Vì đâu suy giảm trí nhớ?

Sự kiện: Bệnh stress

Quên là một chứng bệnh phổ biến nhưng việc chữa trị rất phức tạp do còn bị ảnh hưởng bởi nhiều lời khuyên, cách dùng thuốc truyền miệng trong dân gian và cả các thuốc điều trị chứng quên đang được quảng cáo trên thị trường…

Quên là triệu chứng sớm của suy giảm nhận thức và sa sút trí tuệ tiến triển chậm trong nhiều năm. Trên phương diện bệnh học, có nhiều loại mất trí nhớ (chứng quên) do kết hợp với các rối loạn thần kinh như: bệnh Alzheimer, tai biến mạch máu não, tâm thần, trầm cảm, stress, suy nhược thần kinh... Nhiều người lớn tuổi, khoẻ mạnh cũng thường phàn nàn về chứng hay quên của mình.

Vì đâu suy giảm trí nhớ?

Là sự lưu trữ thông tin trong hệ thống thần kinh trung ương, trí nhớ có hai loại: trí nhớ ngắn hạn và trí nhớ dài hạn. Nó bao gồm ba tiến trình nhận thức chủ yếu: ghi nhận thông tin, lưu trữ thông tin và tìm kiếm – truy xuất thông tin. Sự suy giảm trí nhớ có thể xảy ra ở bất kỳ giai đoạn nào trong ba tiến trình đó.

Một số nghiên cứu y học cho thấy: trí nhớ dài hạn liên quan đến chức năng của một chất có tên Acetylcholine, còn trí nhớ ngắn hạn liên quan đến vùng trán của vỏ não, là vùng tập trung các thụ thể Dopanergic. Những thuốc gây ức chế Acetylcholine sẽ gây suy giảm trí nhớ dài hạn. Còn tổn thương vùng trán sẽ gây mất trí nhớ ngắn hạn.

Vì đâu suy giảm trí nhớ? - 1

Quên là triệu chứng sớm của suy giảm nhận thức và sa sút trí tuệ tiến triển chậm trong nhiều năm.

Theo thời gian, não trải qua quá trình lão hoá. Quên do tuổi gắn liền với sự mất dần tính khôi hài trong giao tiếp, tốc độ suy nghĩ chậm dần, thường quên sự việc mới xảy ra dù vẫn nhớ các sự việc đã rất lâu trong quá khứ. Còn quên do các nguyên nhân tâm thần thường kết hợp với rối loạn thần kinh thực vật, mất ngủ, thiếu năng lực trong công việc, ăn không ngon, hay lo âu. Quên do các bệnh thần kinh thường kèm các khiếm khuyết thần kinh.

Biểu hiện thường gặp

Biểu hiện sớm của chứng quên là người bệnh gặp khó khăn trong sử dụng tiền hàng ngày; trong sử dụng phương tiện giao thông, điện thoại…; mất kỹ năng mua sắm; mất khả năng làm theo lời hướng dẫn và tìm đường phố...; ngơ ngác, thờ ơ với người khác, luôn than phiền quên. Người bệnh không nhận biết khiếm khuyết trí nhớ của họ trong giai đoạn bán cấp nhưng sẽ nhận ra khi các biểu hiện này kéo dài.

Có hai kiểu biểu hiện thường gặp:

Chứng loạn trí nhớ về không gian: người bệnh khó nhận biết nơi mình đang ở và những nơi đã biết. Chứng loạn trí nhớ này rất kỳ lạ: người bệnh luôn tin rằng họ đang ở một nơi khác với nơi họ đang ở thật sự, dù có những bằng chứng rõ ràng như cầu thang, bàn ghế, giường nệm…

Chứng quên toàn bộ thoáng qua: là rối loạn có tính chu kỳ của hệ thần kinh trung ương, trong đó có sự mất trí nhớ đột ngột, đặc biệt là khả năng tường thuật hay kể về những sự kiện gần đây, mà không kèm các triệu chứng thần kinh. Người mắc chứng quên này thường lặp lại câu hỏi, nhấn mạnh từ cuối hay nhắc lại đoạn cuối của câu

Để có một cuộc sống khoẻ mạnh không chỉ về thể chất mà cả tinh thần, cần phòng ngừa và điều trị kịp thời chứng quên. Y học đã khẳng định: chứng quên ở giai đoạn còn sớm có thể chữa được hoặc ít ra cũng làm quá trình tiến triển bệnh chậm lại, giúp người bệnh có cuộc sống tốt hơn. Do đó, khi thấy có biểu hiện quên, nên đi khám ngay để được xác định mức độ quên, tìm các yếu tố gây bệnh và điều trị. Hiện có rất nhiều loại thuốc điều trị đặc hiệu cho các chứng quên do sa sút trí tuệ, quên sau tai biến mạch máu não, quên thông thường ở người lớn tuổi, quên do các bệnh trầm cảm, và stress… Một quan niệm mới về điều trị được đưa ra là dùng các thuốc chống thoái hoá não như vitamin E, vitamin C, Gingo giloba (chiết xuất từ cây bạch quả) và Piracetam, là những thuốc có tác dụng chống oxy hoá giúp bảo vệ tế bào, đặc biệt giúp các tế bào não tránh tác hại của các gốc tự do sản sinh trong quá trình thoái hoá não. Bên cạnh tác dụng trên, chúng còn có khả năng cải thiện tuần hoàn não nên cũng được dùng điều trị chứng quên và suy giảm nhận thức sau tai biến mạch máu não.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo PGS.TS.BS Vũ Anh Nhị- Chủ tịch hội Thần kinh học TPHCM (Sài Gòn tiếp thị)
Bệnh stress Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN