Vì sao trẻ có thể chết đuối trong bồn tắm chỉ trong giây lát?

Nhiều cha mẹ không biết rằng, chỉ ngần ấy thời gian (lấy chiếc khăn tắm bị quên…) cũng đủ để tai họa ập đến, cướp đi tính mạng của trẻ.

Sự việc bé gái 8 tuổi ở Hà Nội vừa qua bị đuối nước ngay trong bồn tắm ở trong nhà khiến nhiều người giật mình.

Nhiều ông bố bà mẹ hết sức ngạc nhiên khi thấy sự cố xảy ra nhanh bất ngờ, chỉ trong chớp nhoáng. “Tôi chỉ rời bồn tắm trong chốc lát” là những gì họ thường thốt lên sau khi bất hạnh xảy ra.

BS Trần Thu Thủy, Bệnh viện Nhi Trung ương cảnh báo, nhiều cha mẹ không biết rằng, chỉ ngần ấy thời gian (lấy chiếc khăn tắm bị quên, trả lời điện thoại,…) là đủ để tai họa ập đến, cướp đi tính mạng của trẻ.

Theo bác sĩ Thủy, thời gian ước tính mà một đứa trẻ bị đuối nước được phát hiện thường là dưới 5 phút. Đuối nước xảy ra rất nhanh, trẻ mất ý thức trong vòng 2 phút hoặc ít hơn.

Đuối nước là tình huống đường thở của trẻ bị chìm trong nước, khiến trẻ không thể thở. Kết quả có thể khiến tử vong hoặc không tử vong. Đuối nước thường xuất hiện tại các môi trường quen thuộc (ví dụ bồn tắm, hồ nước trong vườn, bể bơi, sông hồ, bờ biển…) khi thiếu vắng sự giám sát của người lớn.

Một nhầm lẫn thường gặp nữa là quan điểm cho rằng nạn nhân phải kêu cứu và vẫy vùng mạnh trước khi đuối nước. Thực tế không phải như vậy. Đuối nước là kẻ giết người thầm lặng.

“Khi không thể thở, con bạn sẽ không thể khóc hay kêu cứu”, bác sĩ Thủy nói.

Trong các trường hợp đuối nước tại bể bơi, không phụ huynh nào thông báo có nghe tiếng vẫy vùng đập nước của trẻ, kể cả khi cha mẹ ở ngay trên bờ.

Theo phản xạ, trẻ đuối nước thường dùng cánh tay ép xuống nước và tìm cách ngẩng mặt lên cao để thở, do đó trẻ không thể giơ tay lên khỏi mặt nước để làm dấu hiệu cầu cứu.

Nếu không được giám sát, tai họa có thể xảy ra ngay tại bồn tắm, khi trẻ bị chuệnh choạng, mất thăng bằng vì sàn trơn hay do bé với tay lấy đồ chơi trong nước. Trẻ nhỏ, với phần trên nặng hơn phần dưới, thường ngã chúi đầu xuống trước. Cơ thể chưa đủ khỏe sẽ cản trở bé nâng được đầu lên khỏi mặt nước.

Tình trạng đuối nước ở trẻ nhỏ xuất hiện nhiều nhất khi phụ huynh rời con. Cũng tương tự như với bể bơi, cha mẹ nên giám sát trẻ liên tục khi ở bồn tắm, chậu tắm.

“Đừng bao giờ để trẻ ngồi ở đó một mình, kể cả lượng nước trong bồn rất nhỏ. Cũng đừng bao giờ để trẻ nhỏ một mình khi ở gần các vật dụng chứa nước, kể cả nếu đó là những thứ tưởng như vô hại như bồn vệ sinh, bể cá, xô chậu chứa nước…”, bác sĩ Thủy cảnh báo.

Vì sao trẻ có thể chết đuối trong bồn tắm chỉ trong giây lát? - 1

Để giữ an toàn cho trẻ, tránh tai nạn đuối nước tại buồng tắm, cha mẹ nên sử dụng cơ chế bảo vệ nhiều tầng:

– Tránh tắm cho bé vào lúc vội.

– Dành toàn bộ sự chú ý cho con khi bé đang ở trong nước. Đừng tranh thủ làm thêm các việc khác khi tắm cho trẻ. Hãy tắt bếp, tivi, điện thoại hay bất kỳ thứ gì có thể kéo bạn ra xa khu vực bé đang tắm, thậm chí là chỉ trong vài giây.

– Chuẩn bị sẵn sàng mọi dụng cụ trước khi tắm cho bé. Lập danh sách tất cả các vật dụng cần thiết, thu gom các đồ vật này và để chúng trong tầm với của bạn trước khi xả nước vào bồn hay chậu tắm.

– Luôn ở trong tầm với của trẻ đang tắm vào mọi lúc. Nếu bạn cần rời chỗ bé tắm, hãy đưa bé ra khỏi bồn nước, quấn khăn cho bé và mang bé theo mình.

– Trẻ nhỏ dưới 2 tuổi nặng ở phần trên và có thể ngã lộn đầu vào xô chậu có nước, gây đuối nước. Vì vậy, ngay khi trẻ tắm xong, cần tháo nước khỏi bồn, đổ hết nước trong xô chậu tắm và cất vào chậu nơi trẻ không thể với tới. Không để xô chậu ngoài trời, nơi có thể hứng nước mưa.

– Học cách hồi sức tim phổi, kỹ thuật này có thể cứu sống trẻ khi mạng sống được tính trong từng giây.

Theo các chuyên gia, khi trẻ được 4 tuổi, bạn có thể cho phép mình tạm rời bé trong chốc lạt để chạy tới chạy lui bên trong phòng tắm. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
1001 câu hỏi vì sao Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN