Vì sao ung thư phổi là 1 trong 3 dạng ung thư đáng sợ nhất?

Ung thư phế quản hay ung thư phổi là bệnh lý ác tính phát triển từ biểu mô phế quản, tiêu phế quản, tiểu phế quản, phế nang hoặc từ các tuyến của phế quản.

Vì sao ung thư phổi là 1 trong 3 dạng ung thư đáng sợ nhất? - 1

Ung thư phổi còn là căn bệnh khó trong điều trị ung thư

Phát hiện bệnh muộn vì không có dấu hiệu báo trước

Không có biểu hiện hay dấu hiệu gì báo trước nên hầu như những bệnh nhân bị ung thư phổi đều phát hiện khi giai đoạn bệnh đã nặng.

Mới đây, bệnh nhân Đ.T.H.T. 25 tuổi Hà Tĩnh không may mắc ung thư phổi khi mang thai. Các bác sĩ cho biết T. có thể bị ung thư phổi từ trước khi cô có thai và khi có thai hệ miễn dịch suy giảm chính là thời điểm mà bệnh phát triển mạnh nhất dẫn đến di căn hạch và gan nhanh chóng. 

Với các bác sĩ chuyên ngành ung thư, ung thư phổi vẫn còn nhiều nan giải. Cũng giống bất cứ bệnh ung thư nào, việc phát hiện sớm và điều trị bệnh rất quan trọng, quyết định tiên lượng của bệnh.

Tại Bệnh viện Bạch Mai, Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu đã điều trị thành công cho nhiều bệnh nhân ung thư phổi có di căn.

Ví dụ trường hợp nhân là ông Lê N. V., 70 tuổi, nhập viện với lý do đau đầu, mất thăng bằng. Trước khi nhập viện khoảng 1 tháng, bệnh nhân đã được chẩn đoán xác định là ung thư thùy trên phổi phải loại mô bệnh học là biểu mô tuyến không vảy, không tế bào nhỏ.

Sau khi hội chẩn, các bác sĩ đã quyết định điều trị tổn thương di căn trên não bằng phương pháp xạ phẫu dao gamma quay liều 18Gy và điều trị toàn thân phác đồ 6 chu kỳ hóa chất trong 21 ngày. Kết hợp nâng cao thể trạng, chống phù não, giảm đau, an thần… cho bệnh nhân.

Kết quả sau điều trị, tình trạng bệnh nhân cải thiện tốt, sinh hoạt bình thường, đi được xe máy, tăng cân, ăn ngon miệng. 

Tiên lượng bệnh còn dè dặt

Giáo sư Mai Trọng Khoa- Giám đốc Trung tâm Y học Hạt nhân và Ung bướu Bệnh viện Bạch Mai – Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, ung thư nói chung và ung thư phổi nói riêng tại Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng. Theo kết quả nghiên cứu Globocan 2008, tại Việt Nam có 20,66 nghìn người mới mắc, đứng thứ 2 trong các bệnh ung thư và 17,58 nghìn người chết, cũng đứng thứ 2 trong các bệnh ung thư.

Biểu hiện lâm sàng của bệnh đa dạng, không đặc hiệu như ho, tức ngực, khó thở… Chỉ có thể chấn đoán dựa vào mô bệnh học, xét nghiệm tổ chức u. Tuy nhiên, bệnh nhân thường khám ở giai đoạn muộn. 

Nguyên nhân dẫn đến ung thư phổi vẫn chưa rõ ràng, tuy nhiên, người ta nhìn thấy những mối liên quan giữa các yếu tố sau đây đối với bệnh lý ác tính này:

Thuốc lá: Là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư phổi, tỷ lệ ung thư phổi tăng lên theo mức độ tiêu thụ thuốc lá; số năm hút thuốc và số lượng hút thuốc mỗi ngày. 90 % bệnh nhân ung thư phổi ở người nghiện thuốc lá. Trong khói thuốc lá có hơn 40 chất có khả năng gây ung thư, đó là Hydrocarbure, Polonium 40 và Sélénium trong giấy cuốn thuốc lá. Hút thuốc lá chủ động làm tăng nguy cơ ung thư phổi 13 lần.

Ngoài ra, còn các nguyên nhân ô nhiễm không khí do hơi đốt ở gia đình, xí nghiệp, hơi xả ra từ các động cơ, công nghiệp nhựa, khí đốt... 

Nam giới mắc ung thư phổi nhiều hơn nữ giới, tuy nhiên điều này có lẽ do nam giới hút thuốc nhiều hơn nữ. Ở các nước có tỷ lệ nữ hút thuốc tăng, người ta cũng nhận thấy tỷ lệ ung thư phổi ở nữ giới gia tăng theo. Tuổi thường gặp nhiều nhất ở tuổi 40 – 60 tuổi, dưới 40 tuổi ít gặp và trên 70 tuổi tỷ lệ cũng thấp.

Địa dư: Ở các nước công nghiệp phát triển, ung thư phổi rất thường gặp. Ở thành thị bị nhiều gấp 5 lần ở nông thôn.

Giáo sư Khoa nhấn mạnh ung thư phổi hiện nay vẫn là bệnh lý ác tính, mặc dù đã có nhiều tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị, tuy nhiên tiên lượng vẫn còn dè dặt. Tiền sử bệnh tật, thể trạng, loại mô học ung thư phổi, giai đoạn, phương pháp và phản ứng với điều trị là các tác nhân đóng vai trò tiên lượng trong bệnh lý ác tính này. Phòng bệnh chỉ có cách không hút thuốc, chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt điều độ. Đặc biệt, mỗi người cần có thói quen thăm khám sức khoẻ định kỳ, đặc biệt là khi thấy dấu hiệu ho kéo dài, đau ngực.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Khánh Ngọc (Infonet)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN