Vì sao nhiều người mắc ung thư phổi thường được phát hiện muộn?

Sự kiện: Ung thư phổi

Hầu hết những người bệnh ung thư nói chung và ung thư phổi nói riêng có triệu chứng đi khám thường phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn.

Theo PGS.TS Phạm Văn Bình, Phó Giám đốc Bệnh viện K, ung thư phổi là một trong những bệnh lý ác tính có số lượng người mắc và tỷ lệ tử vong hàng đầu. Theo số liệu thống kê, ung thư phổi đứng thứ 2 về tỷ lệ mắc mới và là nguyên nhân gây tử vong nhiều nhất trong số các bệnh ung thư trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, tỉ lệ mắc ung thư phổi và ung thư gan chiếm tỷ lệ cao nhất với khoảng gần 15%.

Hầu hết những người bệnh ung thư nói chung và ung thư phổi nói riêng có triệu chứng đi khám thường phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn.

PGS.TS. Phạm Văn Bình, nhấn mạnh: Biểu hiện của ung thư phổi thường không rõ ràng ở giai đoạn đầu, dễ khiến cho người bệnh chủ quan nghĩ rằng đó là các bệnh hô hấp. Các biểu hiện điển hình mà người bệnh cần lưu ý đi khám như: ho khan dai dẳng, sụt cân, đau ngực; ho ra máu,...

(Ảnh minh họa).

(Ảnh minh họa).

Đặc biệt, với những đối tượng nguy cơ cao như người có thói quen hút thuốc lâu năm, tiếp xúc với khói thuốc lá trong một thời gian dài, người sử dụng nhiều rượu bia, chất kích thích... thì ngay khi có những biểu hiện ban đầu cũng cần phải lưu ý tới khám để phát hiện và điều trị kịp thời.

Vì vậy, việc phát hiện sớm ung thư phổi khi chưa có triệu chứng rất quan trọng. Tầm soát phát hiện sớm ung thư phổi là cách để phát hiện sự hiện diện của ung thư phổi ở những người khỏe mạnh có nguy cơ cao bị mắc ung thư phổi.

PGS.TS. Nguyễn Viết Nhung, Chủ nhiệm Bộ môn Phổi, Trường Đại học Y Dược, Đại học Quốc gia Hà Nội, Chủ tịch Hội Phổi Việt Nam cho biết, chìa khóa để giảm tỷ lệ tử vong do ung thư phổi tại Việt Nam và châu Á là phát hiện chẩn đoán sớm khi mà các bác sỹ có thể chỉ định các phác đồ điều trị có hiệu quả cao, thậm chí là khỏi hẳn tức là phát hiện sớm ung thư phổi thì bệnh nhân có cơ hội được chữa khỏi cao hơn.

Tại Việt Nam, việc sàng lọc ung thư phổi bằng chụp CT phổi liều thấp đã được khuyến cáo trong “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị ung thư phổi không tế bào nhỏ” của Bộ Y tế từ năm 2018, tuy nhiên việc thực hành đến nay còn nhiều hạn chế. Khuyến nghị được đồng thuận của các chuyên gia khu vực Châu Á một lần nữa thúc giục chúng ta phải hành động tích cực, khẩn trương hơn nữa, trong đó quan trọng nhất là cần áp dụng phương pháp sàng lọc với CT liều thấp như một công cụ sàng lọc chính.

Đối với người hút thuốc 20 bao/ năm trở lên hoặc những người không hút thuốc nhưng gia đình có tiền sử mắc ung thư phổi, tuổi từ 50 đến 75 tuổi là đối tượng cần đưa vào chương trình sàng lọc này nếu chúng ta thực sự mong muốn giảm tử vong vì ung thư phổi”.

Mặc dù hút thuốc là yếu tố nguy cơ hàng đầu nhưng ung thư phổi ở những người không bao giờ hút thuốc lại chiếm một tỷ lệ đáng kể, đặc biệt là ở phụ nữ châu Á.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi không hút thuốc ở châu Á cao hơn so với châu Âu và Bắc Mỹ.

Ngoài ra, bệnh nhân ung thư phổi không hút thuốc ở Châu Á có xu hướng được chẩn đoán mắc bệnh ở độ tuổi trẻ hơn so với những người đang hút thuốc và người đã từng hút thuốc. Do đó, các chuyên gia đồng thuận rằng cần hỗ trợ bệnh nhân có nguy cơ cao tiếp cận các quy trình sàng lọc bất kể tình trạng hút thuốc của họ bằng cách xem xét các yếu tố như di truyền và nhân khẩu học.

Các chuyên gia đề xuất chuyển đổi từ chụp X-quang ngực truyền thống sang một quy trình tiên tiến hơn được gọi là chụp cắt lớp vi tính (CT) liều thấp. Quy trình này sử dụng máy tính với tia X liều thấp để tạo ra một loạt các hình ảnh, từ đó có thể phát hiện các bất thường ở phổi, bao gồm cả các khối u.

Bệnh nhân có các bất thường được phát hiện trong quá trình kiểm tra sức khỏe định kỳ và thường xuyên tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ được khuyến cáo tầm soát bằng phương pháp CT liều thấp mỗi năm một lần. Còn người hút thuốc lá nặng có nguy cơ cao nên thực hiện việc này hai lần một năm.

Chuyên gia cũng cho rằng, việc thu thập và dẫn chứng các dữ liệu cụ thể tại từng quốc gia về các yếu tố nguy cơ gây bệnh ở những người không bao giờ hút thuốc, như tuổi tác, tiền sử mắc bệnh ung thư phổi của gia đình, tiền sử mắc các bệnh ung thư khác, hút thuốc thụ động và tiếp xúc với ô nhiễm không khí trong nhà (khói thải từ việc nấu ăn và sưởi ấm) và ngoài trời, có thể thu hút được sự ủng hộ của chính phủ để xây dựng các chương trình sàng lọc ung thư phổi trong nước.

Bác sĩ Bệnh viện K cảnh báo dấu hiệu cảnh báo ung thư phổi

Nếu ho kéo dài lâu ngày không khỏi thì không loại trừ khả năng người đó mắc ung thư phổi.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo VIỆT ANH ([Tên nguồn])
Ung thư phổi Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN