Vì sao người bệnh đau lưng tuyệt đối không được cúi?
Ở tư thế cúi kể cả đứng hay ngồi và đặc biệt có xách thêm vật nặng thì áp lực nội đĩa đệm sẽ tăng lên rất nhiều lần, và là tư thế dễ gây đau lưng cấp do sự tăng lên đột ngột của áp lực này có thể gây lồi đĩa đệm.
Ảnh minh họa: Internet
Vai trò của áp lực nội đĩa đệm
Đĩa đệm cột sống nằm giữa 2 đốt sống có chức năng như cái giảm xóc giúp cột sống vận động linh hoạt. Trọng lượng của phần trên cơ thể tác động lên đĩa đệm tạo nên áp lực trong đĩa đệm (hay áp lực nội đĩa đệm).
Khi đĩa đệm bị thoát hóa (do tuổi tác, do nghề nghiệp...) cộng với áp lực nội đĩa đệm tăng lên do 1 nguyên nhân nào đó sẽ làm nhân nhầy đĩa đệm thoát ra khỏi vị trí, chèn ép các thành phần thần kinh, dây chằng gây ra bệnh thoát vị đĩa đệm.
Các tư thế cột sống ảnh hưởng thế nào đến áp lực nội đĩa đệm
Đoạn vận động là một đơn vị cấu trúc và chức năng của cột sống, bao gồm: khoang gian đốt chứa đĩa đệm và nhân nhày, nửa phần thân đốt sồng trên và đốt sống dưới, khớp đốt sống, hệ thống dây chằng và tất cả phần mềm tương ứng.
Đoạn vận động của cột sống hoạt động giống như một cái kẹp giấy mà bản lề chính là khớp đốt sống. Ở trạng thái cúi, khoang gian đốt hẹp lại làm tăng áp lực nội đĩa đệm. Còn ở trạng thái nằm nghỉ hoặc cột sống ưỡn, khoang gian đốt giãn ra làm giảm áp lực nội đĩa đệm.
Như vậy ở tư thế cúi kể cả đứng hay ngồi và đặc biệt có xách thêm vật nặng thì áp lực nội đĩa đệm sẽ tăng lên rất nhiều lần, và là tư thế dễ gây đau lưng cấp do sự tăng lên đột ngột của áp lực này có thể gây lồi đĩa đệm.
Như vậy tư thế cúi khom và đặc biệt là cúi bê vật nặng cần tuyệt đối tránh đối với bệnh nhân đau lưng mạn tính. Tư thế đúng khi cần bê nhấc một vật nặng là phải chùng chân-thẳng lưng hoặc quỳ một gối rồi từ từ đứng lên.
BS Mai Trung Dũng
Chủ nhiệm khoa Phục hồi chức năng - BV 354