Viêm da cơ địa hoành hành mùa lạnh

Sự kiện: Tin ngắn Da liễu

Tỷ lệ bệnh nhân đến khám và điều trị trong thời tiết khô hanh mùa đông do mắc viêm da cơ địa tăng.

Viêm da cơ địa hoành hành mùa lạnh - 1

Dấu hiệu bệnh viêm da trên bệnh nhân.

Theo các bác sĩ BV Da liễu T.Ư, tỷ lệ bệnh nhân đến khám và điều trị trong thời tiết khô hanh mùa đông do mắc viêm da cơ địa tăng. Đáng nói, nhiều bệnh nhân đến viện khi xuất hiện hiện tượng bội nhiễm do tự ý điều trị.

Sưng tấy, xuất tiết vì tự điều trị

Bé Nguyễn Hồng M. (5 tuổi, Hải Dương) được bố mẹ đưa tới viện trong tình trạng trên cơ thể có nhiều phần bề mặt da bị tổn thương nặng, có dấu hiệu bội nhiễm, gây lở loét, xuất tiết nhiều. Nguyên nhân được xác định do bé mắc viêm da cơ địa, gặp thời tiết hanh khô khiến bệnh phát nặng. Điều đáng nói, thay vì đến bệnh viện, bé M. được gia đình tự chữa trị bằng nhiều loại thuốc Tây, Đông y khác nhau nhưng bệnh không đỡ mà nặng thêm. Theo người nhà bệnh nhân, ban đầu bé chỉ xuất hiện một vài vết sần đỏ, ngứa, bà ngoại đã lấy nhiều loại lá đun cho cháu tắm, thậm chí cũng đã nghe tư vấn và mua thuốc. Tuy nhiên, càng tắm lá và bôi thuốc các vết ban đỏ càng lan rộng, gây ngứa, khiến bé M. khó chịu, gãi nhiều, chảy cả máu.

Tương tự, bé Trần Trúc T. (4 tuổi, Bắc Giang) đến bệnh viện khám và được chẩn đoán viêm da cơ địa kèm viêm kết mạc, cơ thể có dấu hiệu sốt. Khắp khuôn mặt, hai tay và phần gáy của trẻ phù nề, chảy dịch, nhiều vết xước do gãi tạo nên và bội nhiễm tụ cầu tạo các mụn mủ, vẩy tiết vàng. Theo người nhà bệnh nhân, trước khi đến viện, bé T. cũng đã được gia đình cho sử dụng một số loại nước lá để tắm, lau rửa vết ngứa.

Không chỉ ở trẻ em, bệnh viêm da cơ địa còn xuất hiện ở người lớn. Chị Trần Thị K. (Bắc Ninh) đến viện trong tình trạng viêm da dị ứng cấp tính, nhiều vết xước chảy nước, sốt, nhiễm khuẩn. Ban đầu chỉ là dấu hiệu khô da, ngứa, tuy nhiên càng gãi vết mẩn ngứa càng lan rộng, cộng với việc giữ vệ sinh kém, gây bội nhiễm khiến bệnh thêm trầm trọng.

Theo BS. Trần Thu Hiền, BV Da liễu T.Ư, thời tiết sang đông, lạnh và hanh khô như hiện nay là nguyên nhân khiến tỷ lệ bệnh nhân đến khám và điều trị bệnh viêm da cơ địa tăng cao hơn so với các bệnh lý khác.

“Điều đáng nói, bệnh lý về da thường có tiến triển theo thời gian, tuy nhiên chính việc tự ý chữa trị, chăm sóc da không đúng cách đã khiến bệnh trở nặng. Nhiều bệnh nhân trước khi đến viện đã từng tắm, bôi nhiều loại lá, thuốc mà chính họ cũng không nhớ tên”, PGS. TS. Lê Hữu Doanh, Phó giám đốc BV Da liễu T.Ư cho biết.

Giữ ẩm - cách phòng bệnh tốt nhất

Theo BS. Lê Hữu Doanh, bắt nguồn từ bệnh lý khô da, mất chất bảo vệ trên da, cộng với sự thay đổi của thời tiết khiến viêm da có cơ hội “hoành hành”. Khi độ ẩm của không khí xuống thấp, khô da càng nặng, bệnh nhân thường rơi vào vòng “luẩn quẩn” viêm da, ngứa, chà sát (gãi), càng viêm, từ đó bệnh ngày càng nặng hơn. Chính vì vậy, để phòng viêm da, việc giữ ẩm cho da cần được chú trọng hơn cả nhất là trong thời tiết hanh, khô. “Lưu ý sử dụng loại sữa tắm có hàm lượng dưỡng, giữ ẩm cao. Sau tắm, bề mặt da thường mất nhiều độ ẩm nhất, do vậy nên bôi kem giữ ẩm ngay, trong vòng ba phút sau tắm, nhất là đối với vùng da tiếp xúc với môi trường. Nếu làm được như vậy sẽ đỡ ngứa, gãi, tránh dẫn đến viêm da, bội nhiễm”, BS. Doanh khuyến cáo.

Bệnh viêm da cơ địa được hình thành do rất nhiều nguyên nhân khác nhau bao gồm: Di truyền; Bệnh nhân mắc phải một số bệnh như hen, viêm mũi dị ứng…; Bụi bẩn, khói thuốc lá; Cơ thể bệnh nhân dị ứng với một số chất: Thức ăn, không khí, hóa chất; Nhiễm trùng da hoặc do thời tiết hanh khô, độ ẩm thấp.

Tuy nhiên, BS. Doanh cũng cho biết, hiện sản phẩm dưỡng ẩm da có nhiều loại lotion, kem, oilment, mỡ… nhưng cần hạn chế tối đa các sản phẩm có màu, mùi vì có thể gây dị ứng cho người vốn có cơ địa dị ứng. Riêng với dạng mỡ, do có độ bám dính lớn, dễ gây bít lỗ chân lông, khó chịu, nếu sử dụng cần được bác sĩ tư vấn.

Theo khuyến cáo của BS. Doanh, khi bệnh nhân có dấu hiệu của viêm da cơ địa nên đến cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám, hướng dẫn cách điều trị và chăm sóc da phù hợp, tránh để bệnh diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó, cũng cần tìm và loại trừ nguyên nhân gây bệnh hoặc làm bệnh nặng hơn. Ví như, bệnh nhân cần tránh tiếp xúc với các chất kích ứng da như: Xà phòng, chất sát khuẩn, hóa chất, khói thuốc lá, rượu bia... vì chúng có thể làm da bị khô hơn.

Hay cần loại trừ những loại thức ăn khiến bệnh nặng hơn; Vệ sinh sạch sẽ môi trường sống xung quanh… Với bệnh nhân mắc viêm da cơ địa không nên mặc quần áo quá chật, quần áo bằng vải nilon, len; Nên giặt sạch các quần áo mới trước khi mặc để loại bỏ chất formaldehyde và các hóa chất khác có thể gây kích ứng da.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Vũ Anh (Báo Giao thông)
Tin ngắn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN