Vì sao vẫn có người nguy kịch dù xét nghiệm âm tính với sốt xuất huyết?
Trên thực tế vẫn có trường hợp âm tính với sốt xuất huyết nếu xét nghiệm được thực hiện ngay trong ngày sốt đầu tiên.
Thời gian gần đây, trên mạng xã hội chia sẻ về một trường hợp bị sốt ngày thứ 5 và có kết quả âm tính với sốt xuất huyết, tiểu cầu giảm.
Đến ngày thứ 9, mặc dù bệnh nhân cho biết đã khỏe nhưng sau khi đánh răng, các chân răng ứa máu. Gia đình đưa ngay bệnh nhân vào viện. Kết quả xét nghiệm cho thấy, tiểu cầu hạ còn 9.
Bác sĩ chỉ định, bệnh nhân phải truyền tiểu cầu gấp nhưng bệnh viện lại không đủ tiểu cầu (tiểu cầu tách ra từ máu tươi, bệnh nhân nhóm máu AB lại rất hiếm).
Tiểu cầu của bệnh nhân xuống đến 3, bác sĩ biết bệnh nhân nguy kịch nhưng không làm gia đình hoảng. May mắn, nhờ nguồn tiểu cầu cộng đồng mạng, nỗ lực của bác sỹ, bệnh nhân đã giành được sự sống.
Nồng độ virus trong máu chưa cao
Lý giải tình trạng vì sao vẫn có người nguy kịch dù xét nghiệm âm tính với sốt xuất huyết, Ths.BS.Nguyễn Trung Cấp, Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cho biết, sau khi muỗi đốt, truyền virus Dengue. Virus xâm nhập vào tế bào đuôi gai ở dưới da, vào máu và nhân lên trong các tế bào đích trong máu. Khi nồng độ virus trong máu đến ngưỡng nhất định sẽ gây sốt.
Ths.BS.Nguyễn Trung Cấp, Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương
Trong virus có một loạt các kháng nguyên NS1, NS2, NS3, NS4, NS5, nên người ta phát triển các xét nghiệm để nhận dạng chúng. Trong thực tế thường dùng test kit phát hiện NS1.
“Khi nồng độ virus trong máu chưa đủ cao thì xét nghiệm vẫn âm tính với sốt xuất huyết”, bác sĩ Cấp cho hay.
Trên thực tế, vẫn có trường hợp âm tính với sốt xuất huyết nếu xét nghiệm được thực hiện ngay trong ngày sốt đầu tiên. Thời điểm đó, nồng độ virus trong máu nhân lên chưa cao.
Thống kê chung cho thấy, với các test kit NS1, độ nhạy thường đạt khoảng 98%, tức là vẫn có khoảng 2% số ca bị sốt dengue mà xét nghiệm NS1 vẫn âm tính.
Sau 2-3 ngày, virus nhân lên trong máu, cơ thể bắt đầu sinh các kháng thể để chống lại. Người ta cũng phát triển các test kit để nhận dạng các kháng thể này.
Lượng kháng thể ban đầu sinh ra trung hòa với virus nên những ngày thứ 4,5 của bệnh lượng kháng thể dư thừa trong máu thấp đồng thời với nồng độ virus đã giảm xuống nên khi đó có thể cả xét nghiệm kháng nguyên NS1 và kháng thể đều âm tính.
Sốt từ cuối ngày thứ 3 đến hết ngày thứ 6 là nguy hiểm nhất
BS Cấp cho biết, từ ngày thứ 7 trở đi, trong máu hầu như không còn virus nên kháng thể cơ thể sinh ra được dư thừa, làm nồng độ kháng thể trong máu tăng cao. Khi đó, các xét nghiệm kháng thể sẽ dương tính.
Quá trình virus nhân lên và kết hợp kháng nguyên kháng thể để trung hòa virus làm khởi phát một loạt hậu quả. Hậu quả đầu tiên là làm tăng tính thấm thành mạch, gây thoát dịch, nếu nặng có thể dẫn đến sốc.
Hậu quả thường gặp thứ 2 là gây phá vỡ tế bào tiểu cầu trong máu. Đây là thành phần quan trọng giúp cầm máu và đông máu nên khi tiểu cầu trong máu quá thấp thì bệnh nhân có thể xuất hiện các chảy máu tự nhiên như chảy máu cam, chảy máu chân răng, kinh nguyệt bất thường.
Nếu tiểu cầu quá hạ có thể dẫn đến chảy máu nội tạng nguy hiểm. Thông thường giai đoạn nguy hiểm này xảy ra vào khoảng thời gian từ cuối ngày thứ 3 đến hết ngày thứ 6 của bệnh.
Một số bệnh nhân tiểu cầu máu bị phá vỡ quá nhiều thì phải mất nhiều thời gian hơn để cơ thể sinh ra tiểu cầu thay thế nên tiểu cầu máu có thể vẫn còn thấp tận đến ngày thứ 7-9.
BS Cấp khuyến cáo, với bệnh nhân sốt xuất huyết, trong vòng 3 ngày đầu có thể làm xét nghiệm NS1 để xác định bệnh. Nên lưu ý, nếu làm vào ngày thứ 2-3 cơ hội xét nghiệm dương tính cao hơn so với việc vừa sốt đã làm xét nghiệm ngay.
Từ ngày thứ 7 trở đi có thể làm xét nghiệm kháng thể. Ngày thứ 4-5 có thể cả xét nghiệm NS1 và kháng thể IgG, IgM đều âm tính nên dù xét nghiệm âm tính vẫn không loại trừ được sốt XH.
Trong giai đoạn từ ngày thứ 4-6 nên xét nghiệm công thức máu hàng ngày để phát hiện sớm các biến chứng như cô đặ máu và hạ tiểu cầu.
Nếu xét nghiệm và ngày thứ 6 mà các xét nghiệm bất thường này vẫn có xu hướng xấu đi thì vẫn cần theo dõi xét nghiệm tiếp vào những ngày sau đó cho đến khi các chỉ số xét nghiệm hồi phục về trên ngưỡng an toàn.
Các xét nghiệm chỉ là một trong số các nguồn thông tin (như hỏi bệnh, thăm khám, xét nghiệm, theo dõi diễn tiến) để giúp thầy thuốc đưa ra chẩn đoán. Không có xét nghiệm nào có thể thay thế được tư duy chẩn đoán của thầy thuốc. Người bệnh không nên tự chẩn đoán dựa vào kết quả xét nghiệm mà cần tuân thủ chẩn đoán, hướng dẫn theo dõi, điều trị của thầy thuốc. |
Theo Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, sốt xuất huyết là bệnh do vi rút gây nên và bệnh lây qua đường máu bằng muỗi đốt,...