Vì sao nhiều người "vô tư" tắm nước lạnh buốt mà không ốm?

Những người tập được thói quen tắm nước lạnh mùa đông không nhiều, và họ cần phải tập luyện rất lâu để thích nghi. Khi đã tắm quen thì sẽ giúp cơ thể miễn dịch, sức khoẻ dẻo dai…

Một ông bố ở Trung Quốc cho con trai tắm dưới dòng sông Lưu Dương giữa tiết trời lạnh giá làm cư dân mạng bàn tán sôi nổi. Nhiều ý kiến cho rằng, tắm nước lạnh mùa đông sẽ đẩy mạnh hệ thống tuần hoàn, bởi nước lạnh làm co các mạch dưới da và đẩy máu đến các cơ quan trong cơ thể, cải thiện lưu thông máu, thải độc tố, làm tim hoạt động hiệu quả hơn... Liệu các bác sĩ có đồng ý với cách tắm này?

Thích tắm nước lạnh.

Lý do là ông bố ở Trung Quốc cho con trai tắm dưới dòng nước sông Lưu Dương giữa tiết trời lạnh giá là muốn cho con đi bơi mùa đông để nâng cao thể lực, và chính ông cũng bắt đầu bơi mùa đông từ 1 năm trước. Kiểu bơi mùa đông khác lạ này đã dấy lên nhiều cuộc tranh luận trên các diễn đàn làm cha mẹ ở cả Trung Quốc và Việt Nam, bởi thời tiết giá lạnh thế này người lớn cũng ngại rửa mặt bằng nước lạnh.

Vì sao nhiều người "vô tư" tắm nước lạnh buốt mà không ốm? - 1

Hai bố con bơi giữa mùa đông buốt giá.

Ở Việt Nam một số người chia sẻ rằng đã bắt đầu tắm nước lạnh mùa đông từ lâu, nhưng chưa thấy xuất hiện biến chứng hay dấu hiệu nguy hiểm nào.

Ông Nguyễn Văn Nhật (72 tuổi ở TP Vinh, Nghệ An) bật mí từ khi cắt khối u ở cổ, bác sĩ khuyên tắm rửa bằng nước ấm thì ông thấy rất mệt. Sau đó ông tắm nước lạnh thì khoẻ hẳn, vết mổ nhanh lành, giờ vẫn khoẻ mạnh, minh mẫn. Ngày đông lạnh giá mọi người dùng nước ấm thì ông vẫn dùng nước lạnh. Có lần ông bị ốm, mọi người khuyên ông nên tắm nước nóng. Nhưng tắm nước nóng ông lại ốm thêm, đến khi tắm nước lạnh thì ông đỡ ốm ngay.

Chị Vũ Thu Trang (23 tuổi, Mai Động, Hà Nội) đã duy trì thói quen tắm gội bằng nước lạnh mùa đông từ nhiều năm nay, và vẫn thấy mát như đang tắm giữa mùa hè, cơ thể khoẻ, da dẻ mịn màng, mềm mại hơn... Tuy tắm nước lạnh nhiều và lâu vào mùa đông như thế, nhưng chưa bao giờ chị bị ốm, cảm vì lạnh.

Vì sao nhiều người "vô tư" tắm nước lạnh buốt mà không ốm? - 2

Rất nguy hiểm nếu không kiểm soát được

PGS - TS Nguyễn Tiến Dũng (Trưởng khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai) bày tỏ quan điểm về việc cho trẻ tắm nước lạnh của ông bố ở Trung Quốc: “Đó là việc làm của một người, không có căn cứ hay cơ sở khoa học nào nói việc tắm nước lạnh giữa mùa đông giá rét như vậy là tăng cường sức đề kháng cho trẻ". Ông khuyên các phụ huynh tuyệt đối không được làm theo như vậy, bởi cơ thể của trẻ còn yếu, tắm nước lạnh như vậy sẽ dẫn đến viêm phổi, viêm hô hấp, sốt… thậm chí có thể tử vong. Cho nên không được áp dụng tăng cường sức khỏe cho trẻ theo cách đó.

Theo Th.BS Võ Tường Kha (Bệnh viện Y học thể thao Việt Nam), những người tập được thói quen tắm nước lạnh mùa đông không nhiều, và họ cần phải tập luyện rất lâu để thích nghi. Khi đã tắm quen thì sẽ giúp cơ thể miễn dịch, sức khoẻ dẻo dai… Nhưng thói quen này rất nguy hiểm nếu không kiểm soát được cơ thể. Bởi vì khi khoẻ tắm sẽ không sao, khi yếu sẽ có nguy cơ tai biến co thắt mạch máu não và tim dẫn đến đột qu.

Các chuyên gia y tế cũng cho rằng, những người rèn luyện được thói quen tắm nước lạnh vào mùa đông không hiếm, nhưng họ đều là người có sức khoẻ tốt, biết luyện tập để cân bằng với môi trường nước lạnh. Nếu luyện được tắm nước lạnh vào mùa đông sẽ giúp cơ thể hoà đồng được với cái lạnh, ít bị cảm lạnh, sức đề kháng mạnh lên... Nhưng trước khi tắm nên tập thể dục, khởi động cơ thể để tránh bị lạnh đột ngột, chống co mạch...

Vì sao nhiều người "vô tư" tắm nước lạnh buốt mà không ốm? - 3

Vài kinh nghiệm tắm nước lạnh

Ông Nhật chia sẻ cách tắm nước lạnh mùa đông: Sáng ngủ dậy mặc quần áo ấm mỏng và tập luôn bài thể dục vận động cơ thể. Trước khi tắm nước lạnh cần xoa ngực và mặt vài lần giúp cơ thể ấm lên. Xoa xong cơ thể là múc gầu nước dội từ đầu xuống chân.

Chị Trang tắm nước lạnh đơn giản như tắm nước ấm: Đổ nước ra chậu, sau đó dội từ dưới chân lên dần trên người. Khi tắm xong lau khô, mặc quần áo ấm rồi mới ra ngoài.

Một số cư dân mạng cho rằng, tắm nước lạnh bắt đầu bằng nước hơi ấm và sau đó chuyển dần sang nước lạnh. Nhưng khó khăn nhất của kiểu tắm này là khoảnh khắc đầu tiên khi đón những tia nước lạnh xối vào cơ thể. Và họ chia sẻ với nhau cách tắm nước lạnh mùa đông:

1 - Đầu tiên làm ấm cơ thể bằng việc tăng sự lưu thông, tuần hoàn máu thông thường:

-Khi chưa cởi quần áo có thể tập thể dục, yoga, võ thuật, chạy... giúp người nóng lên.

-Giai đoạn “nude” chủ yếu là xoa bóp. Có người chia sẻ là dấp chút nước lạnh vào tay, xoa đều lòng bàn tay và mu bàn tay cho thật ấm rồi lên đến cánh tay, vai, gáy, xuống lưng, ngực, bụng, đùi, đầu gối, bắp chân, gót. Giai đoạn khoảng 5 phút.

Người sức khỏe yếu có thể dùng liệu pháp dân gian, dùng nước tiểu thay nước lạnh để trị cảm mạo

2 - Dội nước vào lòng bàn chân khoảng nửa phút, rồi lên dần bắp chân, đầu gối thì dừng. Xả nước từ từ lên đầu, xuống gáy, hai vai, lưng bụng, cuối cùng mới là đùi và bẹn. Lúc này cái lạnh bắt đầu thấm dần vào gáy, thoa dầu gội đầu gội thành bọt rồi xoa thật mạnh xuống gáy và cơ thể. Sau đó có thể dội nước.

3 - Xả nước

Lúc này cơ thể đã quen hoàn toàn với nước lạnh, có thể kì cọ hay làm bất cứ gì cũng được. Lưu ý là không nên tắm lạnh quá 20 - 30 phút để tránh hại cho khớp.

4 - Sau khi tắm

Tắm xong mặc quần áo thật ấm, đặc biệt giữ gìn đôi chân và không nên ra ngoài ngay để tránh sốc nhiệt, dễ bị cảm.

Các bác sĩ cho rằng, tất cả những chia sẻ trên chưa có kiểm chứng khoa học, người yếu không nên rèn luyện để có thói quen này.

Nhiều ý kiến chia sẻ trên mạng cho rằng, tắm nước lạnh sẽ đẩy mạnh hệ thống tuần hoàn, bởi nước lạnh thấm vào da, nó làm co các mạch dưới da và đẩy máu đến các cơ quan bên trong, giúp cải thiện lưu thông máu, đẩy độc tố ra khỏi cơ thể, làm tim hoạt động hiệu quả hơn.

Có ý kiến cho là tắm nước lạnh giúp chữa một số vấn đề về xoang và hô hấp. Thậm chí còn kể sau 2 ngày tắm nước lạnh đã dứt hẳn chứng tắc mũi và khò khè ở cổ họng mà họ mắc từ nhỏ.

Tắm nước lạnh còn giúp họ cảm thấy cân bằng hệ thần kinh làm cơ thể tỉnh táo, giảm căng thẳng, ngừa trầm cảm, cải thiện sức khỏe nói chung. Một số ý kiến nêu rõ: Tắm luân phiên giữa nước nóng và nước lạnh sẽ giúp duy trì lưu thông các cơ quan trong cơ thể và trên da.

Nhưng tất cả những lợi ích trên đều chưa có kiểm chứng.  

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trà Giang (Giadinh.net)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN