Vì sao vừa ăn vừa xem tivi lại bị đau dạ dày?
Ăn quá nhanh, vừa ăn vừa xem ti vi, điện thoại khiến cho dạ dày phải làm việc quá mức, quá trình tiêu hoá không được lưu thông, lâu dần dẫn tới viêm loét dạ dày tá tràng.
Thói quen ăn nhanh, vừa ăn vừa xem tivi sẽ gây bệnh dạ dày.
TS.Nguyễn Thị Út, Khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, bệnh dạ dày thường gặp ở cả nam và nữ, lứa tuổi mắc bệnh nhiều bệnh là từ 40-49 tuổi. Tuy nhiên, các bác sĩ vẫn phát hiện nhiều trưởng hợp trẻ nhỏ đã bị bệnh dạ dày, thậm chí có trẻ 12 tháng tuổi đã được nội soi chẩn đoán có viêm dạ dày do Helicobacter pylori (H. pylori).
TS Út lý giải, do thói quen sinh hoạt, ăn uống chưa khoa học là một tác nhân làm trầm trọng thêm bệnh viêm loét dạ dày ở cả người lớn và trẻ em.
Ngoài ra, thói quen ăn vội vàng, bỏ bữa, ăn quá no, ăn đêm, vừa ăn vừa xem tivi hoặc đọc sách, truyện… khiến dạ dày phải làm việc quá mức. Quá trình tiêu hóa ở người bị viêm loét dạ dày bị rối loạn, thường là đầy bụng, khó tiêu. Quá trình tiêu hoá không được lưu thông, thức ăn bị ứ trệ khiến cho dạ dày phát tiết nhiều acid để tiêu hoá thức ăn, việc tiết dịch acid quá mức của dạ dày sẽ ăn mòn niêm mạc dạ dày, lâu dần đã tới viêm loét dạ dày tá tràng.
“Đây chính là những tác nhân làm trầm trọng thêm bệnh viêm dạ dày tá tràng”, bác sĩ Út nói.
Cũng theo TS Út, hiện nay nhiều người rất thích đồ uống có ga, các loại bánh kẹo, đồ ăn nhanh có nhiều hương vị khác nhau…sẽ làm ức chế sự tạo thành chất nhày bảo vệ dạ dày, kích thích dạ dày tăng tiết nhiều acid dịch vị làm tăng khả năng gây tổn thương niêm mạc dạ dày.
Gắp thức ăn mời người khác cũng là một thói quen nguy hại đối cho sức khỏe. Việc dùng chung đũa, muôi, nước chấm là một con đường lây lan các bệnh truyền nhiễm như cảm cúm, quai bị... Trong khoang miệng của mỗi người chứa gần 80 triệu vi khuẩn khác nhau trong đó có những vi khuẩn gây bệnh viêm gan, viêm loét dạ dày... có thể lây lan qua đường ăn uống chung.
TS Út cho biết, biểu hiện khi bị bệnh viêm, loét dạ dày tá tràng đó là đau bụng thất thường, có thể tự khỏi, đau lan toả hoặc quanh rốn là chính ở trẻ nhỏ. Ở trẻ lớn và người lớn thường đau vùng thượng vị. Nôn, buồn nôn, biếng ăn, ợ hơi, ợ chua, đầy bụng khó tiêu. Trong trường hợp nặng, trẻ có thể nôn ra máu hoặc đi ngoài phân đen thiếu máu.
Bác sĩ Út khuyến cáo khi có những biểu hiện trên cần đi khám để các bác sĩ chuyên khoa tiêu hoá xem và tư vấn làm chẩn đoán bằng nội soi dạ dày tá tràng có gây mê.
Ngoài ra, mọi người nên tránh ăn chung, uống chung với dụng cụ cốc, bát thìa với người bị bệnh do nhiễm vi khuẩn H. pylori; Không nhai, mớm, thổi thức ăn cho trẻ’; Vệ sinh môi trường, giữ nhà vệ sinh hợp qui cách; Ăn chín uống sôi; Rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn cũng như sau khi đai tiện; Tránh ngủ chung nhiều người trên một giường đặc biệt với những người đã biết có nhiễm H. pylori hoặc bị bệnh viêm loét dạ dày tá tràng.