Vì sao người Việt bị ung thư lại sợ động dao kéo?

Khi bị ung thư động dao kéo sẽ nhanh chết hơn? Đó là quan điểm của nhiều người chứ không chỉ riêng bệnh nhân ung thư.

Vì sao người Việt bị ung thư lại sợ động dao kéo? - 1

Bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện K 2 Hà Nội

Nằm chờ chết thay vì mổ

Không may phát hiện ra căn bệnh ung thư tuỵ giai đoạn 3, chị Hoàng Lê Quỳnh trú tại Cát Linh, Hà Nội đã rơi vào trạng thái hoảng loạn vô cùng. Ung thư tuỵ vốn là căn bệnh ung thư nguy hiểm, có tỷ lệ tử vong cao giờ lại thêm phải phẫu thuật nên chị Quỳnh lo lắng không biết làm thế nào.

Giữa lúc chị đang rối như tơ vò thì cả gia đình chị cũng họp nhau lại có nên mổ hay không. Mỗi người một ý kiến khác nhau và không đi đến được thống nhất có nên mổ hay không. Với chị Quỳnh sợ nhất là cuộc đại phẫu có thể tử vong trên bàn mổ, lúc đó chị sợ không gặp được con cái mình nữa. Ám ảnh về cái chết từ từ cũng đáng sợ không kém gì cái chết đột ngột.

Cứ nghĩ đi, nghĩ lại chị đã quyết định không mổ. Chỉ đến khi bệnh nặng lên đau đớn không chịu được chị lại vào viện xin bác sĩ mổ. Lúc này bác sĩ từ chối mổ vì bệnh đã sang giai đoạn muộn có ổ di căn đi xa. Nếu như 5 tháng trước chị chấp nhận vào viện mổ có thể bệnh tiến triển thêm được chút ít.

Hay như trường hợp của ông Trần Văn Hậu trú tại Kiến Xương, Thái Bình bị ung thư thực quản. Khối u đã che hết cả đường ăn khiến ông khó nuốt. Cả ngày ông chỉ húp được tý cháo. Bác sĩ yêu cầu nhập viện mổ mở thông dạ dày và điều trị miễn dịch nhưng sợ động dao kéo chết nhanh hơn cả gia đình ông không đồng ý và đưa về nhà.

Được 1 tháng sau thì bệnh nhân nặng hơn, người gầy rộc vì không ăn được gì, thậm chí uống nước cũng không vào. Cả ngày ông chỉ nằm một chỗ vì đói mà không ăn được. 

Lúc này người thân mới đưa ông đến bệnh viện, bác sĩ chỉ mở thông được dạ dày vì bệnh đã ở giai đoạn muộn, khối u lớn líp hết trọn thực quản. 

Cho đến nay với các bệnh nhân ung thư họ vẫn mang tâm lý động dao kéo là chết, là di căn. Ông Nguyễn Văn Đựng trú tại Hà Nam chăm vợ bị ung thư tại Bệnh viện K, Hà Nội cũng đang đắn đo có nên làm phẫu thuật hay không. Vợ ông bị ung thư tử cung và bác sĩ cho biết phải cắt bỏ cổ tử cung. Tuy nhiên, ông Đựng sợ nhất là động dao kéo sẽ làm cho di căn vì ông đã chứng kiến một người thân bị ung thư, chỉ sau phẫu thuật 1 tháng thì bệnh nhân chết.

Giáo sư Nguyễn Bá Đức- Nguyên Giám đốc BV K Hà Nội cho biết quan niệm ung thư không được động dao kéo là sai lầm. 

Theo GS Đức có lẽ đặc điểm bệnh ung thư của người Việt Nam là phát hiện ở giai đoạn muộn, khi đó bệnh đã tiến triển và có di căn nên họ nghĩ do động dao kéo mà chết nhanh hơn.

Phẫu thuật là phương pháp lâu đời nhất

GS Đức cho biết phẫu thuật là phương pháp sử dụng dao mổ, kéo để loại bỏ khối u. Đây là phương pháp điều trị bệnh ung thư có lịch sử lâu đời nhất và là phương pháp điều trị khỏi với một số bệnh ung thư. Xu hướng hiện nay là phẫu thuật bảo tồn tối đa phối hợp với các phương pháp điều trị khác xạ trị, hoá trị liệu, điều trị miễn dịch nhằm cải thiện chất lượng sống cho người bệnh.

Có hai loại phẫu thuật điều trị chính là phẫu thuật điều trị triệt căn và điều trị tạm thời. Sử dụng loại phẫu thuật nào tuỳ thuộc vào giai đoạn bệnh. Nhiều ung thư khi phát hiện được thì bệnh đã ở giai đoạn muộn, gây hạn chế kết quả điều trị. Vì thế, trước khi mổ cần có chính xác về giai đoạn bệnh cũng như phải hiểu rõ quá trình tiến triển tự nhiên của loại ung thư mà từ đó bác sĩ đưa ra quyết định đúng.

Phẫu thuật điều trị triệt căn là mổ lấy bỏ khối u và các tổ chức quanh u đủ rộng vùng mà tế bào ung thư có thể xâm lấn tới. Điều này đảm bảo ở diện cắt không còn tế bào ung thư, nạo vét triệt để hệ thống hạch vùng, nhất là khi có hạch bị ung thư xâm lấn, thường áp dụng các ung thư biểu mô.

Phẫu thuật điều trị tạm thời phương pháp này áp dụng cho những trường hợp bệnh ở giai đoạn muộn, tổn thương đã lan rộng với mục đích phẫu thuật lấy bỏ khối u tối đa tạo điều kiện thuận lợi để áp dụng các phương pháp điều trị bổ sung khác (xạ trị, hoá trị liệu).

Các phương pháp phẫu thuật khác gồm phẫu thuật đông lạnh, đốt điện, tia laser, phẫu thuật nội soi cũng có thể áp dụng cho điều trị ung thư.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Thúy (Infonet)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN