Vì sao ngày càng nhiều người trẻ mắc ung thư?
Theo Tiến sĩ Daniela J. Lamas, tỷ lệ ung thư ở người dưới 50 tuổi đang tăng nhanh không chỉ do di truyền hay may rủi, mà còn là hậu quả tích lũy từ lối sống hiện đại.
Tiến sĩ Daniela là bác sĩ chuyên khoa phổi và chăm sóc đặc biệt tại Bệnh viện Brigham and Women ở Boston, Mỹ. Bà có những chia sẻ gây chú ý trên New York Times về tình trạng ung thư ở người trẻ đang gia tăng trên toàn cầu, đặc biệt ở các nước phát triển như Mỹ.
Nhiều năm làm việc tại khoa chăm sóc đặc biệt của một bệnh viện chuyên về ung thư đã mang đến cho bà những trải nghiệm đầy ám ảnh: Những bệnh nhân ở độ tuổi 30, 40 phải đối mặt với các chẩn đoán nghiêm trọng như ung thư ruột kết, ung thư vú di căn, hay ung thư hàm ác tính phá hủy cả đường thở. Những trường hợp này không còn hiếm gặp và đang phản ánh một xu hướng dịch tễ đáng báo động.
Tiến sĩ Daniela J. Lamas. Ảnh: Thenewyorktimes
Số liệu cho thấy tỷ lệ ung thư ở người dưới 50 tuổi được gọi là ung thư khởi phát sớm đang ngày một gia tăng. Dù số lượng tuyệt đối vẫn thấp so với nhóm tuổi cao, các loại ung thư này có xu hướng hung dữ và tiến triển nhanh hơn.
Đáng chú ý, sự gia tăng này không chỉ đơn giản do việc mở rộng chương trình tầm soát hay phát hiện sớm hơn. Theo Tiến sĩ Shuji Ogino, nhà dịch tễ học và bệnh học tại cùng bệnh viện với Lamas, xu hướng này là dấu hiệu cho thấy ảnh hưởng tích lũy từ những yếu tố nguy cơ trong môi trường sống hiện đại. Khái niệm này được ông gọi là "phơi nhiễm xã hội trong nhiều thập kỷ". Hiểu cách khác, thế hệ ngày nay phải đối mặt với nguy cơ mắc ung thư ở độ tuổi sớm hơn so với thế hệ trước. Đây là kết quả của nhiều yếu tố đan xen: từ lối sống ít vận động, chế độ ăn nhiều thực phẩm siêu chế biến, tiêu thụ rượu kéo dài, đến tác động của môi trường, chẳng hạn như hóa chất trong nhựa và các sản phẩm công nghiệp.
Tiến sĩ Lamas nhấn mạnh: "Mỗi chẩn đoán ung thư đều là kết quả của nhiều yếu tố chồng chéo, từ di truyền, môi trường, lối sống đến may rủi". Do đó, không thể quy trách nhiệm cho một lựa chọn cụ thể nào như việc uống rượu hay sử dụng cốc nhựa. Chính sự kết hợp giữa các yếu tố trong thời gian dài mới làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Vì vậy, theo bà, giải pháp không nằm ở những hành động đơn lẻ, mà đòi hỏi các nghiên cứu khoa học có hệ thống để hiểu rõ nguyên nhân thực sự, từ đó xây dựng chính sách phòng ngừa hiệu quả.
Một vấn đề lớn được đặt ra là các chiến dịch tầm soát hiện vẫn chưa được thực hiện đầy đủ. Ví dụ, chỉ khoảng 20% người Mỹ từ 45 đến 49 tuổi (nhóm tuổi được khuyến cáo nên tầm soát ung thư đại trực tràng) thực sự tham gia xét nghiệm. Rào cản chính đến từ thiếu thời gian, chi phí cao và tâm lý e ngại. Trong khi đó, cộng đồng khoa học vẫn chưa đạt được đồng thuận về độ tuổi tối ưu để bắt đầu tầm soát. Tình trạng này đòi hỏi thêm nhiều nghiên cứu và sự hỗ trợ từ chính phủ để phổ cập tầm soát hiệu quả mà không gây ra lo lắng không cần thiết.
Tiến sĩ Andrew Chan, chuyên gia tiêu hóa tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts và là người dẫn đầu các nghiên cứu về ung thư đại trực tràng khởi phát sớm, cho biết: "Chúng ta chưa biết đủ về lý do vì sao lại xuất hiện xu hướng đáng ngại này và để có câu trả lời, cần một nguồn lực nghiên cứu chuyên sâu và tập trung".
Các chuyên gia đồng thuận rằng Mỹ và nhiều quốc gia khác cần khẩn trương đầu tư vào nghiên cứu ung thư khởi phát sớm. Đây không chỉ là vấn đề y tế cá nhân, mà là một thách thức sức khỏe cộng đồng có thể ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi. Nếu được triển khai, các chương trình nghiên cứu quy mô lớn sẽ không chỉ giúp ngăn chặn xu hướng gia tăng ung thư ở người trẻ, mà còn có thể mở đường cho việc hiểu rõ hơn về các bệnh mãn tính khác đang ngày càng phổ biến.
Ung thư phổi là nguyên nhân gây tử vong cao thứ hai tại Việt Nam, sau ung thư gan, do hầu hết bệnh nhân được phát hiện ở giai đoạn muộn, chỉ 15% sống...
Nguồn: [Link nguồn]
-12/04/2025 15:00 PM (GMT+7)