Vì sao nhiều người mua kit test nhanh COVID-19 với giá đắt đỏ nhưng kết quả không chính xác?
Theo các chuyên gia, việc mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng hoặc sử dụng sai thời điểm, sai quy trình lấy mẫu sẽ khiến việc test nhanh COVID-19 tại nhà đem lại kết quả không chính xác.
Ngày 28/12/2021, Bộ Y tế đã có công văn cho phép các địa phương, đơn vị dùng kết quả test nhanh kháng nguyên để xác định ca mắc COVID-19. Theo đó, ca bệnh nghi ngờ nếu có kết quả test nhanh dương tính với SARS-CoV-2 được coi là ca bệnh COVID-19.
Điều kiện cho việc khẳng định này là test nhanh do Bộ Y tế cấp phép; việc test do nhân viên y tế thực hiện hoặc người nghi nhiễm thực hiện dưới sự giám sát của nhân viên y tế bằng ít nhất một trong các hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp qua các phương tiện từ xa.
Ảnh minh hoạ
Đến nay, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, nhu cầu sử dụng kit test nhanh của người dân ngày càng tăng cao. Do đó, trên thị trường, các loại kit test với nguồn gốc xuất xứ đang được rao bán với nhiều mức giá khác nhau.
Thậm chí, gần đây, xuất hiện tình trạng khan hàng, thổi giá các loại kit test nhanh khiều người đã phải ngậm ngùi chấp nhận "đau ví" để mua về sử dụng cho bản thân và gia đình.
Tuy nhiên, mặc dù mua kit test với giá đắt đỏ nhưng các chuyên gia khuyến cáo, kit test sẽ trở nên lãng phí, không cho kết quả chính xác nếu người dùng mắc phải các lỗi sau:
Mua phải hàng trôi nổi, chưa được kiểm định về chất lượng
Mới đây, Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) đã thu giữ 85.000 test nhanh COVID nhập lậu từ Hàn Quốc về Sân bay Nội Bài. Trong khi đó, pháp luật quy định đây là mặt hàng nhập khẩu có điều kiện, phải có giấy phép của Bộ Y tế.
Theo ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc CDC Hà Nội, để có kết quả test nhanh chính xác, trước hết, cần lựa chọn mua đúng loại test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 đã được Bộ Y tế cấp phép.
Ông Nguyễn Minh Lợi, Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế, Bộ Y tế cho biết, tính đến ngày 23/2/2022, Bộ Y tế đã cấp phép 169 trang thiết bị y tế, sinh phẩm chẩn đoán in vitro xét nghiệm SARS-CoV-2, có 14 sản phẩm sản xuất trong nước và 155 sản phẩm nhập khẩu (gồm 56 sản phẩm xét nghiệm vật liệu di truyền, 83 sản phẩm xét nghiệm kháng nguyên SARS-CoV-2 và 30 sản phẩm xét nghiệm kháng thể kháng SARS-CoV-2).
Các trang thiết bị y tế, sinh phẩm chẩn đoán in vitro xét nghiệm SARS-CoV-2 là các trang thiết bị y tế loại C, D nên khi lưu hành trên thị trường phải được cấp số lưu hành hoặc giấy phép nhập khẩu theo quy định; các cơ sở kinh doanh loại sản phẩm này phải công bố đủ điều kiện mua bán trang thiết bị tế loại C, D theo quy định của Nghị định số 98/2021/NĐ-CP ngày 08/11/2021 của Chính phủ về quản lý trang thiết bị y tế.
Theo đó, nếu người dân mua phải những loại test trôi nổi, chưa được Bộ Y tế cấp phép, chưa được kiểm định về chất lượng sẽ dẫn đến nguy cơ kết quả test nhanh không chính xác.
Người dân khi test ra kết quả âm tính sẽ mất cảnh giác, đi nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người, trong khi kết quả đó có thể là dương tính nên nguy cơ phát tán và lây lan dịch bệnh ra cộng đồng rất cao. Ngược lại kết quả test cho dương tính giả sẽ gây tâm lý hoang mang, lo lắng, ảnh hưởng tới sức khoẻ.
Thời điểm test nhanh chưa hợp lý
Ngoài việc mua phải hàng kém chất lượng, thời điểm test nhanh chưa hợp lý cũng sẽ ảnh hưởng đến kết quả của test nhanh. Theo đó, thời điểm xét nghiệm để có kết quả chính xác tùy thuộc vào việc người đó đã tiêm vaccine hay chưa.
Các chuyên gia cho biết, các trường hợp sau khi tiếp xúc với mầm bệnh nếu đã tiêm vaccine thì cần tiến hành test nhanh hoặc làm xét nghiệm PCR trong khoảng 5-7 ngày, trường hợp chưa tiêm vaccine thì thời gian sớm nhất có thể cho ra kết quả dương tính là từ 24 đến 48 giờ.
Các chuyên gia cho rằng sở dĩ cần khoảng thời gian này là vì virus SARS-CoV-2 khi xâm nhập vào cơ thể sẽ cần thời gian để sinh sôi và phát triển đến mức mà các xét nghiệm có thể phát hiện.
Việc nôn nóng test nhanh luôn khi vừa tiếp xúc mầm bệnh có thể vừa gây lãng phí kit test vừa cho ra kết quả chưa chính xác. Vì kể cả nếu test nhanh lên âm tính thì vẫn có khả năng cơ thể đang ủ bệnh hoặc tải lượng virus còn thấp, test nhanh không tìm thấy. Sau 2-3 ngày tiếp xúc mầm bệnh, việc test sẽ cho kết quả chính xác hơn.
Sử dụng sai hướng dẫn
Theo các chuyên gia, sau khi lựa chọn các loại test nhanh được cấp phép lưu hành, người dân cần tuân thủ các bước theo đúng hướng dẫn kèm theo bộ test để cho kết quả chính xác. Tuy nhiên, nhiều người không đọc kỹ hướng dẫn đã thực hiện dẫn đến kết quả có nguy cơ bị sai lệch.
Chẳng hạn, nhiều người bóc các thành phần trong bộ kit test nhưng do khó khăn trong việc lấy mẫu nên để chúng quá lâu ở ngoài. Trong khi đó, các chuyên gia khuyến cáo, bộ sinh phẩm bị nhiễm ẩm có thể làm giảm độ ổn định của chất thử. Vì vậy, người dân cần sử dụng ngay khi mở khay thử ra khỏi giấy bạc để đem lại hiệu quả tối ưu nhất.
Cùng với đó, nhiều người chưa thực hiện đúng quy trình lấy mẫu chuẩn cũng dẫn đến kết quả bị sai. Ví dụ, trong quá trình lấy mẫu, nhiều người đưa tăm bông không đến được vị trí cần đến. Khi lấy dịch tỵ hầu thì tăm bông phải đến được thành sau của dịch tỵ hầu. Nếu tăm bông đưa quá nông sẽ làm kết quả không chính xác.
Hoặc nhiều người khi vừa thấy kết quả hiển thị trên khay thử đã vội vàng kết luận là âm tính (1 vạch) hay dương tính (2 vạch). Tuy nhiên, điều này là không đúng, sau khi nhỏ dung dịch mẫu thử phải chờ ít nhất 15 phút khi đó mới có kết quả chính xác.
Bộ Y tế khuyến cáo, người dân khi có triệu chứng nghi ngờ bệnh hoặc có tiền sử tiếp xúc người mắc COVID-19, có nhu cầu sử dụng kit test nhanh - nên mua và sử dụng các sản phẩm đã được Bộ Y tế cấp phép lưu hành; có giấy phép nhập khẩu theo đúng thông tin về chủng loại, hãng nước sản xuất, có nhãn mác đầy đủ thông tin theo quy định và có tài liệu hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt. Đồng thời, khi sử dụng cần nghiên cứu kỹ và thực hiện theo đúng hướng dẫn sử dụng sản phẩm để tránh mua phải hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng. |
Nguồn: [Link nguồn]
Để có kết quả test nhanh chính xác, trước hết, cần lựa chọn mua đúng loại test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 đã được Bộ Y tế cấp phép.