Vì sao nhiều người có thói quen đắp chăn khi ngủ?
Chăn giúp ủ ấm khi nhiệt độ cơ thể xuống thấp khi ngủ, tăng mức serotonin và melatonin trong não, mang lại cảm giác thư giãn, dễ ngủ.
Ellen Wermter, chuyên gia của Hội đồng Giấc ngủ Mỹ cho biết nhịp sinh học của chúng ta gắn liền với nhiệt độ cơ thể và thường giảm ngay trước khi ngủ. Nhiệt độ cơ thể tiếp tục giảm trong suốt đêm. Đó là cách cơ thể bảo toàn năng lượng để chuyển hướng năng lượng sang các hệ thống khác như tiêu hóa.
Chăn giúp giữ nhiệt độ cơ thể không giảm quá thấp và các cơ quan bên trong cơ thể có cơ hội hoàn thành quá trình phục hồi, không bị gián đoạn.
Đa phần chúng ta đều có thói quen đắp chăn khi ngủ từ nhỏ. Vì vậy, giống như nhiệt độ cơ thể giảm ban đầu là tín hiệu báo bạn cần ngủ, kéo chăn che cơ thể cũng vậy. ''Đây là một phần trong thói quen, nếu không có nó, não sẽ cảm thấy thiếu thứ gì đó và khó thư giãn", Wermter nói.
Ngoài ra, đắp chăn, đặc biệt là chăn có trọng lượng lớn kích kích não sản xuất serotonin, chất giúp thúc đẩy cảm giác bình tĩnh, giúp ngủ ngon hơn. Theo Wermter, độ nặng của chăn kích thích áp lực sâu, kích hoạt hệ thần kinh phó giao cảm, có khả năng làm tăng dopamine (hormone hạnh phúc) và mức serotonin ở một số cá nhân.
Tuy nhiên, khi thời tiết oi bức, đắp chăn có thể phản tác dụng. Vì nhiệt độ cơ thể giảm tự nhiên ngay trước khi đi ngủ là tín hiệu cho biết đã đến giờ đi ngủ, nên nếu nhiệt độ quá nóng, não sẽ bị đánh lừa rằng đây là giờ hoạt động không phải nghỉ ngơi. Dù bạn cố ngủ thiếp đi thì cũng không thể ngủ ngon.
Đắp chăn nặng có thể khiến mọi người ngủ ngon hơn. Ảnh:Freepik
Như vậy, bỏ chăn, bạn có thể mất ngủ như đắp chăn trong thời tiết nóng nực. Vì vậy, chuyên gia gợi ý một số cách để ngủ ngon khi đắp chăn như sau.
Tắm nước ấm trước khi ngủ
Nhà khoa học thần kinh Chelsie Rohrscheib, chuyên gia giấc ngủ tại Australia và thành viên Viện Chu kỳ giấc ngủ, cho biết làm nóng cơ thể trong lúc tắm bạn sẽ kích hoạt quá trình điều hòa nhiệt độ tự nhiên của cơ thể.
Nói cách khác, nước trên da bạn bốc hơi sau khi tắm, làm mát cơ thể nhanh như chớp, báo cho não đã đến giờ đi ngủ. Nhờ vậy bạn sẽ bớt ngột ngạt hơn khi đắp chăn.
Giảm dần cường độ theo từng giai đoạn
Nếu thay đổi từ đắp chăn dày sang không đắp khiến bạn khó chịu, hãy dần dần giảm kích thước chăn trong vài đêm. Điều này, theo Wermter, sẽ giúp não có thời gian thích nghi với sự khác biệt về trọng lượng khi bạn thay chăn bằng loại mỏng hơn và thoáng khí hơn.
Mặc đồ ngủ
Đồ ngủ giữ nhiệt, khó cởi vào giữa đêm. Vì vậy, chuyên gia khuyên nên mặc đồ lót để thoải mái hơn.
Dùng gối làm mát
Theo Chelsie Rohrscheib, nhiệt độ não cần giảm 1-2 độ trước khi có thể ngủ. Trong môi trường nóng bức, đây có thể là một nhiệm vụ khó khăn. Gối làm mát là cách thuận tiện để đẩy nhanh quá trình này, tăng khả năng bạn ngủ ngon.
Đổi chăn
Sanam Hafeez, một nhà tâm lý học thần kinh và là giáo sư thỉnh giảng tại đại học Columbia, ở New York, cho biết loại chăn làm mát có trọng lượng giữ cho cơ thể mát mẻ mà vẫn đủ độ dày khiến bạn dễ chịu. Chăn này thường làm từ vải cotton mềm mại, nhẹ mà không giữ nhiệt.
Bạn cũng có thể dùng loại chăn làm từ vải lycra, bọc kén hoặc chăn tre để tản nhiệt khỏi cơ thể.
Bỏ chân ra
Nghiên cứu cho thấy giữ chân mát mẻ bằng cách ngâm nước lạnh trước khi ngủ hoặc bỏ chân ra ngoài chăn có thể hạ nhiệt độ cơ thể.
Ngủ một mình
Wermter cho biết ngủ gần bạn đời có thể làm tăng chỉ số nhiệt. Bạn có thể ngủ một mình hoặc cách xa bạn đời, đủ không gian để điều chỉnh nhiệt độ cơ thể tốt hơn.
Việc kết hợp các loại thực phẩm như hạnh nhân, rau chân vịt, sữa... có thể nâng cao chất lượng giấc ngủ một cách tự nhiên, cơ thể được nghỉ ngơi phục hồi cần thiết.
Nguồn: [Link nguồn]