Lý do bệnh bạch hầu từng là 'bóng ma' của thế giới

Sự kiện: Bệnh bạch hầu

Bệnh bạch hầu từng là nỗi ám ảnh thế giới ở thế kỷ 17-20, do tỷ lệ tử vong cao từ 10-20%, không có thuốc chữa.

Bạch hầu là bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae gây ra. Hầu hết ca nhiễm không có triệu chứng hoặc diễn biến lâm sàng nhẹ, song trong một số đợt bùng phát, tỷ lệ tử vong là 10%. Ở trẻ em dưới năm tuổi và người lớn trên 40 tuổi, con số này có thể lên tới 20%.

Ở những vùng khí hậu ấm hơn, bệnh nhân cũng có thể bị loét da không lành, bao phủ trong mô xám. Bệnh phổ biến tại châu Á, Cộng hòa Dominica, Đông Âu, Haiti, Nam Thái Bình Dương và Trung Đông.

Bạch hầu lây lan qua các giọt trong không khí có chứa vi khuẩn (qua hắt hơi, ho và khạc nhổ). Vi khuẩn cũng tồn tại trên các mặt phẳng người bệnh từng chạm vào, qua vết thương hở hoặc quần áo. Một người có thể mắc bạch hầu nhiều lần.

Những ca nhiễm bạch hầu đầu tiên được ghi nhận từ thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên, gieo rắc kinh hoàng khắp Ai Cập cổ đại và Syria. Đến thế kỷ 17, dịch bùng phát dữ dội ở châu Âu, cướp đi sinh mạng của hàng trăm nghìn người. Khi ấy, bạch hầu được gọi là "bệnh treo cổ" (El garatillo theo tiếng Tây Ban Nha), "bệnh họng" theo tiếng Italy.

Năm 1705, quần đảo Mariana trải qua một dịch bệnh bạch hầu và sốt phát ban đồng thời, làm giảm dân số xuống còn khoảng 5.000 người. Năm 1735, bệnh quét qua Mỹ, khiến nhiều gia đình tử vong chỉ trong vài ngày. Tuy nhiên, đến giai đoạn 1883 - 1884, vi khuẩn gây bệnh mới được phát hiện.

Dịch bạch hầu tại Mỹ đạt đỉnh vào năm 1921, với 206.000 ca mắc và 15.000 người tử vong. Cuối thế kỷ 19, các nhà khoa học phát minh ra vaccine, trở thành niềm hy vọng đối với nhân loại. Dù vậy, vi khuẩn vẫn gây bệnh và tử vong ở những nơi chưa được tiêm chủng đầy đủ.

Đến nay, bạch hầu vẫn là căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, đặc biệt với trẻ em và người chưa tiêm phòng. Hồi tháng 4, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông báo số ca nhiễm bạch hầu trên toàn thế giới gia tăng. WHO đánh giá đây là vấn đề đáng lo ngại, bởi căn bệnh có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng. Năm 2019, WHO ghi nhận thế giới có gần 23.000 ca bạch cầu, tăng 2,6 lần so với năm 2017.

Tại Việt Nam, bệnh lưu hành khá phổ biến ở hầu hết địa phương cả nước nhiều năm trước đây. Năm 1981, vaccine phòng bạch hầu được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng để tiêm miễn phí cho trẻ. Từ đó, bệnh bạch hầu được khống chế. Năm 1983 cả nước có gần 3.500 ca, thì giai đoạn 2004-2019 mỗi năm chỉ ghi nhận 10-50 ca.

Tuy nhiên, 5 năm qua số ca bạch hầu tăng trở lại. Năm 2020 ghi nhận 226 trường hợp, chủ yếu tại các tỉnh Đăk Lăk, Đăk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Quảng Ngãi và Quảng Trị. Số ca giảm trong năm 2021 (có 6 trường hợp), năm 2022 (2 ca) - năm trải qua đại dịch Covid-19. Riêng năm 2023, cả nước ghi nhận 57 ca bệnh bạch hầu tại ba tỉnh Hà Giang, Điện Biên và Thái Nguyên, 7 trường hợp tử vong - cho thấy mức độ lây nhiễm và tử vong cao. Gần đây, bệnh xuất hiện ở Nghệ An, Bắc Giang, một nữ sinh 18 tuổi tử vong.

Vi khuẩn bạch hầu. Ảnh: NFID

Vi khuẩn bạch hầu. Ảnh: NFID

Phân loại bệnh bạch hầu

Có hai loại bạch hầu chính, gồm bạch hầu đường hô hấp và bạch hầu da.

Bạch hầu hô hấp cổ điển: Đây là loại bệnh phổ biến nhất, có thể ảnh hưởng đến mũi, họng, amidan hoặc thanh quản. Các triệu chứng khác nhau tùy thuộc vào vị trí màng bị ảnh hưởng trong cơ thể. Một số người gọi tình trạng này là bạch hầu họng.

Bạch hầu da: Đây là loại bạch hầu hiếm gặp, đặc trưng bởi tình trạng phát ban ngoài da, lở loét hoặc mịn nước, xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể. Bạch hầu da phổ biến hơn ở vùng khí hậu nhiệt đới hoặc những nơi đông đúc, người dân sống trong điều kiện không lành mạnh.

Biến chứng nguy hiểm

Các triệu chứng của bệnh bạch hầu thường bắt đầu từ hai đến 5 ngày, sau khi một người nhiễm bệnh. Dấu hiệu gồm đau họng và khàn giọng, sưng hạch (hạch bạch huyết to) ở cổ, khó thở hoặc thở nhanh, chảy nước mũi, sốt và ớn lạnh, mệt mỏi, cổ họng và amidan bao phủ màng dày, màu xám.

Ở một số người, nhiễm vi khuẩn gây bệnh bạch hầu chỉ gây ra bệnh nhẹ hoặc không có triệu chứng rõ ràng. Họ sẽ mang mầm bệnh cho người khác mà không hay biết.

Nếu không được điều trị, bạch hầu có thể gây ra biến chứng về hô hấp, tổn thương tim và thần kinh.

Đối với biến chứng hô hấp, vi khuẩn bạch hầu sản sinh ra độc tố. Độc tố này làm tổn thương mô ở vùng nhiễm trùng ngay lập tức, thường là mũi và họng. Tại vị trí đó, nhiễm trùng sản sinh ra một lớp màng cứng, màu xám được tạo thành từ các tế bào chết, vi khuẩn và các chất khác. Lớp màng này có thể cản trở quá trình hô hấp.

Ở người tổn thương tim, độc tố bạch hầu có thể lan truyền qua máu và gây hại các mô khác trong cơ thể. Ví dụ, nó có thể gây tổn thương cơ tim, gây ra các biến chứng như viêm cơ tim (viêm cơ tim). Tổn thương tim do viêm cơ tim nhẹ hoặc nghiêm trọng. Trong trường hợp xấu nhất, viêm cơ tim có thể dẫn đến suy tim và tử vong đột ngột.

Độc tố cũng có thể gây tổn thương thần kinh. Các mục tiêu điển hình là dây thần kinh ở cổ họng, nơi dẫn truyền thần kinh kém có thể gây khó nuốt. Dây thần kinh ở tay và chân cũng có thể bị viêm, gây yếu cơ.

Nếu độc tố bạch hầu làm tổn thương các dây thần kinh giúp kiểm soát các cơ được sử dụng để thở, chúng có thể tê liệt.

Nguồn: [Link nguồn]

Sau khi có ca tử vong do bạch hầu, ngành y tế đang rà soát các đối tượng tiếp xúc gần, cách ly, tránh lây lan, nhiều người dân đã thắc mắc về việc tiêm vắc xin ngừa bệnh cho người lớn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thục Linh (Theo WHO, CDC, Mayo Clinic) ([Tên nguồn])
Bệnh bạch hầu Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN