Vì sao thực phẩm chức năng giả vẫn đến tay người dùng?

Trong số hơn 10.000 sản phẩm thực phẩm chức năng đang lưu thông, chỉ có khoảng 50-60% “sống" được, còn lại sẽ bị người tiêu dùng loại bỏ.

8 tháng đầu năm 2015, lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý trên 2.000 vụ vi phạm về thực phẩm chức năng. Đặc biệt, hàng chục tấn thực phẩm chức năng giả, kém chất lượng bị thu giữ.

Vì sao thực phẩm chức năng giả vẫn đến tay người dùng? - 1

Thực phẩm chức năng giả bị thu giữ. (Ảnh: Xuân Lực)

Tại buổi Tọa đàm trực tuyến: “Thực phẩm chức năng dưới góc nhìn hàng giả” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 14.9, phóng viên có cuộc trao đổi bên lề với ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế.

Thưa ông, là cơ quan quản lý về thực phẩm chức năng, ông lý giải như thế nào về số vụ vi phạm thực phẩm chức năng giả bị thu giữ trong thời gian qua (2000 vụ)?

Sở dĩ thực phẩm chức năng bị làm giả nhiều như thời gian qua là do nhu cầu tiêu dùng thực phẩm chức năng của người dân tăng cao. Do đó, các đối tượng không loại bỏ âm mưu thủ đoạn nào để mang lại lợi nhuận. Bất kể hàng hóa nào có nhu cầu lớn, các đối tượng cũng lợi dụng, mong muốn gian lận.

Vì sao thực phẩm chức năng giả vẫn đến tay người dùng? - 2

Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP, Bộ Y tế

Theo thống kê, hiện nay có 10.000 sản phẩm thực phẩm chức năng đang lưu hành trên thị trường. Vậy, trong số này có bao nhiêu phần trăm đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, thưa ông?

Bất kỳ thực phẩm chức năng nào khi công bố và được phép lưu thông trên thị trường đều đảm bảo chất lượng (trừ sản phẩm bị làm giả). Tuy nhiên, cá nhân tôi cho rằng, trong số hơn 10.000 sản phẩm thực phẩm chức năng đang lưu thông khoảng 50-60% trong số đó là "sống" được, tức là được người tiêu dùng chấp nhận, còn lại là "tự diệt" vì không được người tiêu dùng ưa chuộng.

Nhiều ý kiến cho rằng, sở dĩ  thực phẩm chức năng có nhiều hàng giả như thời gian qua do cơ quan quản lý chưa có quy định riêng về điều kiện sản xuất? Ông nghĩ sao về điều này?

Trong sản xuất thực phẩm chức năng, cơ quan quản lý mới quy định 3 yếu tố về điều kiện cơ sở vật chất, điều kiện con người và trang thiết bị kỹ thuật. Đây là hạn chế không riêng gì của Việt Nam mà trên thế giới cũng vậy. Hiện chưa có nước nào có quy định riêng về sản xuất thực phẩm chức năng, chỉ có hướng dẫn áp dụng GMP (thực hành sản xuất tốt) trong sản xuất thực phẩm chức năng. Do đó, Bộ Y tế đang làm việc với các cơ quan liên quan để ban hành quy chuẩn.

Vậy, vai trò kiểm soát của cơ quan quản lý về thực phẩm chức năng đến đâu trong khi thị trường lại nhiều sản phẩm giả như vậy, thưa ông?

Trước khi đưa ra thị trường, ngoài làm thủ tục công bố, chứng minh tác dụng, tính an toàn, hiệu quả… thì sản phẩm đó phải mang đi kiểm nghiệm tất cả các tiêu chí cơ bản đã công bố và khẳng định rằng, kết quả đó được kiểm nghiệm tại phòng kiểm nghiệm đã được chứng nhận, kết quả phù hợp với nội dùng công bố. Khi đó, sản phẩm mới được phép lưu hành.

Về hậu kiểm, bản thân doanh nghiệp định kỳ phải gửi mẫu sản xuất tới phòng kiểm nghiệm để kiểm nghiệm chỉ tiêu công bố và lưu lại kết quả kiểm nghiệm đó. Nếu không đảm bảo, doanh nghiệp phải thu hồi, điều chỉnh.

Về phía cơ quan quản lý, hằng tháng có kế hoạch hậu kiểm từng nội dung cụ thể, có thể tổ chức đoàn thanh tra đến lấy mẫu bất kỳ, lấy mẫu sản phẩm lưu hành trên thị trường để kiểm nghiệm... Nếu phát hiện chất lượng sản phẩm đang lưu hành không đảm bảo như công bố, sẽ xử lý theo pháp luật.

Có ý kiến cho rằng, giá thực phẩm chức năng cao khiến doanh nghiệp làm giả. Hơn nữa, doanh nghiệp quảng cáo sản phẩm không đúng sự thật khiến họ tin mua nhưng chất lượng không như lời quảng cáo. Theo ông, phải làm sao để hạn chế tình trạng này?

Trong số những vi phạm về thực phẩm chức năng  thời gian qua mà cơ quan quản lý phát hiện được, vi phạm về quảng cáo chiếm tỷ lệ cao nhất. Có những thời điểm, hơn 53% số lượng doanh nghiệp vi phạm liên quan tới quảng cáo (như quảng cáo khi chưa có thẩm định của cơ quan y tế, quảng cáo quá nội dung được phê duyệt).

Để xảy ra tình trạng này, tôi thừa nhận có trách nhiệm của ngành y tế khi công tác thanh, kiểm tra chưa triệt để. Do vậy, thời gian tới Cục An toàn thực phẩm cam kết sẽ xử lý nghiêm với hành vi vi phạm như phạt tiền, rút giấy phép, công khai sai phạm trên phương tiện thông tin đại chúng…

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thu (thực hiện) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN