễn Văn Mùi, đa số người dân hiểu lầm rằng, virus viêm gan B có thể lây khi dùng chung bát đũa, khắn mặt, bắt tay, ôm hôn người bệnh... Điều này gây ra sự kỳ thị trong cộng đồng đối với bệnh nhân viêm gan B. Tuy nhiên, thực tế, không phải như vậy.
Viêm gan B hoàn toàn không lây qua tiếp xúc thông thường mà lây qua đường máu là chủ yếu (truyền máu, dùng chung bơm kim tiêm), từ mẹ sang con hoặc quan hệ tình dục không an toàn. Song, con đường lây nhiễm này không khó để khống chế, hiện đã có vắcxin phòng viêm gan B.
Không ít người bị bệnh gan bỏ điều trị, tự ý dùng thuốc nam theo lời đồn thổi và cuối cùng là xin về chờ chết.